Aa

Không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm, "ôm" thị phần cho một phía doanh nghiệp

Thứ Tư, 05/04/2017 - 19:30

"Tôi không loại trừ khả năng có yếu tố lợi ích nhóm trong kế hoạch áp dụng giá sàn vé máy bay. Bởi việc này sẽ có lợi cho những hãng máy bay có chi phí sản xuất cao và để bảo vệ thị phần của các doanh nghiệp này".

Có thể bạn quan tâm

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã đánh giá như vậy khi trao đổi với Reatimes xung quanh thông tin Cục Hàng không lại đưa ra dự thảo về khung giá vé máy bay.

PV: Dưới góc nhìn vĩ mô, ông có đồng ý việc áp giá sàn, giá trần cho vé máy bay không, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đồng ý vé máy bay có giá trần nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý chuyện áp giá sàn với vé máy bay bởi nó làm méo mó nền kinh tế thị trường. Tôi cho rằng việc áp giá sàn là để bảo vệ người cung cấp dịch vụ nhiều hơn là bảo vệ nhóm người tiêu dùng. 

PV: Đối với người tiêu dùng việc áp giá sàn đương nhiên không có lợi, nhưng đối với doanh nghiệp thì sao, họ được gì và mất gì nếu có giá sàn thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Trên thị trường, bất cứ doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp dịch vụ giá rẻ thì nên tạo điều kiện để họ phục vụ người tiêu dùng giá thấp nhất có thể, miễn là chất lượng dịch vụ được bảo đảm. Nếu áp giá sàn thì mức giá này có là bao nhiêu cũng đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá rẻ. 

Các doanh nghiệp có chi phí sản xuất cao hơn đối thủ cạnh tranh được bảo vệ bởi giá sàn bởi mức giá này có thể là giá tối thiểu có thể bù đắp chi phí cho họ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có chi phí thấp, có thể cung cấp các mức giá rẻ hơn, thì nếu áp giá sàn họ sẽ bị cào bằng với doanh nghiệp có chi phí cao.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

PV: So với mặt bằng chung, ông cho rằng giá vé máy bay ở Việt Nam là cao hay thấp? Căn cứ vào tiêu chí nào để doanh nghiệp đưa ra đề xuất tăng giá vé? 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Giá máy bay tại Việt Nam nói chung không phải thuộc loại thấp trên thị trường thế giới. Tại nhiều quốc giá với những hãng máy bay giá rẻ như Mỹ, có thể với cùng một đường bay và điều kiện bay như Việt Nam nhưng họ có thể bán vé thấp hơn giá máy bay tại nhiều đường bay tại Việt Nam, dù chi phí về nhân sự, bảo hành có thể cao hơn tại Việt Nam.

Việc tăng giá phải tùy theo chi phí sản xuất. Nếu chi phí cho một ghế máy bay tăng lên, thì buộc nhà cung cấp phải tăng giá để bù chi phí sản xuất. Chính vì thế giá vé máy bay cần xác định trên chi phí giá sản xuất và giá mà thị trường chấp nhận được.

Tôi cho rằng việc để cho các hãng máy bay tại Việt Nam tự cạnh tranh và đưa giá vé xuống mức thấp nhất có thể là điều cần thiết. Đặc biệt trong tương lai khi dự kiến sẽ có nhiều hãng máy bay quốc tế tham gia vào đường bay quốc lộ tại Việt Nam. Bất cứ biện pháp hành chính nào làm méo mó cơ chế thị trường trên nguyên tắc cung cầu sẽ loại bỏ tính cạnh tranh của các hãng máy bay có khả năng cạnh tranh cao.

PV: Nhìn về phía doanh nghiệp, yếu tố nào có thể nhận định rằng giá vé máy bay đã hợp lý chưa, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Cũng khó để có thể chỉ nhìn vào mức lợi nhuận của doanh nghiệp để đánh giá xem giá máy bay hiện nay có hợp lý hay không. Mức lợi nhuận của một hãng máy bay có thể được tác động tích cực bởi việc bán những sản phẩm và dich vụ bên cạnh bán ghế máy bay. Chẳng hạn việc bán dịch vụ ăn uống, đồ chơi trên máy bay sẽ góp phần làm doanh thu tăng lên nhiều.

Cần phải xem toàn bộ chi phí của hãng máy bay. Đối với vé máy bay chi phí lớn nhất là xăng dầu. Ví dụ nếu giá xăng dầu tăng thì bắt buộc họ phải tăng giá.

PV: Vậy, theo dự báo của ông, giá xăng dầu thế giới từ nay đến cuối năm có tăng không?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Theo dự báo của tôi thì giá xăng dầu có khả năng sẽ tăng nhưng không đáng kể trong năm nay. Hiện tại, giá xăng dầu đang bị giằng co bởi hai thị trường lớn là thị trường sản xuất dầu mỏ OPEC và thị trường Hoa Kỳ. Trong khi OPEC đã quyết định giảm sản lượng xăng dầu để tăng giá xăng dầu trên thế giới thì Hoa Kỳ lại muốn đẩy sản lượng ra thị trường với mục đích kéo giá xăng dầu xuống. Hai thế lực đang giăng co khiến giá xăng dầu phần nào khó định đoán.

PV: Như vậy, có nghĩa rằng chi phí cấu thành giá vé máy bay sẽ tăng không đáng kể, không như doanh nghiệp đề xuất đúng không, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Đúng như vậy, tôi cho rằng chi phí cấu thành giá vé máy bay trong năm nay sẽ không tăng nhiều. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp giá xăng sẽ tăng và đẩy chi phí giá thành lên thì các hãng máy bay vẫn có thể giảm giá qua việc sử dụng những phương tiện sản xuất khác để giá vé máy bay ổn định.

PV: Xung quanh diễn biến vụ việc những ngày vừa qua, xuất hiện ý kiến cho rằng, có yếu tố lợi ích nhóm trong kế hoạch áp giá sàn vé máy bay tronh một nền kinh tế đang chạy theo cơ chế thị trường, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không loại trừ khả năng có yếu tố lợi ích nhóm đã đưa đến kế hoạch áp dụng giá sàn vé máy bay. Việc áp dụng giá vé sàn sẽ có lợi cho những hãng máy bay có chi phí sản xuất cao làm giảm thiểu tính cạnh tranh của họ và để bảo vệ thị phần của các doanh nghiệp này.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Dự thảo khung giá vé máy bay Cục hàng không đưa ra đang gây nhiều tranh luận bởi vì tư duy giá trần – giá sàn đã quá lỗi thời với một xã hội hiện đại. Nhưng Dự thảo lại lập tức nhận được sự ủng hộ của hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airline) với đề xuất áp một giá sàn 1,54 triệu đồng cho một chặng bay phổ thông nội địa, Jetstar Pacific cũng đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên Vietjet Air lại "lắc đầu" với giá sàn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top