Aa

IPA và cam kết đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư

Thứ Ba, 02/07/2019 - 15:00

Hiệp định IPA có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như: đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ; không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản...

Hiệp định IPA do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 22/28 nước thành viên EU.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Hiệp định IPA có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, và các cam kết bảo hộ đầu tư khác...".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Các cam kết này trong IPA được xây dựng chi tiết hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU, có tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà nhà nước không được làm, bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.

Đáng chú ý, IPA đã bổ sung quy định ghi nhận quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, theo đó các Bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.

EVFTA và IPA là 2 Hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Việc ký kết các Hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

"Những điểm khác biệt này được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo các quy định của IPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tranh chấp xảy ra và trong trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư, đảm bảo cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng các quy định này một cách minh bạch, nhất quán, tương thích với ý định của Việt Nam và EU khi đàm phán Hiệp định", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định.

Về giải quyết tranh chấp đầu tư, Hiệp định IPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, tranh chấp đầu tư theo IPA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, IPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó.

Việc quy định cụ thể như vậy sẽ giúp nâng cao tính công bằng, nhất quán của hoạt động giải quyết tranh chấp, giúp hạn chế rủi ro về sai sót, đồng thời, tính độc lập của cơ quan giải quyết tranh chấp cũng được nâng cao do các bên tranh chấp không còn được lựa chọn người giải quyết tranh chấp của mình, đồng thời các thành viên phải tuân thủ chặt chẽ bộ quy tắc ứng xử quy định tại Hiệp định.

"Để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh...", Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top