Lời tòa soạn:

Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này là những khám phá và trải nghiệm trên đất phật Triệu Voi (Lào) và xứ sở của những ngôi chùa Tháp (Campuchia). Đó là cảm giác thật an yên, mê hoặc khi ghé thăm những ngôi chùa tôn nghiêm, các pho tượng Phật độc đáo và nụ cười thân thiện, hiếu khách của người dân Lào. Còn ở đất nước láng giềng xinh đẹp Campuchia, lại là một hành trình dài theo dọc vương quốc của những quần thể mang dấu ấn lịch sử, từ Phnom Penh thăm Hoàng Cung, qua Kampong Thom, Kampot, đến Siem Reap, lênh đênh trên hồ Tonle Sap và khám phá nét cổ kính và kỳ vĩ của quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm…

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
5 ngọn tháp mang hình 5 đóa sen nở nổi bật ở khu đền chính Angkor Wat và cũng là biểu tượng của đất nước trên quốc kỳ Vương quốc Campuchia.
Không giống các ngôi đền Angkor khác, tuy Angkor Wat bị quên lãng một phần từ sau thế kỷ XVI nhưng lại không bao giờ hoàn toàn bị bỏ hoang bởi nhờ hệ thống hào bao quanh, bảo vệ khỏi sự xâm lấn của rừng rậm.

Rời đất nước Triệu Voi, tôi đáp chuyến bay từ Vien tiane sang Pnompenh chỉ với hơn một giờ bay nhưng lại chịu cảnh kẹt xe cũng bằng chừng ấy thời gian khi di chuyển từ sân bay về khách sạn. Ở lại Phnompenh một ngày, kịp ghé thăm vài điểm đến nổi tiếng trước khi tôi tiếp tục ngược lên Tây Bắc Campuchia, khám phá Siem Reap (Xiêm Riệp), nơi những cổ kính ngàn năm còn vương trên kiến trúc đá ở Angkor Wat.

Vũ nữ Apsara
Vũ nữ Apsara tại Angkor Wat với trang phục bó sát người và váy sampot, mũ hình các ngọn tháp mầu vàng, trang trí vô cùng công phu, trình diễn các động tác múa chậm và tinh tế. 
 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Vũ điệu Apsara nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các vũ điệu trên đá sống động được bàn tay sáng tạo của người xưa gửi gắm cả khát vọng tình yêu cùng những đam mê trần thế vào chốn đền đài linh thiêng.
 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Gần 2.000 năm trước, những hình ảnh đầu tiên của điệu múa Apsara đã được lưu lại trên nhiều phù điêu trang trí ở Angkor Wat.

Cách Phnompenh khoảng 300km, tôi mất chừng 6 tiếng di chuyển trên chuyến xe của các đồng nghiệp hãng thông tấn Campuchia (AKP) để đến Siem Reap. Dọc theo Quốc lộ 6, ngang qua cửa kính xe là những vùng đất đã thực sự hồi sinh sau chiến tranh với những cái tên Kampong Thum, Kampong Cham… Các ngôi làng của người Khmer lướt nhanh qua trong khung cảnh thanh bình với những bạt ngàn thốt nốt, tràn ngập gió và kỳ vĩ tháp cổ. Mùa khô ở Campuchia thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau nên đây thực sự là thời điểm lý tưởng nhất cho chuyến đi của tôi tới Siem Reap.

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Nắng nhuộm vàng trên kiến trúc đá sa thạch ở ngôi đền cổ kính nhất Campuchia.

Được ví như “vùng đất của các di tích” ở đất nước chùa Tháp, Siem Reap từng là kinh đô Angkor của đế chế Angkorian đến tận năm 1431, trước khi bị quân Xiêm vây hãm và vua Ponhea Yat phải di chuyển về hướng Đông Nam xa xôi (nay là Phnom Penh). Chiếm được thành Angkor, người Xiêm đặt tên cố đô này là “thành phố Xiêm” đến tận thế kỷ XVII, khi Đế chế Khmer chiếm lại vùng đất này. Người Campuchia đổi ngay tên vùng đất vừa lấy lại là “Siem Reap”, với ý nghĩa khá thú vị: “Người Xiêm bị đánh bại”.

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Trên độ cao 65m, tầng 3 của Angkor Wat được xem là nơi cư ngụ của thần thánh và có thể nhìn thấy cả mảng xanh của cây rừng bao quanh.

Nằm ngay cửa ngõ của quần thể Angkor nổi tiếng nên Siem Reap thu hút rất đông khách du lịch. Gần như bất kỳ lữ khách đến đất nước chùa Tháp như tôi đều khó bỏ qua quần thể này ở Siem Reap bởi nếu không kịp ghé thăm những ngôi đền huyền bí ở đây thì coi như chưa “chạm” tới sự kỳ vĩ nhất của nền văn minh Angkor. Hàng trăm đền đài, trong đó có các ngôi đền cổ nổi tiếng như Angkor Wat, Bayon, Ta Keo, Ta Prohm… đều chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía Bắc, với chừng nửa giờ đi xe tuk tuk.

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Tầng 2 lại là một khoảng sân rộng, nơi được bao bọc bởi các dãy tường thành xung quanh còn bên trong là các gian điện thờ các vị thần.

Mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Khmer cổ đại, quần thể kiến trúc Angkor được Đế chế Khmer xây dựng hoàn toàn bằng đá vào đầu thế kỷ XII. Cả ngàn năm trước, giữa khu rừng già, vua Suryavarman đệ nhị đã cho xây dựng quần thể đền đài, kinh thành trên khu đất có diện tích khoảng 200ha ở Thủ đô Angkor thời điểm đó. 

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Độc đáo nhất là những bức tranh điêu khắc trên tường của dãy hành lang ở tầng 1 “kể" về lịch sử, văn hóa Khmer. Đây có thể xem là bức tranh điêu khắc trên đá to nhất, dài nhất của thế giới được điêu khắc hoàn toàn bằng tay với chiều cao 2,5m và chạy dài hơn 800m. 

Angkor Wat là ngôi đền lớn, đẹp nhất và có thể coi là di sản vĩ đại nhất mà người Khmer để lại cho hậu thế. Cùng với Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), đền Tamalhan (Ấn Độ), Kim Tự Tháp (Ai Cập), Angkor Wat là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại còn tồn tại đến ngày nay được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1992.

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Ở mỗi góc hành lang Angkor Wat là một ngọn tháp... 

Angkor theo tiếng Phạn có nghĩa là “kinh đô” và Wat là “đền thờ hay chùa” nên có thể hiểu nghĩa cả cụm tên chính là “kinh đô của những ngôi đền” nằm gọn trong quần thể kiến trúc Angkor. Angkor Wat có hình chữ nhật, chiều dài 1.500m và rộng 190m, xung quanh là dãy hào rộng 200m, có chu vi tới 5,5km. Với 5 ngọn tháp (tháp chính trung tâm cao 65m tượng trưng cho ngọn núi Meru, nơi ở của các vị thần thánh) được xếp thành 3 tầng (tượng trưng cho Địa ngục, Trần gian và Thiên đường), Angkor Wat có 398 phòng được nối với nhau bởi 1.500 hành lang…

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
… với tháp trung tâm và 4 tháp chung quanh tạo thành tòa chân trời nổi tiếng của Angkor Wat.

Công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp vào hàng tuyệt đỉnh này từng bị rừng già bao phủ gần bốn thế kỷ cùng các cuộc xung đột nên nhiều ngôi đền cổ bị đổ nát, lãng quên cho đến khi chúng được phát hiện bởi các nhà thám hiểm và những người truyền giáo phương Tây vào thế kỷ XIX. Nhưng phải tới năm 1859, khi Henry Mouhot, nhà thám hiểm người Pháp trong chuyến ngược dòng Mê Kông đã tình cờ phát hiện ra quần thể đền đài bằng đá độc nhất vô nhị của nhân loại này.

 đền Angkor Wat, Nhà báo Trọng Chính
Lần đầu tiên đến Angkor Wat nhưng đã bị mê hoặc bởi sự lãng mạn, trầm mặc mà kỳ vĩ của phế tích và dù có chụp cả nghìn bức ảnh, tôi thấy mình cũng không đủ để diễn tả vẻ đẹp của cả một nền văn minh Khmer cổ đại.

Kể từ đó, thành Angkor còn lại trên dưới 100 khu đền là một phần của những gì vĩ đại nhất được tạo nên từ món quà kỳ diệu của thiên nhiên và sự sáng tạo vượt qua mọi ranh giới của con người được thế giới biết đến. Mỗi mảng tường, mỗi góc khuất, mỗi bậc tam cấp ở Angkor Wat đều khiến lữ khách bất ngờ bởi những tuyệt tác điêu khắc đá, được chạm khắc tinh tế bằng thủ công.

Trọng Chính
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận