Lời tòa soạn: Nằm giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, nơi có nhiều điểm đến nổi tiếng nhưng Phú Yên hấp dẫn du khách bởi đầm nước trong veo, bãi biển bao la, gành đá kỳ thú. Với những cái tên như Ô Loan, Bãi Xép, Vũng Rô, Nhà thờ Mằng Lăng, Cầu Ông Cọp..., loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này sẽ cùng bạn lần lượt khám phá vẻ đẹp của xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” khi mùa hè sắp kết thúc.

Photo Travel: Lãng du đất “Phú” trời “Yên” tuần này mời bạn đọc Kỳ IV: Ông Cọp - Cây cầu gỗ độc đáo nhất Việt Nam.

Phú Yên gắn với nhiều sông hồ, đầm, phá… nên có nhiều cây cầu gỗ bắc qua sông do người dân tự làm, giúp nối liền các thôn, xã hay các vùng ốc đảo nhỏ trong vùng. Từ Quốc lộ 1A, rẽ ra hướng biển khoảng hơn 100m là cầu Ông Cọp trông nhỏ bé giữa vùng nước mênh mông khi nhìn từ xa. Mỗi ngày, cây cầu gỗ này đón vài trăm lượt khách qua lại với giá vé đi xe máy qua cầu Ông Cọp là 4.000 đồng/lượt. Tuy không đảm bảo độ an toàn nhưng vì sự tiện dụng của nó nên nhiều người vẫn đi lại qua chiếc cầu này. Kết cấu đơn sơ ấy đã tạo nên nét riêng biệt, dáng vẻ mộc mạc, bình dị và trở thành địa điểm chụp ảnh tuyệt đẹp cho các du khách.

Đầu cầu gần Quốc lộ 1A, nơi có thể nhìn trọn chiều dài cây cầu với căn nhà gỗ và cũng là điểm thu tiền của các phương tiện qua lại.
Thành cầu làm từ những thân tre già. Gỗ từ thân cây phi lao, bạch đàn…, những vật liệu chủ yếu để làm mặt và trụ cầu.
Cây cầu bắc qua sông Bình Bá nối liền các thôn phía Bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, giúp thông thương của hàng ngàn hộ dân hai bên.
Những người dân muốn đi bộ từ đầu này sang đầu bên kia mất khoảng 5 phút.
Với những người dân nơi đây, lưu thông qua cầu Ông Cọp giúp họ rút ngắn thời gian đạp xe vì nếu đi đường vòng phải xa hơn rất nhiều.
Tuy không chắc chắn như những cây cầu bằng bê tông nhưng đây lại là con đường tắt lúc nào cũng đông người qua lại.

Với chiều dài khoảng 700m, rộng 2,3m, thành cầu được làm từ những thân tre già trong khi mặt và trụ cầu ghép từ ván gỗ phi lao, bạch đàn. Ngay dưới chân cầu là những đống gỗ phi lao được chất sẵn, khi có tấm ván hỏng sẽ được thay thế ngay. Trong cơn mưa lũ lớn tháng 11 năm 2016, cây cầu đã bị cuốn trôi, phải mất hàng tháng trời xây lại. Trong khoảng thời gian đó, người dân phải đi vòng rất xa.

Mặt cầu rộng khoảng 1,5m, chỉ vừa cho hai xe máy đi qua.
Cây cầu đã giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đi lại cũng như giao thương giữa các vùng.
Hình ảnh cây cầu gỗ nổi bật giữa bầu trời xanh ngắt phủ lên làn nước xanh lam trong vắt.
Gần 10 năm qua, bảng giá thu phí khi lưu thông trên cầu vẫn không thay đổi đối với người và xe đi qua.
Lâu lắm tôi mới thấy con xe Honda Chaly thần thánh một thời, lại được ông chủ cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam của vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” cho mượn, thế là chạy mấy vòng. Một cảm giác “rung rinh” thật khó quên khi chạy trên cây cầu dài hơn 700m và rộng 1,5m làm từ những tấm ván gỗ, thân cây phi lao, bạch đàn.

Chỉ xe máy và người đi bộ sử dụng nhưng cây cầu gỗ này đã giúp nối liền các thôn phía Bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với thị xã Sông Cầu, thông thương cho hàng ngàn hộ dân hai bên cầu. Cầu Ông Cọp còn được biết đến như một biểu tượng du lịch của tỉnh Phú Yên. Đây cũng chính là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng, đập Tam Giang…, những danh thắng trên xứ "hoa vàng trên cỏ xanh" Phú Yên.

Trọng Chính
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận