Hà Nội: Khu đất tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp sẽ vào tay ai?

Hà Nội: Khu đất tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp sẽ vào tay ai?

Thứ Tư, 02/06/2021 - 12:00

tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp

Di dời một dự án ma

Cầm những lá đơn trên tay với giọt nước mắt “nghẹn ngào”, cựu giáo viên Nguyễn Thị Lạng vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại ngày “sét đánh ngang tai” khi trên loa truyền thanh của xã Ninh Hiệp thông báo yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại Khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp (vị trí C30, thôn 5) phải di dời, bàn giao mặt bằng cho xã quản lý, hạn chót đến ngày 25/3/2021, nếu ai không chấp hành sẽ bị UBND xã “lập hồ sơ xử lý vi phạm”.

Cô giáo Lạng trần tình trước sự chứng kiến của gần chục thầy, cô giáo khác: “Từ những năm 1980, Ninh Hiệp là một xã vùng sâu, vùng xa, đường vào xã đi lại còn khó khăn, cách xa quốc lộ. Để thu hút giáo viên về với địa phương, UBND xã Ninh Hiệp phải vận động và đưa ra nhiều ưu sách mong muốn thu hút được giáo viên về đây dạy dỗ con em quê hương xã Ninh Hiệp. Thời điểm ấy, xã cùng với nhà trường xây dựng 2 dãy nhà tập thể tạo điều kiện cho giáo viên có chỗ ăn, chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với trường với lớp, với con em họ. Năm 1990, xã tiếp tục sửa sang, xây thêm một dãy nhà nữa với tổng cộng 20 căn (cũ và mới). Chúng tôi đã gắn bó hơn 30 năm với sự nghiệp giáo dục các thế hệ học sinh trên địa bàn…”.

Các thầy, cô đều cho biết, thời điểm đó khi phân nhà, nhà trường xem xét tiêu chuẩn phải thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình đông con, chưa có nhà, ở xa trường và phải có đơn được Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường xét duyệt.

Bà Phạm Thị Hường, cựu giáo viên trường Tiểu học Ninh Hiệp cho biết: “Trong 20 hộ, có 7 hộ thuộc gia đình chính sách. Chúng tôi sinh sống ổn định mấy chục năm nay không có tranh chấp gì, vì ở đây tất cả đều là giáo viên. Đến nay, căn nhà cấp 4 mà chúng tôi được phân đã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Dù chúng tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị UBND xã cho sửa chữa, hợp thức hóa theo Nghị định 61 của Chính phủ để xây dựng, sửa chữa nhưng UBND xã không giải quyết”.

Cựu giáo viên Nguyễn Thị Lạng

Khi mới về đây ở, khu tập thể có 20 căn nhà cấp 4, 1 khu công trình phụ công cộng. Qua thời gian, việc kinh doanh ở Ninh Hiệp phát triển, xã đã cắt toàn bộ công trình phụ của khu tập thể để bán cho các hộ kinh doanh, rồi xã xây dựng duy nhất 1 nhà vệ sinh tự hoại giao cho các hộ dân khu tập thể sử dụng, dẫn đến cuộc sống của các hộ gia đình giáo viên không đảm bảo được nhu cầu tối thiểu. Việc xã bán đất trái thẩm quyền thuộc khu đất nhà vệ sinh của tập thể, Reatimes sẽ đề cập ở những bài viết sau.

“Thấy sự bất tiện, các hộ gia đình tự bỏ tiền ra làm nhà vệ sinh, làm sân, làm bếp, làm đường đi, cống rãnh và xây tường rào… Công trình này được UBND xã Ninh Hiệp đồng ý và cho người đến cắm mốc địa giới, hướng dẫn xây dựng”, cô giáo Hường cho biết thêm.

Vậy mà đến nay, một số cán bộ UBND xã Ninh Hiệp (đương nhiệm) lại không công nhận những công trình này và cho rằng 20 hộ giáo viên tự ý xây dựng trái phép, lấn chiếm, vi phạm đất đai; lấy cớ đó yêu cầu các hộ phải di dời bàn giao mặt bằng, trả lại đất cho xã quản lý. Như vậy, từ những người chịu thiệt thòi, phải hy sinh cho mục đích của xã thì nay các giáo viên lại trở thành người vi phạm?!

UBND xã Ninh Hiệp “bất ngờ” ra thông báo yêu cầu các hộ phải di dời, bàn giao mặt bằng cho xã quản lý. Đây là một thông báo lạ lùng, trái luật, biến khu đất và nhà ở được người dân sử dụng, sinh sống ổn định từ hàng chục năm nay thành khu đất vi phạm. Lạ hơn, đối tượng liên quan đến thông báo là các hộ giáo viên lại không một ai nhận được bất cứ thông báo nào từ phía chính quyền theo đúng luật định. Bí thư chi bộ, trưởng thôn cũng không nhận được thông báo nói trên. 

Dư luận và các thầy, cô giáo đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn: Tại sao chính quyền khi thực hiện một dự án lại không thực hiện đầy đủ đúng quy trình của pháp luật? Trình tự thực hiện một dự án đã được quy định, sao huyện và xã lại bỏ qua, che giấu, không tổ chức họp các hộ dân, không lấy ý kiến của nhân dân, không thông qua tổ chức đoàn thể nào của địa phương? Trong khi đó, 20 hộ giáo viên bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng không hề được bàn bạc hoặc hay biết về việc thu hồi khu đất này để làm gì và sử dụng vào mục đích gì, quy hoạch như thế nào, phương án đền bù và tái định cư ra sao...

Những văn bản mập mờ bất nhất

Gần 40 năm tồn tại, 20 hộ giáo viên của khu tập thể vẫn phải sống trong những căn nhà dột nát ở ngay Thủ đô mà không được sửa chữa, xây dựng, nay lại có nguy cơ bị đẩy “ra đường” bất cứ lúc nào.

Bắt nguồn từ văn bản số 276/UBND-ĐCXD ngày 21/9/2020 của UBND xã Ninh Hiệp - báo cáo Huyện: “Khu đất tập thể giáo viên nguồn gốc là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý từ năm 1993, tạo điều kiện cho giáo viên mượn làm nơi ăn ở khi giảng dạy tại trường tiểu học, trung học Ninh Hiệp…”.

Cũng chính từ văn bản 276 của UBND xã Ninh Hiệp, nên huyện Gia Lâm mới lấy đó làm căn cứ để ban hành văn bản số 3521/UBND-TN&MT vào ngày 17/11/2020 và chỉ đạo: “Khu đất tập thể giáo viên nguồn gốc là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý từ năm 1993… Để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, yêu cầu di dời, bàn giao mặt bằng cho UBND xã quản lý trước ngày 30/11/2020”. Khi được hỏi để triển khai theo quy hoạch thực hiện dự án nào, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp nói chưa có dự án nào cụ thể, mà mới đang dự kiến.

Đến ngày 2/2/2021, ông Trương Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm tiếp tục ký văn bản số 254/UBND-TN&MT đôn đốc chỉ đạo UBND xã thực hiện việc di dời 20 hộ dân, báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện, hoàn thành xong trước ngày 15/3/2021.

Ngày 15/3/2021, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch xã Ninh Hiệp ký thông báo số 76/TB-UBND về việc yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại Khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp (vị trí C30) di dời, bàn giao mặt bằng cho UBND xã quản lý với tổng diện tích hiện trạng sử dụng đất của 20 hộ gia đình, cá nhân tại khu tập thể là 807,51m2.

thông báo số 76 đuổi 20 hộ giáo viên ra khỏi nhà

Khi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch xã Ninh Hiệp rằng tại sao chưa có dự án, chưa có kế hoạch cụ thể mà xã đã ra thông báo buộc 20 hộ giáo viên phải di dời trước ngày 25/3/2021, nếu không thực hiện di dời, UBND xã sẽ lập hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai không? Ông Tuấn nói: "Xã chỉ là cấp thực thi theo chỉ đạo của huyện. Đến nay huyện cũng chưa có quyết định để làm dự án gì".

Thêm những bất cập, văn bản số 3521 ngày 17/11/2020 của UBND huyện Gia Lâm đề cập đến thời điểm năm 2015 các hộ gia đình giáo viên trên có đơn xin UBND huyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện khẳng định, chưa đủ cơ sở giải quyết. Vậy văn bản đó là gì?

Trước đó, ngày 16/10/2015, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký văn bản số 1463/UBND-TN&MT về việc giải quyết đơn của 20 giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ninh Hiệp.

Văn bản nêu rõ, về hồ sơ địa chính: “Theo bản đồ đo vẽ năm 1984 và sổ lập kèm theo, thửa đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên trường thể hiện tại thửa đất số 169, diện tích 15.103m2, tờ bản đồ số 04. Theo bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1994 và sổ lập kèm theo, thửa đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên của trường thể hiện tại thửa đất số 53, diện tích 13.872m2, tờ bản đồ số 21. Như vậy, UBND huyện Gia Lâm đã khẳng định đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên đất của trường…

Thế nhưng sau đó, UBND huyện Gia Lâm lại nêu: “Bản đồ đo vẽ năm 1984 và bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1994 thể hiện khu đất tập thể giáo viên nằm trong khuôn viên thửa đất của nhà trường là chưa chính xác. Thực tế khu tập thể giáo viên nằm ngoài khuôn viên nhà trường là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý. Năm 2004, Trường Tiểu học và Trung học Ninh Hiệp được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bao gồm diện tích đất và công trình nhà ở của khu tập thể…”.

văn bản 1643 có nội dung bất nhất

Tại văn bản số 1463 do UBND huyện ban hành nêu rõ, bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1994 và sổ lập kèm theo đã thể hiện rõ thửa đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên trường. Tuy nhiên, tại văn bản số 3521 lại nêu, khu đất tập thể giáo viên nguồn gốc là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý từ năm 1993. Nội dung hai văn bản trái ngược này đều được UBND huyện Gia Lâm ban hành tại hai thời điểm khác nhau cho thấy có nhiều điều chưa sáng tỏ. 

Có thể nói, nhiều văn bản đã thể hiện rõ sự bất nhất trong công tác quản lý của chính quyền huyện Gia Lâm qua các thời kỳ. Việc khẳng định bản đồ đo vẽ năm 1984 và bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1994 thể hiện thửa đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên trường là có thực. Tuy nhiên, UBND huyện Gia Lâm lại xác định là “chưa chính xác”. Việc này UBND huyện Gia Lâm xác định dựa trên cơ sở nào? Vì sao đến năm 2004 trường Tiểu học và Trung học Ninh Hiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn khu đất tập thể của giáo viên nhà trường lại không được xét cấp? Vấn đề này cũng cần phải được làm rõ.

Đất sẽ về tay ai

Cần nói rõ, nguồn gốc đất khu tập thể giáo viên trường Tiểu học, Trung học Ninh Hiệp cần phải xác định đúng và thực tế, không thể căn cứ vào báo cáo sai sự thật của Chủ tịch UBND xã đương nhiệm năm 2000 để làm căn cứ. 

Được biết, khu đất tập thể giáo viên có vị trí trung tâm chợ đầu mối Ninh Hiệp là trạm trung chuyển hàng hóa lớn của miền Bắc. Mỗi ngày, chợ thu hút hàng nghìn lượt thương nhân trong Nam, ngoài Bắc tới mua hàng. Cũng chính vì vậy mà nhà đất tại khu tập thể giáo viên này được coi là khu đất “vàng”, giá đắt đỏ. Một ki-ốt khoảng 20m2 nằm ở vị trí đẹp của chợ Ninh Hiệp sẽ có giá gần 70 tỷ đồng, giá cho thuê xấp xỉ 50 - 60 triệu đồng/tháng/ki-ốt.

Với nguồn thu lợi lớn từ đất đai như vậy, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, rằng liệu diện tích 807,51m2 của 20 hộ gia đình, cá nhân tại khu tập thể giáo viên khi bị thu hồi sẽ về tay ai?

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: Khu tập thể giáo viên có vị trí sát khu chợ, hiện đang dự kiến cho dự án mở rộng khuôn viên trường hoặc dự án xây dựng khu thương mại; đến giờ vẫn chưa có quy hoạch và chưa rõ sẽ tiến hành dự án gì…

Như vậy, việc xác định nguồn gốc đất của UBND xã Ninh Hiệp, UBND huyện Gia Lâm cần phải minh bạch; làm rõ trách nhiệm cá nhân báo cáo không trung thực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của những hộ giáo viên đang sinh sống tại đây. Nếu có quy hoạch, kế hoạch thực hiện dự án thì cần phải được công khai minh bạch đúng quy trình, quy định của pháp luật. 

Vậy trong câu chuyện 20 hộ giáo viên bị “đuổi” khỏi nơi ở, diện tích đất khu tập thể khi thu hồi sẽ được quy hoạch mục đích sử dụng là gì, diện tích này có nằm trong kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch của huyện Gia Lâm hay không và liệu rằng có tồn tại câu chuyện “lợi ích nhóm” trong việc thu hồi đất tại đây,... cần câu trả lời thỏa đáng của chính quyền UBND huyện Gia Lâm.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

2/6/2021 12:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top