Aa

Không giải trình được sai phạm, doanh nghiệp “tố lại” luật sư

Thứ Tư, 02/08/2017 - 21:01

Liên quan đến những khiếu nại của khách hàng đối với dự án ALMA của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường, mới đây Công ty này có văn bản trả lời kiến nghị của Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú.

Ngày 10/7, Công ty Vịnh Thiên Đường (VTĐ) có công văn trả lời kiến nghị của Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú theo yêu cầu của Cục Quản lý Cạnh tranh.

Theo đó, công ty này cho rằng, các ý kiến trong văn bản số 52 ngày 30/5 của Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú - đơn vị trợ giúp pháp lý cho khách hàng ký hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ với VTĐ -  gửi phòng Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý Cạnh tranh, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, TP.HCM, Khánh Hòa đã phản ánh sai sự thật, không có chứng cứ và chứng lý, được thêu dệt theo hướng làm xấu đi hình ảnh và uy tín của công ty VTĐ.

Cụ thể, theo chủ đầu tư dự án ALMA, đơn vị này khẳng định việc cung cấp thông tin của dự án hiện nay phù hợp với quy định của pháp luật.

"Nếu Luật sư Tú cho rằng Công ty cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ về chủ đầu tư, dự án ALMA cho khách hàng, Luật sư nên hướng dẫn khách hàng hoặc đại diện khách hàng thực hiện quyền luật định được thông tin của khách hàng quy định tại khoản 21, điều 42 và khoản 8 điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, Luật sư Tú có thể đại diện thân chủ của mình liên hệ công ty để được cung cấp thông tin, góp ý với công ty về các thông tin được cung cấp, liên hệ với công ty để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về Sở hữu kỳ nghỉ...”, Công ty VTĐ cho biết.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án ALMA còn đưa ra những quan điểm cho rằng, luật sư Trương Anh Tú có thái độ không thiện chí trong việc giải quyết yêu cầu của khách hàng, có hành động làm giảm uy tín của công ty, viện dẫn các chi tiết về vốn, tiến độ xây dựng cũng như các vấn đề liên quan đến điều khoản trong hợp đồng... để kết luận công ty lừa dối là vội vàng, không có cơ sở pháp lý vững chắc.

Để rộng đường dư luận, Reatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú xoay quanh vụ việc này.

"ALMA không có thiện chí để giải quyết tranh chấp Hợp đồng với khách hàng"

PV: Công ty Vịnh Thiên Đường (VTĐ) vừa có văn bản “trả lời kiến nghị của Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú” vào ngày 10/7/2017 theo yêu cầu của Cục Quản lý Cạnh tranh. Tổng quan, ông đánh giá thế nào về những lập luận, quan điểm của công ty này trong văn bản trên?

Luật sư Trương Anh Tú: Về mặt tổng quan, Văn bản “trả lời kiến nghị của Văn phòng luật sư” của ALMA là văn bản “tố tội Luật sư” chứ không phải là một văn bản giải trình vụ việc đối với cơ quan nhà nước (ở đây là Cục quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương).

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA) vẫn không có thái độ cầu thị và tiếp nhận thông tin yêu cầu hủy Hợp đồng từ phía khách hàng và Luật sư. ALMA tiếp tục “gồng gánh” để bảo vệ đến cùng bản Hợp đồng mẫu “sở hữu kỳ nghỉ” có rất nhiều điều khoản trói buộc người tiêu dùng là những khách hàng của ALMA.

Ảnh văn bản Alma gửi cho Luật sư

Ảnh văn bản Alma gửi cho Luật sư Trương Anh Tú

Những luận điểm, quan điểm của ALMA đưa ra hoàn toàn cảm tính, tiêu cực, đưa ra hiện tượng nhưng không rõ bản chất với những câu từ qui chụp luật sư “sai sự thật”, “thêu dệt”, “suy diễn”, “sai lệch”, “vội vàng”,” gây rối”, “gây khó”, “vu khống doanh nghiệp”, “gây kích động”… Điều này thấy rõ ALMA không có thiện chí để giải quyết tranh chấp Hợp đồng với khách hàng.

PV: Trong công văn, Công ty VTĐ cho rằng việc cung cấp thông tin của Công ty là phù hợp, bằng 3 thứ tiếng và thời lượng hội thảo 2 – 3 tiếng đủ để khách hàng nghe tư vấn, giải thích mọi thắc mắc về hợp đồng cũng như dự án. Nếu đơn vị tư vấn pháp lý cho là Công ty cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ thì nên hướng dẫn khách hàng thực hiện quyền luật định được thông tin... Quan điểm của luật sư như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Quá trình ký kết Hợp đồng giữa ALMA và khách hàng đều có một công thức chung: từ khi khách hàng nhận lời mời đến Hội thảo đến khi ký kết Hợp đồng, khách hàng đều không có tâm thế để giao dịch ký kết Hợp đồng mà chỉ đến “Hội thảo” để tiếp cận thông tin và nhận Vouches khuyến mại (thời gian ALMA ký Hợp đồng hết sức ngắn ngủi để khách hàng có thể đọc, hiểu Hợp đồng).

Riêng đối với Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là dạng Hợp đồng hoàn toàn mới với tất cả chúng ta. Ngay cả đối với Luật sư chúng tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu; loại Hợp đồng này nằm ngoài khả năng nhận thức của tất cả mọi người. 

Như vậy, ALMA đã không trả lời đi vào trọng tâm khi đưa ra quan điểm Luật sư nên hướng dẫn khách hàng thực hiện quyền luật định được thông tin. Bởi vì tại thời điểm khách hàng ký Hợp đồng không có sự tham vấn của Luật sư, chỉ sau khi đưa ra đề nghị chấm dứt Hợp đồng và không được chấp nhận, khách hàng mới tìm đến Luật sư.

PV: Phía Công ty VTĐ còn cho rằng việc Luật sư gửi thư đến nhiều cơ quan, tổ chức  bằng nhiều nhận định tiêu cực là gây khó, đe dọa cho công ty này. Bên cạnh đó, Công ty có mời luật sư tham gia họp để cung cấp thông tin, giải quyết các khiếu nại của khách hàng nhưng luật sư từ chối cuộc họp. Lý do luật sư từ chối dự họp là gì?

Luật sư Trương Anh Tú: Trên thực tế, chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đề nghị ALMA có ý kiến về việc chấm dứt Hợp đồng có ghi rõ thời gian chờ phản hồi, nhưng ALMA  “phớt lờ” không hợp tác, không trả lời. ALMA đã có thái độ rõ ràng coi thường khách hàng và luật sư.

 Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Sau đó chúng tôi gửi các văn bản kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo qui định của pháp luật. Cục cạnh tranh – Bộ công thương đã có văn bản yêu cầu ALMA trả lời trước ngày 9/7/2017, nhưng ALMA cũng không trả lời đúng hẹn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng cơ quan nhà nước. Chúng tôi hoàn toàn không gây khó cho Doanh nghiệp trong khi chính họ là những người đang gây khó cho người tiêu dùng Việt Nam.

Sau khi có sự phản ánh sự việc của các cơ quan báo chí, khoảng cuối tháng 6/2017, tôi – luật sư Trương Anh Tú có nhận được 1 cuộc gọi và một tin nhắn từ 1 vị xưng là luật sư thuộc Chi nhánh phía Nam của Công ty Luật Vilaf Hồng Đức, đại diện cho ALMA đề nghị “gặp gỡ” trên tinh thần “hợp tác” tại địa điểm ngoài văn phòng, có thể ngoài giờ hành chính.

Tôi cho rằng “lời mời” này là “tế nhị” không rõ ràng về mục đích nên đã từ chối. Ngoài ra, ALMA và đơn vị tư vấn Vilaf cũng không chính thức hẹn làm việc với luật sư bằng văn bản. Gần đây nhất, họ hẹn gặp chúng tôi để đàm phán trả tiền cho các khách hàng vào ngày 29/7 nhưng sau đó, đơn vị này đã hủy lịch hẹn vào phút chót, điều này một lần nữa thể hiện sự thiếu thiện chí của họ trong việc giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng.

PV: Theo Công ty VTĐ thì việc đơn vị tư vấn pháp lý dẫn các chi tiết về vốn của chủ đầu tư, tiến độ xây dựng để kết luận công ty lừa dối khách hàng là vội vàng, không dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc. Luật sư có chấp nhận quan điểm này từ phía VTĐ?

Luật sư Trương Anh Tú: Liên quan đến phần vốn góp của ALMA, chúng tôi muốn đưa ra đối chiếu tỉ lệ vốn góp trong Giấy chứng nhận đầu tư là 105 tỉ đồng và số vốn đầu tư được ALMA quảng bá là 300 triệu đô từ nhà đầu tư Israel để cho thấy về mặt pháp lý, thông tin của ALMA đang quảng bá cho khách hàng là không có sự kiểm chứng, xác thực về số vốn đầu tư với mục đích lấy niềm tin của khách hàng về Dự án và Chủ đầu tư Dự án.

Về bản chất, số vốn góp đầu tư hay số vốn do ALMA quảng bá đều xuất phát từ phía cam kết của chính ALMA đối với cơ quan nhà nước và khách hàng. Quá trình làm việc với Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được họ xác nhận thông tin này. Như vậy, thông tin báo chí và quan điểm của chúng tôi là đúng sự thật.

Liên quan đến tiến độ xây dựng, chúng tôi đều dựa vào việc cập nhật thực tế về tiến độ xây dựng Dự án của ALMA đối chiếu với các văn bản quản lý của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở kế hoạch đầu tư Khánh Hòa…việc chậm tiến độ của Dự án ALMA đã có sự “rung chuông” bằng văn bản xử phạt của Sở kế hoạch đầu tư Khánh Hòa trong tháng 6 vừa qua.

“Cứ bàn về tiến độ, Vịnh Thiên Đường cố tình đánh lạc hướng dư luận”

(Ảnh dự án Alma)

Ảnh dự án Alma

PV: Đơn vị này cho rằng Luật sư căn cứ Khoản 1 Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để kết luật công ty vi phạm điều cấm về tiến độ mà không trình bằng chứng đính kèm là sai sự thật, không có cơ sở pháp lý vững chắc. Luật sư nhận định sao?

Luật sư Trương Anh Tú: Như trên chúng tôi đã nói, việc cam kết tiến độ xây dựng của Dự án và việc hoàn thành vào năm 2018 của ALMA là không khả thi và có dấu hiệu tiếp tục lừa dối khách hàng. Chúng tôi không nhận định chủ quan mà trên thực tế ALMA đã bị Sở kế hoạch đầu tư Khánh hòa xử phạt 30 triệu đồng vi phạm về tiến độ Dự án. Ngoài ra, việc cam kết tiến độ là quyền của ALMA đối với khách hàng nhưng ALMA đã có tiền lệ vi phạm và việc ALMA tiếp tục vi phạm sẽ hoàn toàn có thể xảy ra khi ALMA tiếp tục hứa hẹn và thất hứa với khách hàng của mình

Hơn nữa, khi họ cứ bàn về tiến độ thì theo tôi, họ đang đánh lạc hướng dư luận. Với cách thức kinh doanh và dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ” này thì dù khu nghỉ dưỡng có xây xong đi chăng nữa thì người dân cũng không nên mua.

PV: Theo VTĐ, lý do khách hàng không đủ thời gian đọc hợp đồng chỉ được nêu ra khikKhách hàng bị tác động bởi các thông tin tiêu cực, các ý kiến pháp lý sai lệch về Mô hình Sở hữu kỳ nghỉ và khi các khách hàng nhờ Luật sư hỗ trợ họ hủy Hợp đồng đã ký và đòi lại tiền cọc đã thanh toán. Ý kiến của Luật sư về nhận định này của VTĐ?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc ký kết Hợp đồng được qui định chung trong Bộ luật dân sự, thời gian ký kết Hợp đồng khác với thời gian ALMA trình bày “Hội thảo”, đấy là 2 vấn đề khác nhau. Chúng tôi đang muốn đề cập đến thời gian ALMA giành cho khách hàng khi ký kết Hợp đồng hết sức ngắn ngủi, dưới 30 phút hoặc ít hơn để khách hàng có thể đọc hiểu và ký Hợp đồng theo qui định của pháp luật.

Những nhận định của luật sư đưa ra hoàn toàn dựa trên đánh giá pháp lý khách quan, trên cơ sở pháp luật hiện hành và thực tế ký Hợp đồng giữa ALMA và khách hàng do người dân cung cấp, thậm chí chúng tôi cũng đã từng chứng kiến.

PV: Công ty VTĐ khẳng định họ có xuất hóa đơn cho khách hàng ngay sau khi hợp đồng được giao kết thành công, được ký kết bởi 2 bên và theo tiến độ thanh toán thực tế của khách hàng cho công ty. Đối chiếu với thông tin mà khách hàng đã cung cấp cho luật sư, điều này có đúng không?

Luật sư Trương Anh Tú: Chúng tôi cho rằng thông tin của ALMA đưa ra không đúng sự thật, phần lớn các khách hàng đều không nhận được ngay Hóa đơn VAT, khách hàng chỉ nhận được các Phiếu thu hoặc Biên lai “quẹt thẻ” Ngân hàng. Trường hợp khách hàng yêu cầu nhận Hóa đơn ALMA mới cung cấp.

Điều 9 trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Alma được Công ty Vịnh Thiên Đường cho là để nhắc nhở khách hàng đọc kỹ hợp đồng trước khi ký?

Điều 9 trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA được Công ty Vịnh Thiên Đường cho là để nhắc nhở khách hàng đọc kỹ hợp đồng trước khi ký?

PV: Về Điều 9 hợp đồng giữa VTĐ và khách hàng, liên quan đến quyền khiếu nại của khách hàng, công ty này cho rằng, quy định trên là để nhắc nhở khách hàng đọc và hiểu rõ Hợp đồng trước khi ký kết vì mô hình Sở hữu kỳ nghỉ còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đơn vị này nói một người bình thường, có khả năng biết đọc tiếng Việt đều có thể hiểu điều khoản này. Vậy thưa luật sư, việc nghiên cứu hợp đồng liệu có đơn giản đến mức người bình thường nào cũng có thể đọc và hiểu được trong vài giờ đồng hồ như công ty này nhận định?

Luật sư Trương Anh Tú: Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA là một dạng hợp đồng mẫu, được soạn sẵn gồm 20 điều, 5 phụ lục, 32 trang với cách trình bày rất phức hợp, không dễ dàng tiếp thu và hiểu rõ trong một thời gian ngắn, những người am hiểu pháp luật như luật sư, luật gia cần phải có thời gian dài nghiên cứu mới hiểu được Hợp đồng.

Hơn nữa, ALMA cũng đã khẳng định trong thông cáo báo chí của mình rằng “ Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được tư vấn soạn thảo bởi công ty luật hàng đầu Việt Nam VILAF”. Điều này chứng tỏ hợp đồng này cần phải được chuyên gia pháp lý nghiên cứu chứ không hề đơn giản đến mức người bình thường nào cũng có thể đọc hiểu được. Do vậy, việc ALMA nhận định khách hàng có thể hiểu được ngay khi tiếp cận là không phù hợp, không đúng với thực tế.

PV: Đối với vấn đề người tiêu dùng yêu cầu hủy hợp đồng và trả tiền, bồi thường thiệt hại xảy ra nhưng công ty VTĐ không thực hiện, công ty này cho rằng, hợp đồng được ký kết phù hợp với các quy định của pháp luật và công ty đã tuân thủ các nghĩa vụ của họ được quy định trong hợp đồng. Vậy thưa luật sư, trong trường hợp nào, người tiêu dùng có quyền yêu cầu hủy hợp đồng và trả tiền, bồi thường thiệt hại?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc ALMA cho rằng “hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và công ty tuân thủ các nghĩa vụ của họ được quy định trong hợp đồng” là ý kiến chủ quan từ phía ALMA. Người tiêu dùng không ngẫu nhiên mà yêu cầu hủy hợp đồng hàng loạt và hoàn lại tiền.

Do đó, trong trường hợp ALMA được chấp nhận hủy hợp đồng và trả lại tiền, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đưa khiếu nại đến VP khiếu nại Hội bảo vệ người tiêu dùng, khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án (trường hợp xác định Thỏa thuận trọng tài trong Hợp đồng không thực hiện được), thậm chí tố cáo đến Cơ quan điều tra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Xin cảm ơn Luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top