Aa

Kết thúc mùa lễ hội Kinh Bắc

Chủ Nhật, 05/05/2019 - 06:01

Tôi đã đi từ làng Ngọc quê mình, qua làng Lãng bên kia sông. Đã đi dọc bờ sông Cầu, sông Đuống. Để xem làng nọ nối tiếp làng kia tình tang lễ hội hát xướng thâu đêm suốt sáng...

Trấn Kinh Bắc xưa vốn là một vùng rộng lớn án ngữ phía bắc kinh thành Thăng Long. Gồm toàn tỉnh Bắc Ninh bây giờ, một phần tỉnh Bắc Giang, các huyện quận của Hà Nội: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Và cả Văn Giang, Văn Lâm nay đã thuộc về Hưng Yên nữa.

Vật đổi sao dời, nay nói về Kinh Bắc người ta hay chỉ nói đến Bắc Ninh.

Mà Bắc Ninh nay chỉ là một tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước. Cụ thể là bao nhiêu thì tôi chả nắm rõ, bởi đã có sẵn trong tài liệu! Nhưng đúng là nhỏ nhất nước. Tôi có thể lấy xe máy chạy nhẩn nha dọc, ngang. Từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây mỗi chiều hết độ ba mươi phút là hết tỉnh! Nhưng đấy là ngày thường, chứ còn mùa xuân, để đi một vòng hết tỉnh Bắc Ninh - Kinh Bắc bé tẹo kia chắc phải là ba tháng. Bởi ba tháng xuân ấy là hội hè, đình đám, du xuân... Mà tôi thì vốn ham vui mải chơi!

Mùng bốn tết, hai hội to khai liền: Hội pháo Đồng Kị và hội xem hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích. Từ ngày nước nhà cấm pháo thì hội Đồng Kị kém vui hẳn đi, thế nhưng bù lại mấy năm gần đây hội làng Đồng Kị giải vật cổ truyền, giải bóng chuyền xôm trò nức tiếng. Nhiều vận động viên nổi tiếng quốc gia về tranh giải hội làng, vui còn hơn giải vô địch toàn quốc! Bởi làng treo giải to lắm, dân Đồng Kị giàu nức tiếng từ xưa lại thưởng tại chỗ nhiều. Đất làng mà đắt ngang đất phố cổ bên Hà Nội kia mà.

Còn hội xem hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích thì ngày càng to hơn. Nhất là từ khi chùa được xây lại, to đẹp. Đỉnh núi xây thêm bảo tháp và tượng Phật khổng lồ. Duy chỉ hoa mẫu đơn còn hơi ít, nhưng Từ Thức, Giáng Hương đời nay có lẽ nhiều hơn, xinh hơn, lả lơi hơn... Chả cần phải đợi ngắt hoa vít cành cũng đã giao duyên rồi! Khách đi du xuân trên núi Phật Tích ít người biết được trên đó có hòn đá mà tương truyền có các vị tiên trên giời hay xuống ngồi đánh cờ với nhau, trong dân gian lại có truyền thuyết khác: Ấy là truyền rằng, xưa trai gái đi hái củi trên núi, thấy hòn đá phẳng đẹp, lại trên đỉnh sơn thủy hữu tình gió mát giăng thanh, bèn tự tình cùng nhau. Tình nồng đến nỗi gẫy đôi tảng đá...

Cả vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc làng nào mùa xuân cũng mở hội. Trước cúng thành hoàng là người có công với dân với nước. Rồi rước tượng, rước nước từ sông Cầu, sông Đuống... về, cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Rồi đêm hội là hát cửa đình hầu thánh: quan họ, chầu văn, tuồng, chèo... Hội làng Đồng Ngư bên Thuận Thành thì có cả rối nước nữa kia.

Bắc Ninh gắn với dân ca quan họ, dân các nơi chăm chăm đợi ngày 13 tháng giêng hàng năm đổ về đồi Lim xem hát. Thế nhưng ít người biết rằng thủy tổ quan họ lại mãi trong làng Diềm, xưa thuộc huyện Yên Phong nay thuộc thành phố Bắc Ninh. Hàng năm ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch là làng Diềm mở hội làm lễ tưởng nhớ vua Bà, thủy tổ quan họ. Những người muốn nghe quan họ gốc do các nghệ nhân liền anh liền chị hát đúng kiểu “vang rền nền nảy”, thường tới tận đây thưởng thức một canh quan họ cổ. Dám chắc sau một đêm mê đắm trong những làn điệu trữ tình của quan họ làng Diềm, khó có du khách nào mà cất bước trong đêm không thấy bâng khuâng xao xuyến...

Nhưng Bắc Ninh không chỉ có hội hát quan họ. Bên bờ nam Sông Đuống có lăng mộ Kinh Dương Vương, tương truyền là thủy tổ Việt Nam. Người đã sinh ra Lạc Long Quân, rồi Lạc Long Quân mới sinh ra Vua Hùng. Chuyện này Đại Việt Sử Ký toàn thư có chép trong phần ngoại kỷ. Huyền thoại, thực hư trộn lẫn nhau chưa minh định được bao nhiêu, thế nhưng dân làng Á Lữ vẫn mở hội làm lễ tế ngài đều đặn vào ngày 17 tháng giêng hàng năm. Mấy năm nay hội ngày càng to, lăng ngày càng lớn...

Bởi thế cho nên, văn nhân như tôi mà đi hội xuân Kinh Bắc thì cả mùa xuân không về được đến nhà! Có bạn bảo tôi, thế quê nhà ông ba tháng xuân không làm ăn gì, chỉ hội hè du xuân hát lượn à? Xin thưa là không phải thế đâu, ban ngày vẫn cấy vẫn cày. Vẫn “tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà/ tháng ba cày vỡ ruộng ra/ hoa gạo rụng xuống là ta gieo vừng”! Nhà nông quê tôi vẫn ngày ra ruộng, tối đến mới sắm sanh quần áo, nón thúng quai thao, ô lục soạn băng qua dải đê sang làng bên dự hội. Không có chơi đâu! Chỉ có vài ba tay văn nhân dở hơi mới rỗi việc lang thang làng nọ xóm kia ngó nhòm... Bỗng đâu thấy cô yếm thắm ngân nga:

“Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu

Mùng chín đâu đâu thì về hội Gióng”

Chợt nhớ đã tới tháng Tư âm, sắp hết mùa hội xuân rồi. Ừ. Thì mai sang Phù Đổng, làng Gióng bên bờ tả sông Đuống...

Tôi đã đi từ làng Ngọc quê mình, qua làng Lãng bên kia sông. Đã đi dọc bờ sông Cầu, sông Đuống. Để xem làng nọ nối tiếp làng kia tình tang lễ hội hát xướng thâu đêm suốt sáng. Để thấy dập dìu trai thanh gái lịch suốt dải đê xanh, dọc bờ sông bến nước của các làng kết chạ với nhau về trẩy hội. Rồi thấy bọn ấy hẹn hò nhau, mai sang làng Gióng dự hội kết thúc mùa xuân Kinh Bắc, để đến hẹn sang năm chúng mình lại cùng đi chơi nhé...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top