Aa

Kỳ 2: Đi tìm "đô thị hạnh phúc"

Chủ Nhật, 23/09/2018 - 23:30

Không chỉ “xanh” và “thông minh”, các đô thị của tương lai còn được kỳ vọng sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Gần đây, tại Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC 2018, ông Mahmoud Hesham El Burai – Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai (thuộc UAE) chia sẻ về việc thành phố giàu có này đã và đang thực hiện một chiến dịch bài bản để biến Dubai trở thành “thành phố hạnh phúc”.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói nhiều về “thành phố xanh” hay “thành phố thông minh”, tuy nhiên “thành phố hạnh phúc” hay “đô thị hạnh phúc” là những cụm từ chưa thực sự phổ biến. Liệu đó có phải là xu hướng của tương lai? Hay chỉ là giấc mơ khó thành hiện thực?

Hiểu thế nào về “đô thị hạnh phúc”?

Hạnh phúc vốn dĩ là một từ khó giải thích trọn vẹn bởi đó là cảm xúc, mà đã là cảm xúc thì thường mang tính cá nhân rất cao. Hạnh phúc của người này sẽ khác với hạnh phúc của người khác. Vậy thì, ở một quy mô rộng hơn, thành phố hay đô thị hạnh phúc – nơi quy tụ một quần thể dân cư đông đúc – sẽ có hình hài như thế nào?

Jan Gelh, tác giả cuốn sách Cities for People từng nói: “Hãy xây dựng các thành phố cho con người, vì con người. Tôi cho rằng, đó chính là cốt lõi của các đô thị hạnh phúc”.

Ông Mahmoud Hesham El Burai – Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai

Ông Mahmoud Hesham El Burai – Giám đốc điều hành Viện Bất động sản Dubai (Thực hiện: Hoàng Linh)

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mahmoud Hesham El Burai cũng cho rằng, một đô thị hạnh phúc phải lấy người dân làm trung tâm. Người dân phải có khả năng tiếp cận với phúc lợi xã hội và khả năng sở hữu nhà. Bên cạnh đó, hạ tầng, nhà cửa được xây dựng trên một mật độ phù hợp, trong đó đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng, nơi con người có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng. Tại đô thị này, hệ thống giao thông thuận lợi, môi trường xanh sạch và năng lực quản trị tốt cũng là những yếu tố mang lại sự hạnh phúc bền vững cho cư dân.

Đô thị hạnh phúc khác gì đô thị xanh và đô thị thông minh?

Đô thị thông minh, hiểu một cách khái quát, đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Cụ thể hơn, như TS. Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaconex R&D từng chia sẻ trên Reatimes, đô thị thông minh sử dụng công nghệ IT tiên tiến để biến các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quản lý hành chính, dịch vụ và chất lượng sống trở nên thông minh, kết nối toàn diện và hiệu quả hơn. Đặc điểm quan trọng của đô thị thông minh là việc khai thác, sử dụng tối đa thông tin điện tử về mọi hoạt động đô thị thông qua hệ thống cảm biến các loại.

Để xây dựng đô thị hạnh phúc, có lẽ cần cả hai yếu tố

Để xây dựng đô thị hạnh phúc, có lẽ cần cả hai yếu tố "xanh" và "thông minh" (Thực hiện: Hoàng Linh)

Trong khi đó, thành phố (hay đô thị) xanh được phát triển từ 3 ý niệm: sinh thái, tính bền vững và thông minh. Ở đô thị xanh, tỷ lệ cây xanh phải đáng kể, góp phần làm cân bằng sinh thái trên một địa bàn quần cư đông đúc. Bên cạnh đó, yếu tố phát triển bền vững được coi trọng với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, tích cực sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường và ứng phó hữu hiệu với tình trạng biến đổi khí hậu. Đô thị xanh cũng phải đạt đến cấp độ của một thành phố thông minh nhờ sự tích hợp công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh. 

Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đang phát triển theo hướng đô thị xanh với các bộ tiêu chí khác nhau, nhưng về cơ bản, chúng giống nhau ở 6 yếu tố cơ bản, gồm: Địa điểm xây dựng công trình bền vững; Sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; Sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; Chất lượng môi trường trong nhà tốt; Thiết kế sáng tạo, mới mẻ.

Trong khi đó, cho đến nay, chúng ta chưa từng có một khái niệm nào cụ thể về đô thị hạnh phúc. Nhưng theo ông Mahmoud Hesham El Burai, người có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng đô thị hạnh phúc, thì cách hiểu đơn giản nhất là: “Đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc. Người dân muốn đô thị của mình như thế nào thì thành phố ấy sẽ trở nên như thế. Người dân muốn đô thị thông minh, hạnh phúc thì người dân phải thông minh, hạnh phúc. Chúng ta không thể quên vai trò của người dân. Chúng ta xây dựng đô thị cho người dân của mình chứ không phải cho xe hơi, hay những thứ khác”.

Có thể thấy rằng, dù là khái niệm nào – đô thị xanh, đô thị thông minh hay đô thị hạnh phúc – các mô hình đô thị này đều có chung một điểm là giúp cư dân sống tại đó cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Và xét một cách tổng quát, có thể thấy rằng, nếu một đô thị thông minh có thể giúp con người kết nối với nhau một cách dễ dàng thì nhân tố đem lại sự hạnh phúc chính là “tính nhân văn” và "sự bền vững".

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam: Một đô thị hạnh phúc là đô thị mà ở đó, người dân phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, như được các dịch vụ công phục vụ, có việc làm với thu nhập tốt, nhà ở giá rẻ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, có không gian xanh, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng, an toàn và không bạo lực.

Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải thật to lớn, hoành tráng, kiến trúc thật hiện đại với nhiều cái nhất, như to nhất, cao nhất và cả đầu tư lớn nhất (mà ai đó đang hướng tới). Sẽ có (trong tương lai) những đô thị hạnh phúc kiểu Việt Nam, nhưng ở nhiều cấp độ và khía cạnh khác nhau. Đừng quá tham vọng để đưa đô thị Việt Nam rập khuôn theo các khuôn mẫu của đô thị thế giới, bởi tính vận động liên tục của đô thị.

TS. KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia: Xây một chung cư hay một khu đô thị, bản chất chính là xây dựng cộng đồng, kiến tạo xã hội thông qua tạo môi trường vật thể. Vì vậy việc này không phải cứ xây lên để bán đất bán nhà cho người dân là xong, mà quan trọng là đời sống cư dân sau đó, và hơn cả một nơi ở, đó phải là “nhà”, là “chốn đi về” của mỗi người.

Bản chất của kiến tạo đô thị và kiến trúc không phải tạo ra khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo xã hội; thông qua việc can thiệp vào phần vật chất để tạo dựng các cộng đồng dân cư, trong đó mỗi cá nhân có điều kiện phát triển cả thể chất và tinh thần trong mối quan hệ kết nối, chia sẻ của cả cộng đồng.

Đó là buổi sáng thức dậy, thấy các cụ già đi tập thể dục, trò chuyện rôm rả. Đó là mỗi chiều đến, trẻ nhỏ tíu tít chơi đùa trên những bãi cỏ, người lớn chia sẻ chuyện gia đình, công việc, cuộc sống trên những hàng ghế ở vỉa hè rộng cả chục mét vuông…

Các nhà thiết kế nên tạo ra không gian cộng đồng để mỗi con người đến đó, truyền được cảm xúc, gắn kết được tâm hồn họ ở đó, thư giãn hơn, hạnh phúc hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top