Aa

Sắc đỏ áp đảo nhóm BĐS trong phiên 2/7, khối ngoại tiếp tục bỏ 1.800 tỷ đồng mua NVL

Thứ Bảy, 03/07/2021 - 06:32

Nhóm cổ phiếu vốn lớn phân hóa mạnh nên các chỉ số biến động hẹp trong phiên 2/7. Nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận sắc đỏ áp đảo hơn, trong đó NVL gây chú ý nhất khi tiếp tục có giao dịch thỏa thuận “khủng”.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 2/7 vẫn biến động khá tích cực dù áp lực chốt lời vẫn luôn thường trực. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc xanh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chiếm ưu thế hơn và góp phần giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số đều không quá mạnh và thậm chí còn có lúc bị bán xuống dưới mốc tham chiếu do áp lực chốt lời mạnh.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng có đóng góp quan trọng trong việc giữ được sắc xanh của các chỉ số. Nhóm cổ phiếu chứng khoán có một phiên rất tích cực sau thông tin hệ thống giao dịch của HoSE do FPT cung cấp vận hành từ 5/7. Theo đó, Ủy ban Chứng khóa Nhà nước chấp thuận kiến nghị của HoSE đưa giải pháp xử lý sự cố hệ thống vào vận hành. Theo đó, HoSE sẽ đưa phần mềm của HNX do FPT cung cấp (giải pháp xử lý sự cố giao dịch) vào vận hành chính thức từ 5/7.

Chốt phiên, các mã như PHS, WSS, PSI, VCI và AGR đều được kéo lên mức giá trần. IVS tăng 8,8%, VDS tăng 6,7%, FTS tăng 5,8%, BSI tăng 4,5%...

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 2/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng như VPB, SHB, HDB, VIB, TCB, STB... đều đồng loạt tăng mạnh. VPB tăng 2,4% lên 72.100 đồng/cp. Thông tin giúp cổ phiếu này đi lên vẫn đến từ việc dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức gây sốc 80% bằng cổ phiếu. HDB tăng 2,1% lên 37.200 đồng/cp, như vậy, HDB đã vượt đỉnh. SHB tăng 2,1% lên 29.000 đồng/cp.

Ngoài ra, khá nhiều cổ phiếu trụ cột như MWG, FPT, GAS... tăng giá tốt nên các chỉ số đều kết phiên trong sắc xanh. MWG tăng 3,8%, FPT tăng 3,4%, GAS tăng 2,5%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 2/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

Chiều ngược lại, những rung lắc trong phiên 2/7 đến từ nhiều cổ phiếu trụ cột khác như VCB, VNM, HPG, HVN, GVR... Trong đó, VCB giảm sâu 1,3% xuống 114.900 đồng/cp, việc cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán đi xuống như trên đã tác động rất mạnh khiến VN-Index không thể bứt phá.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn, trong đó, các mã vốn hóa lớn như VIC, NVL, THD, BCM hay VRE đều giảm giá, dù vậy mức giảm của các cổ phiếu này không quá mạnh. Trong đó, NVL gây chú ý khi tiếp tục có giao dịch thỏa thuận 15,9 triệu cổ phiếu ở mức giá 120.000 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch lên đến gần 1.909 tỷ đồng, trong đó đa phần là do khối ngoại mua vào.

Đối với nhóm bất động sản vốn hóa nhỏ, các mã thanh khoản cao như BII, DRH, FLC, CEO, HDC, DIG, HPX, LDG... đều chìm trong sắc đỏ. BII giảm sâu 3% xuống 6.500 đồng/cp, FLC giảm 2,6% xuống 13.050 đồng/cp, CEO giảm 2% xuống 9.800 đồng/cp.

Ở hướng ngược lại, một vài mã bất động sản vẫn giữ được đà tăng, trong đó, BVL và STL được kéo lên mức giá trần. BVL đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp sau chuỗi 4 phiên lao dốc (3 phiên giảm sàn liên tiếp). Bên cạnh đó, FIT tăng 2,9% lên 17.500 đồng/cp, HQC tăng 2,1% lên 3.830 đồng/cp...

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, VN-Index tăng 3,19 điểm (0,23%) lên 1.420,27 điểm. Toàn sàn có 169 mã tăng, 212 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,29 điểm (0,7%) lên 328,01 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 122 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,22%) lên 90,64 điểm.

Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường giảm nhẹ so với phiên trước và ở mức 27.500 tỷ đồng, trong đó, KBC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với gần 16 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 2/7.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại mua ròng đột biến hơn 1.900 tỷ đồng và tương tự như phiên 30/6, NVL được khối ngoại mua ròng gần 1.820 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận. Bên cạnh NVL, khối ngoại phiên 2/7 còn mua ròng mạnh 2 mã bất động sản khác là VHM và KDH với lần lượt 43 tỷ đồng và 25,4 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC và KBC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 44 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 30,15 điểm (2,2%) lên 1.420,27 điểm; HNX-Index tăng 9,79 điểm (3,1%) lên 328,01 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước với trung bình khoảng 26.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 13,1% lên 117.364 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,7% xuống 3,4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 8% lên 16.039 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4% lên 671 triệu cổ phiếu.

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) thị trường có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường. Thị trường tăng điểm trong 4/5 phiên giao dịch tuần qua nhưng với mức thanh khoản đều thấp hơn trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư tại vùng giá hiện tại. Độ rộng thị trường cũng không thực sự tốt với việc số mã giảm cao hơn số mã tăng trong hầu hết các phiên. Việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang trở nên khó khăn hơn.

Trên góc nhìn kỹ thuật, kháng cự mạnh của sóng tăng 5 của VN-Index sẽ là quanh ngưỡng 1.420 điểm. Và với việc kết tuần ngay tại đây đi kèm với thanh khoản không thuyết phục thì xu hướng hiện tại vẫn chỉ là trung tính./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top