Aa

Kỳ cuối: Khả năng xây dựng đô thị hạnh phúc ở Việt Nam

Chủ Nhật, 07/10/2018 - 23:30

“Hãy làm cho con người hạnh phúc! Khi con người trong đô thị cảm thấy hạnh phúc thì sẽ có đô thị hạnh phúc. Khi đô thị hạnh phúc trở thành một nơi đáng sống, trở thành một tổ ấm thì con người dù có đi xa tới đâu cũng sẽ tìm về”, đó là chia sẻ của KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

“Hạt nhân” hạnh phúc

Đô thị hạnh phúc, dù là một khái niệm còn mơ hồ, nhưng đã phần nào hiển hiện thông qua đời sống tại nhiều thành phố trên thế giới. Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, hiểu một cách khái quát nhất: “Đô thị hạnh phúc là một nơi đáng sống. Sống hạnh phúc không chỉ là sống ở một nơi có vật chất đầy đủ mà ở đó con người được sống với đúng bản ngã của mình, họ sống với thiên nhiên của mình, với văn hóa của mình. Dù chúng ta có xây dựng đô thị thông minh hay thành phố thông minh thì tất cả mục tiêu đều hướng đến con người”.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, mặc dù Việt Nam còn là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhưng chúng ta vẫn phải có trách nhiệm xây dựng đô thị hạnh phúc. Bởi vì con người cần được sống trong môi trường nhân văn, có sự thân thiện giữa con người với con người, con người với kiến trúc, con người với thiên nhiên. Đô thị đó không cần thiết phải lớn, ở đó không cần nhiều ôtô, không cần nhiều những cửa hàng bán hàng hiệu sang trọng,… nhưng phải đảm bảo được các yếu tố là con người ở đó phải có việc làm, có chỗ ở, trẻ em được đi học, con người được đi lại an toàn trên vỉa hè của mình, được hưởng thụ không gian công cộng tràn ngập cây xanh và họ cảm thấy an toàn khi sống ở thành phố đó.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.

“Một thành phố sẽ không còn những lồng sắt che chắn ở ban công để mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, lính cứu hỏa có thể tiếp cận dễ dàng. Họ sống ở những tòa nhà chung cư có thể không có những trang thiết bị hiện đại nhưng họ được sử dụng những thang máy an toàn, những thiết kế an toàn để không còn cảnh trẻ con rơi từ ban công xuống đất, không còn cảnh những vụ hỏa hoạn xảy ra mà không có thiết bị báo cháy. Những trang thiết bị, các phương tiện giao thông công cộng có thể không hiện đại nhưng có thể đảm bảo cho người dân được đi lại một cách thuận tiện và an toàn. Và hơn cả, sống ở một đô thị hạnh phúc có nghĩa là vỉa hè được trả về với đúng chức năng của nó”, KTS. Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

Những hạn chế được KTS. Phạm Thanh Tùng nhắc đến đó cũng là những vết mực buồn trên bức tranh đô thị ở Việt Nam. Không có một quốc gia nào người đi bộ lại phải “nhường” vỉa hè cho người điều khiển phương tiện giao thông, cư dân sống trong những tòa chung cư hiện đại vẫn phải đối mặt với hỏa hoạn diễn ra “như cơm bữa”,… 

Bài toán quy hoạch không khó

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, bài toán quy hoạch và xây dựng đô thị hạnh phúc ở Việt Nam hoàn toàn không khó. “Chúng ta sẽ làm được nếu như biết lấy con người là trung tâm, là bản thể của đô thị. Còn tất cả mọi thứ hình hài xây nên đô thị đó chỉ là những thứ vật chất vô hồn nếu như không có con người sống ở đó. Một ngôi nhà dù nhỏ và chỉ được lợp bằng tôn nhưng trong ngôi nhà đó có tiếng cười, tiếng hát của trẻ nhỏ thì đó là nơi đáng sống”, ông Tùng phân tích. 

Sẽ xây được đô thị hạnh phúc nếu như biết lấy con người là trung tâm, là bản thể của đô thị đó. (Ảnh minh họa)

Sẽ xây được đô thị hạnh phúc nếu như biết lấy con người là trung tâm, là bản thể của đô thị đó. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại khả năng xây dựng đô thị hạnh phúc trước ngưỡng cửa của thời đại 4.0: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cho con người sống một cách thuận tiện và hiện đại hơn. Con người không phải ra ngoài để mua đồ ăn mà thay vào đó chỉ cần ngồi ở nhà đặt hàng và có người giao đến tận nơi. Công chức không phải đến công sở nữa vì đã có hệ thống công nghệ thông tin kết nối lại, họ có thể làm việc cho nhiều cơ quan,… và con người không cần giao tiếp nữa. Vậy đó có phải là một đô thị hạnh phúc không?”. Lo ngại này chính là một vấn đề đáng lưu tâm khi Việt Nam bắt tay vào giải bài toán quy hoạch và xây dựng đô thị hạnh phúc.

KTS. Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, việc xây dựng đô thị hạnh phúc phải dựa trên thói quen và văn hóa của đất nước, con người, chứ không thể áp đặt mô hình này lên một quốc gia, một thành phố bất kỳ. Ông lấy ví dụ Bhutan, quốc gia được coi là hạnh phúc, không khuyến khích người nước ngoài đến đất nước họ bởi khách du lịch có thể sẽ mang văn hóa ngoại lai tới, khiến di sản của họ bị xuống cấp... Đô thị cũng giống như ngôi nhà của riêng họ và không phải lúc nào họ cũng mở cửa để cho người lạ vào.

Việt Nam là nước đi sau nên hoàn toàn có quyền học hỏi và áp dụng mô hình cũng như kinh nghiệm từ các nước đi trước. Tuy nhiên, sự học hỏi đó phải có chọn lọc. Bàn về giải pháp xây dựng đô thị hạnh phúc, KTS. Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, Việt Nam hãy bắt đầu làm từ từng khu phố. Có thể xây dựng được đô thị hạnh phúc nhưng nên làm từ từ và làm từng bước một. Đô thị hạnh phúc không phải ngày một ngày hai là có được, đó là cả quá trình cần phải chăm chút ngay từ bây giờ.

“Làm cách nào để cho con người hạnh phúc, câu hỏi đó cần được trả lời bởi những người có trách nhiệm, bởi những chính sách quản lý của chính quyền đô thị và của cả cộng đồng”, KTS. Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top