Aa

Kè bờ bằng bê tông khối cỡ lớn: Nguy cơ biến Hồ Gươm thành bể chứa nước khổng lồ

Thứ Ba, 03/12/2019 - 14:05

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng, nghi ngại về phương án sử dụng bê tông khối để thay thế bờ kè đang xuống cấp ở Hồ Gươm, rằng nếu không cẩn thận, sẽ làm tổn hại đến di sản.

Bờ kè quanh Hồ Gươm nhiều đoạn đã bị sụt lún, xuống cấp hơn 1 năm nay, gây nguy hiểm cho khách tham quan và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Hiện, toàn bờ kè Hồ Gươm dài khoảng 1.600m, trong đó khoảng 600m đã bị hư hỏng. Nguyên nhân của việc sụt lún được giới chuyên môn đánh giá là do quá trình xây dựng tòa nhà Intimex đã làm thay đổi địa tầng, mực nước ngầm cũng như địa chất quanh hồ.

Bờ kè Hồ Gươm bị sụt lún nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu quận Hoàn Kiếm sớm tổ chức đấu thầu dự án chỉnh trang Hồ Hoàn Kiếm. Trong công tác cải tạo, hạng mục kè hồ là quan trọng nhất.

Hà Nội đã cho thí điểm thay thế 5m bờ kè bằng bê tông khối tại hồ Trúc Bạch. Đó là kè vát có gân tăng cường, mỗi cấu kiện bê tông dài chừng 1m, cao 2,5m và nặng 2,5 tấn. Những tấm bê tông này được cắm thẳng xuống lòng hồ, được cho là công nghệ mới của Việt Nam và có độ bền cao. Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi kiểm tra bờ kè và cho rằng công nghệ này rất phù hợp với hồ Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, trao đổi với Reatimes, nhiều chuyên gia nhận định, việc sử dụng những khối bê tông cỡ lớn để kè bờ Hồ Gươm phải thật sự cân nhắc và thận trọng. Đây là vấn đề không hề đơn giản như lát đá vỉa hè theo kiểu nếu vật liệu này không ổn, lại đào lên và tìm vật liệu khác thay thế.

Đoạn bờ kè bằng bê tông khối thí điểm tại hồ Trúc Bạch

Đừng bê tông hóa bờ hồ

“Hiện nay đối với các hồ tại Hà Nội, cần phải cố gắng bảo tồn giá trị cảnh quan chứ không nhất thiết phải kiên cố hóa bằng bê tông tất cả các hồ. Nhất là Hồ Gươm - “lẵng hoa xinh xắn” giữa Thủ đô, không phải cứ tùy tiện hết lát nền lại đến kè bờ”, KTS. Ngô Doãn Đức bày tỏ.

Theo vị kiến trúc sư này, cần phải có sự đánh giá hiện trạng bờ kè Hồ Gươm hiện tại, có tuổi thọ bao nhiêu, tiêu tốn bao nhiêu tiền, tình trạng sụt lún hiện nay như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao để có phương án giải quyết, khắc phục. Và phải trả lời câu hỏi tại sao lại phải kè, cần xem có phương án nào tốt hơn không?

“Chứ kè bê tông xong mấy năm nữa lại cho rằng có phương án khác hay hơn. Chúng ta đã bỏ số tiền lớn để kè trước đây và cũng cho đó là tốt nhất, nhưng đến hiện tại thì sao? Lần này cũng cho là sẽ làm tốt, nhưng liệu có tốt thật không, hay lại tốn thêm chi phí. Vậy nên cần phải có phương án tính toán cẩn trọng, đặc biệt là đối với một cảnh quan di sản như Hồ Gươm. Không thể tiếp tục chạy theo phong trào bê tông hóa bờ hồ được, rất nguy hiểm. Tất nhiên, cái hồ được kè lại bờ thì vẫn là cái hồ đó, chứ không phải hồ khác. Nhưng liệu giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử có còn được giữ nguyên?”, ông Đức nói.

KTS. Ngô Doãn Đức

“Băn khoăn nhất là liệu Hà Nội có thực hiện được như phương án đưa ra hay không? Đơn vị thi công quảng cáo đây là bê tông dùng công nghệ mới, có độ bền cao, quá trình thực hiện không dùng đê bao, không thay đổi mực nước đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền tự nhiên đáy hồ, cũng như giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh hồ… nhưng vấn đề là có làm được như thế không. Hay lại giống như việc lát đá tự nhiên được quảng cáo có độ bền 70 năm cho vỉa hè nhưng chỉ được vài tháng đã nứt toác, lại phải tìm phương án khác thay thế”, một vị chuyên gia khác nêu quan điểm. 

Hồ Gươm là di sản, không phải là “bể chứa nước”

Theo các chuyên gia, nếu đưa quá nhiều yếu tố mang tính chất vật lý, cơ học vào thì có thể sẽ làm Hồ Gươm biến dạng, trở nên thô cứng, làm tổn hại đến giá trị di sản mà lâu nay người ta vẫn hằng luyến nhớ, lưu giữ, biến Hồ Gươm thành bể chứa nước khổng lồ, mất đi những giá trị cảnh quan vốn có.

“Thử hình dung xem, nếu bờ hồ bị bao bởi những khối bê tông cỡ lớn và thô cứng, thì không khác gì một cái bể chứa, cảnh quan chắc chắn mất. Những khối bê tông lớn người ta chỉ làm với các công trình giao thông, hay những công trình cần độ cứng cáp, vững chãi chứ không thể đem nó áp vào bờ hồ, làm mất đi sự mềm mại và mảng xanh vốn có”, TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội chia sẻ.

Đồng quan điểm, KTS. Khuất Tân Hưng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cũng cho rằng, Hồ Gươm là di sản rất quan trọng nên bất kể một can thiệp nào liên quan đều phải hết sức cẩn thận chứ không phải cứ thử xong rồi nếu không hợp lý thì bỏ. 

“Hồ Gươm có rất nhiều hệ thống cây xanh lâu năm mọc vươn ra, nếu làm không cẩn thận thì vừa làm hỏng cảnh quan hồ và ảnh hưởng đến hệ thông cây xanh đó nữa. Sử dụng bê tông khối để kè sẽ làm cho Hồ Gươm không còn khoảng thở và nó không khác gì cái chậu bê tông, trở thành thảm họa cảnh quan, rất xấu và rất phản cảm. Đối với Hồ Gươm, làm gì thì làm phải giảm áp lực cho hồ, càng giảm càng tốt chứ đừng tăng áp lực và đưa thêm nhiều thứ vào”, vị KTS nhận định.

KTS. Khuất Tân Hưng

Các chuyên gia cho rằng, đối với cảnh quan bờ hồ, phải tìm giải pháp tối ưu để giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên của hồ, gia cố bằng một số giải pháp kỹ thuật, trong đó ưu tiên hàng đầu là giữ được vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan:

“Cách Đà Lạt làm hồ Xuân Hương khá hợp lý, để kè xong cỏ xanh mọc hai bên hồ, rất tự nhiên. Còn có cả những chỗ cỏ mọc thoai thoải. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, hồ Xuân Hương có khoảng không gian xung quanh rộng hơn nhưng đó là một cách làm để cảnh quan hồ không bị cứng, tạo ra một cảm nhận rất tự nhiên”, KTS. Khuất Tân Hưng nói.

“Ví dụ như ngày xưa để bờ đất, nó có cái hay đó là tự nhiên, nhưng đất không thôi thì sẽ bị sạt lở. Bây giờ có bờ kè rồi thì sạt đâu mình vá lại chỗ đó, sử dụng những vật liệu gần với tự nhiên, có khoảng trống để cho cỏ hay các thảm thực vật có thể phát triển được, mới giữ được hệ sinh thái chứ không nhất thiết phải kè lại hoàn toàn bằng bê tông. Rất lãng phí!”, KTS. Ngô Doãn Đức đặt vấn đề.

Cũng theo các chuyên gia, Hà Nội không thể lấy lý do đã thí điểm ở hồ Trúc Bạch để vận dụng vào Hồ Gươm “bởi tính chất của hồ Trúc Bạch và Hồ Gươm khác nhau kể cả về vị trí và giá trị văn hóa, lịch sử nên không thể áp đặt một cách máy móc như vậy, đồng thời phải đặt dấu hỏi có cơ quan nào kiểm nghiệm một cách khoa học về chất lượng công trình thí điểm không hay chỉ làm cho có”, lời KTS. Khuất Tân Hưng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top