Aa

Kịp thời "giải cứu" doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Tư, 06/05/2020 - 05:54

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời giải ngân nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để hạn chế tối đa tình trạng phá sản và thất nghiệp gia tăng.

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, giải cứu người lao động

"Bây giờ mới đánh giá người lao động có bị ảnh hưởng không thì họ bỏ việc hết. Doanh nghiệp cứ kê khai thiếu bao nhiêu tiền trả cho công nhân và cam kết với Thành phố. Nếu hậu kiểm phát hiện sai sót thì doanh nghiệp trả lại ngân sách kèm theo tiền lãi"

Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020”. Ông nhận định, một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là giúp doanh nghiệp không mất lao động bởi nếu tình trạng này xảy ra sẽ khó có thể hồi phục sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với tình trạng phá sản tăng lên khi doanh nghiệp đuối sức và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP.HCM triển khai quyết liệt gói hỗ trợ của Chính phủ lẫn Thành phố để tránh chảy máu nguồn nhân lực, sau đó phải thực hiện hậu kiểm. Thành phố cũng hỗ trợ chủ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Bí thư Thành ủy yêu cầu các ban ngành liên quan hỗ trợ, đảm bảo tính thanh khoản để doanh nghiệp có dòng tiền thuê đất, mua nguyên vật liệu... khôi phục sản xuất.

Từ đầu năm đến 31/3, có 345 doanh nghiệp ở TP.HCM đã giải thể. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn là hơn 5.500, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, biện pháp chống dịch tại TP.HCM phải có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt mục tiêu kép: Đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi kinh tế. Hoạt động kinh tế và người lao động cần được hỗ trợ để năng suất diễn tiến theo chiều hướng gia tăng của thời kỳ trước dịch. Thành phố cần theo dõi tiến trình phục hồi tại các nền kinh tế đối tác lớn, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu để tăng khả năng thâm nhập thị trường trong điều kiện cho phép.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân tại buổi Toạ đàm sáng 5/5. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Trong bối cảnh tình hình thế giới khó đoán định hơn và trong nước chịu tác động sâu rộng từ bên ngoài vì độ mở lớn, ông Ngân đưa ra bốn kịch bản tăng trưởng cho "đầu tàu kinh tế của cả nước".

Đối với kịch bản cơ sở, dựa trên các giả định tiêu cực nhất như dịch bệnh kéo dài, bất ổn địa chính trị gia tăng, kinh tế thế giới suy thoái, các đối tác kinh tế lớn của thành phố như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc... khó hồi phục, tính ổn định của các chỉ số vĩ mô trong nước cũng biến động theo thế giới, kinh tế TP.HCM năm nay dự báo tăng trưởng ở mức 2,5%.

Kịch bản 1 và 2 giảm dần mức độ tiêu cực của các biến số giả định. Kinh tế TP.HCM khi đó tăng trưởng ở mức 3,4 - 4,12%. Ông Ngân kỳ vọng nhiều ở hai kịch bản này, bởi dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt và các đối tác kinh tế lớn của Thành phố đã triển khai nhiều gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Kịch bản 3 thể hiện trạng thái lạc quan nhất, dựa trên giả định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhưng không rơi vào suy thoái. Tăng trưởng của TP.HCM sẽ xoay quanh mức 5,42%. Tuy nhiên, ông Ngân nhận định kịch bản này "rất khó khả thi" bởi số liệu thống kê quý đầu năm của nhiều quốc gia cho thấy dấu hiệu suy thoái đã cận kề.

Bắt tay phục hồi nền kinh tế ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, trong quý I/2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của Thành phố. Thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế là 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ra 4 vấn đề, thách thức nổi cộm, bao gồm: Vấn đề kinh tế số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; Thị trường xuất nhập khẩu sẽ phải làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng; Làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa khi người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng sau đại dịch do tâm lý lo sợ kéo dài, có nên mở cửa để phát triển du lịch quốc tế không và vào thời điểm nào là thích hợp; Giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo ổn định kinh tế và công ăn việc làm trong điều kiện phải thực hiện “mục tiêu kép” như hiện nay... 

“Thành phố chúng ta đang đứng trước những khó khăn lớn do tác động từ phía dịch bệnh gây ra, điều này nằm ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Ngay tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố phải đoàn kết một lòng, siết chặt tay nhau, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép” đã đề ra là vừa giữ vững thành quả của công tác phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển ổn định kinh tế Thành phố trong điều kiện bình thường mới”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020”. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị nghiên cứu các giải pháp để vực dậy sự phát triển của ngành du lịch Thành phố trong điều kiện dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như giải pháp đẩy mạnh phát triển hoạt động ăn uống và lưu trú gắn với phát triển du lịch nội địa, hoạt động giao thông vận tải… 

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục để nhanh chóng đưa các gói hỗ trợ đến đối tượng một cách nhanh chóng và kịp thời; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới thích ứng với tình hình dịch Covid-19; khai thác các thị trường nước ngoài có điều kiện thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top