Trải nghiệm

Kỳ I: Đuổi nắng trên những thửa ruộng nơi cuối trời đất Việt

Trải nghiệm - 06:30, 12/09/2020 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Không nổi tiếng như thác Bản Giốc nhưng các thung lũng Ngọc Côn và Phong Nậm lại hút hồn các nhà nhiếp ảnh bởi những vạt nắng xuyên mây, rót vàng óng trên đầu bông lúa chín.

LTS: Nếu tính về khoảng cách, từ Hà Nội đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) hay A Pa Chải (Điện Biên) còn xa hơn đến thác Bản Giốc (Cao Bằng). Thế nhưng, vùng đất phên dậu Cao Bằng lại khiến người ta nghĩ miền biên viễn này xa xôi hơn, đặc biệt, mỗi khi nhắc đến câu ca: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Phải chăng, những chinh phu đi quân dịch cho nhà Mạc, thời điểm được cho là xuất xứ câu ca dao cổ này đã ai oán sẻ mà chia cung đường xa xôi, không biết ngày trở lại ấy.

Hội tụ đủ thác, hồ, núi non và hệ thực vật phong phú, công viên địa chất Non Nước Cao Bằng trong tháng 7 vừa qua được Insider xếp vào Top 50 điểm đến có view đẹp năm 2020, khi lựa chọn những nơi có cảnh quan tự nhiên cuốn hút bậc nhất thế giới. Loạt điểm đến trên cung đường mùa thu vàng miền biên giới được Photo Travel giới thiệu từ kỳ này với độc giả sẽ lần lượt khám phá thác Bản Giốc mùa nước đổ, những hang động kỳ lạ ở Ngườm Ngao, bản của những nếp nhà xếp đá Khuổi Ky, mùa hạt dẻ xù lông rụng rốn, Phia Oắc, nơi có cả một rừng rêu....

Thu sang, khi lúa chín đã thu hoạch trên những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc, từ Mù Cang Chải, Sapa, Y Tý rồi đến Hoàng Su Phì thì lúa ở Ngọc Côn và Phong Nậm mới bắt đầu ngả vàng, gọi mời những đôi chân dịch chuyển.

Giờ ngược miền non nước Cao Bằng vẫn còn xa nhưng đường đi không còn khó như thuở chinh phu nhà Mạc. Gần 300km tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng có đầy đủ các cung đường, từ cao tốc, khúc cua dốc, đổ đèo… để khách lãng du trải nghiệm tay lái của mình. Sau 6, 7 tiếng cầm lái, đến địa đầu Đông Bắc Tổ quốc là hít hà ngay cái khí trời trong veo của núi, của đồi và hương lúa chín thơm ngát.

Thời điểm lý tưởng nhất để săn ảnh lúa chín ở Ngọc Côn và Phong Nậm là khi những tia nắng đầu tiên của ngày lấp ló và hoàng hôn buông nơi cánh đồng lúa chín.

Từ TP. Cao Bằng, tôi chọn Trùng Khánh làm nơi lưu trú cho hành trình lãng du nơi vùng đất biên cương bởi đây là nơi nằm sát biên giới Việt - Trung, chỉ cách Thành phố thủ phủ 70km. Trùng Khánh cũng được coi là nơi có nhiều điểm đến lý tưởng và phong cảnh đẹp kỳ vĩ, đáng để dành nhiều nhất thời gian khám phá thác Bản Giốc, sông Quây Sơn, động Ngườm Ngao, thung lũng lúa chín Phong Nậm, Ngọc Côn...

Nắng thu dát vàng những thửa ruộng nơi cuối trời đất Việt ở xã Ngọc Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng…
… nơi lúa chín vàng nằm xen lẫn với những thửa đã gặt xong nhìn từ trên đỉnh núi Ngọc Côn

Là tên của một xã thuộc huyện Trùng Khánh, Ngọc Côn giáp với Trung Quốc và là cái tên nhắc nhớ mùa vàng vùng Đông Bắc. Hơn 20km từ trung tâm huyện đến Ngọc Côn nhưng lại không phải là cung đường dễ dàng chinh phục. Từ 3h30 sáng, khi trời vẫn còn là một màu tối đen và đường thì đầy ổ voi, chúng tôi xuất phát với xe 2 cầu cùng với người dẫn đường tôi mới đến được chân núi Ngọc Côn.

Trên cánh đồng Ngọc Côn và Phong Nậm, những người nông dân các dân tộc Tày, Nùng vẫn thu hoạch lúa bằng những nông cụ truyền thống bao đời nay
Nếp ong, đặc sản của những cánh đồng trên cánh đồng Ngọc Côn được người dân bó thành từng bó lớn gánh từ đồng về trong mùa thu hoạch. Đây là loại nếp hạt mẩy, to tròn, khi nấu hạt ráo và dẻo ngon hơn cả nếp cái hoa vàng

Đường lên núi rất khó tìm bởi nó nằm khuất phía sau bản nhỏ, nơi có dòng Quây Sơn uốn lượn chảy qua những thửa ruộng đang chớm mùa vàng. Vất vả leo những bậc đá dốc, trơn ướt bởi sương đêm nhưng tôi được đáp đền bởi một khung cảnh tuyệt mỹ khi chứng kiến mặt trời rót những tia nắng vàng như mật xuống thung lũng phía bên dưới. 

Mây bị xua tan bởi gió, rồi quyện lại, lộ ra các dãy núi nhọn hoắt đâm lên bầu trời. Những tia nắng mai xuyên qua các lớp mây, mù, lan tỏa sự ấm áp và rót những sợi vàng óng ánh lên đầu bông lúa chín.

Trên đường vào thung lũng Phong Nậm còn bắt gặp những nhịp cầu treo vắt qua sông Quây Sơn và những phía xa thấp thoáng những chóp núi nằm xen kẽ trên cánh đồng lúa chín và các bản làng nối tiếp ven chân núi

Rời Ngọc Côn sau một buổi sáng đủ đầy khuôn hình ưng ý, tôi sang Phong Nậm để kịp chụp hoàng hôn nơi đây buông trên thảm lúa vàng. 

Cách Trùng Khánh tầm hơn 10km nhưng đường đi Phong Nậm dễ hơn nhiều và phong cảnh ở đây bình dị đến nao lòng, với núi đồi trải nhấp nhô xen giữa những cánh đồng lúa chín. Có một chiều vàng Phong Nậm, tôi đã ngồi trên những bờ ruộng của cánh đồng nơi biên viễn, thưởng mùi đồng nội, có lẽ chẳng nơi nào bình yên và lãng mạn đến thế.

Cánh đồng Phong Nậm trong buổi chiều tà, nơi những đống rạ lúa nếp thường rất cao vì người dân tuốt từng bông lúa mang về…
… và gốc rạ xếp thành bó trên ruộng cũng là điều đặc biệt khác lạ với các vùng lúa khác
Dòng nước Quây Sơn bốn mùa trong xanh như ngọc bích len lỏi giữa những cách đồng, núi non hùng vĩ tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, Ngọc Côn, Ngọc Khê và chảy về Phong Nậm
Những giọt nắng cuối đã buông nơi thơm mùi rơm rạ. Chị chủ ruộng nào đó khi về, đã để lại nón trên cây rạ sáng mai ra đồng, làm tiếp

Những giọt nắng cuối rồi cũng buông nơi thơm mùi rơm rạ. Tôi kết thúc ngày đuổi nắng trên những thửa ruộng vàng ở biên viễn Cao Bằng với một shot hình lãng mạn - chị chủ ruộng nào đó khi về, đã để lại nón trên cây rạ, để sáng mai ra đồng, làm tiếp.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ I: Đuổi nắng trên những thửa ruộng nơi cuối trời đất Việt tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục