Khám phá

Kỳ IV: Sửa “nhà” cho người đã khuất và bữa cơm nơi cửa mộ

Khám phá - 06:00, 21/08/2021 G8T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Mang những nét đặc trưng độc đáo của cư dân sống trên vùng núi cao gần 2.000m, lễ tảo mộ của mỗi gia đình ở Y Tý là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng trong cộng đồng thôn, bản Hà Nhì.

Lời tòa soạn:

Quần cư trong một thung lũng ở vùng biên giới, Y Tý là tên của  một xã cuối trời đất Việt thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi có những ngôi nhà trình tường trông như cây nấm mọc trên sườn núi của người Hà Nhì đen.

Có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm trước, dân tộc Hà Nhì tụ cư ở Y Tý đã khai phá và bảo vệ vùng đất đai nơi địa đầu tổ quốc. Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này sẽ khám phá nơi được ví như thế giới cổ tích của người Hà Nhì này, từ kiến trúc trình tường độc đáo, cuộc sống cộng đồng ở các thôn Lao Chải, Chỏn Thèn, Ngải Thầu Thượng, Dìn Thàng, Hồng Ngài… đến hệ thống lễ, tết, hội phong phú như Tảo mộ, Khô Già Già, hội cầu mùa lớn nhất của người Hà Nhì đen… 

Những hình ảnh trong các phóng sự được chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tảo mộ vốn là truyền thống văn hóa nhớ về cội nguồn tổ tiên của người Việt và ở mỗi nơi phong tục, nghi lễ có những nét khác nhau. Với người Hà Nhì đen ở Y Tý, sau khi người chết chôn được 3 năm, gia đình mới tiến hành thăm viếng mộ phần và làm lễ tảo mộ của người đã khuất. Người Hà Nhì quan niệm, tảo mộ không có nghĩa là buồn đau, mất mát, mà là ngày mừng cho người đã khuất có “nhà” mới khang trang hơn và được siêu thoát ở một thế giới khác. 

Lợn cúng nuôi riêng trong năm của gia đình ông Phu Gió Mía được thịt và chế biến ngay tại rừng thành các món ăn truyền thống dâng lên người đã khuất...
Lợn cúng nuôi riêng trong năm của gia đình ông Phu Gió Mía được thịt và chế biến ngay tại rừng thành các món ăn truyền thống dâng lên người đã khuất...
… lễ tảo mộ cũng là việc chung của bản nên các gia đình đều tham gia góp lễ vật cúng cùng gia chủ.
… lễ tảo mộ cũng là việc chung của bản nên các gia đình đều tham gia góp lễ vật cúng cùng gia chủ.

Những ngày tôi có mặt ở Y Tý là dịp gia đình ông Phu Gió Mía ở thôn Lao Chải đến kỳ làm lễ sửa sang lại chỗ ở mới cho bố ông. Điều thú vị trong cách đặt tên mà của người Hà Nhì là gọi theo cách phụ tử liên danh, nghĩa là tên cha nối với tên con làm tên đệm, có vần điệu rất dễ nhớ. Thế nên tên đệm Gió của ông Mía là lấy từ tên người bố đã mất, ông Phu Sè Gió.

Sau nghi lễ cúng trước cửa mộ, gia chủ tiến hành dựng một cây nêu tre có treo những con giống bằng giấy gấp hình con thuyền, chim hạc, nhắn nhủ lời cầu nguyện của người Hà Nhì tới tổ tiên. 
Sau nghi lễ cúng trước cửa mộ, gia chủ tiến hành dựng một cây nêu tre có treo những con giống bằng giấy gấp hình con thuyền, chim hạc, nhắn nhủ lời cầu nguyện của người Hà Nhì tới tổ tiên. 
Mâm cơm cúng người đã khuất sau khi chuẩn bị xong.
Mâm cơm cúng người đã khuất sau khi chuẩn bị xong.

Mộ của ông Phu Sè Gió trong một khu rừng nằm lưng chừng núi và để sửa “nhà” cho ông, các con cháu phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Trong năm, gia đình ông Phu Gió Mía đã chuẩn bị một chú lợn cúng, được nuôi riêng để lấy phần thủ và đuôi làm lễ cúng bố ông ở lễ tảo mộ. Những người thân hai bên nội ngoại của ông Phu Sè Gió cũng đã được báo trước ngày tốt và mỗi người đều sắm sửa một số lễ vật cần thiết như gà trống, gạo nếp, trứng luộc, vàng hương...

Khi làm lễ, mọi người cùng quỳ lạy trước mộ và rót rượu vào chiếc bát to đặt trước cửa mộ. Bắt đầu là những bậc cao niên gắn bó ruột thịt với người đã khuất và lần lượt mọi người cùng chia thức ăn cúng trên mâm vào một mảnh lá chuối đặt trước cửa mộ… 
Khi làm lễ, mọi người cùng quỳ lạy trước mộ và rót rượu vào chiếc bát to đặt trước cửa mộ. Bắt đầu là những bậc cao niên gắn bó ruột thịt với người đã khuất và lần lượt mọi người cùng chia thức ăn cúng trên mâm vào một mảnh lá chuối đặt trước cửa mộ… 
… con gái và các con cháu dâu khóc nhớ ông Phu Sè Gió.
… con gái và các con cháu dâu khóc nhớ ông Phu Sè Gió.

Việc tảo mộ ông Phu Sè Gió được bắt đầu từ sáng sớm nên gia chủ và bà con trong bản lên rừng từ lúc 5h sáng. Trong mù sương của rừng già Y Tý, bước chân tôi cố để bám sát theo những bóng người liêu xiêu phía trước bởi chỉ cần mất dấu họ là không thể tìm thấy lối đi tiếp, hoặc trở về. 

Lần lượt những người dân trong bản thắp hương và đốt vàng mã trước cho ông Phu Sè Gió.
Lần lượt những người dân trong bản thắp hương và đốt vàng mã trước cho ông Phu Sè Gió.

Mộ ông Phu Sè Gió được bắt đầu “sửa” sau nghi lễ cúng bằng tiết gà trống trước cửa mộ, nơi gia chủ tiến hành dựng cây nêu tre có treo hình các con giống được gấp bằng giấy bản, hình con thuyền nơi đầu mộ. Mỗi người đến tham gia cùng gia chủ khấn lạy rồi xúc một xẻng đất mới đắp lên ngôi mộ. Đàn ông mổ lợn, pha chế thịt ở một góc rừng. Đàn bà làm bánh giầy, hái lá thơm, nấu nướng. Người già sắm mâm cúng. Trẻ nhỏ nhặt rau, múc nước...

Buổi lễ kết thúc là lúc các mâm cơm của các gia đình mang theo được dọn ra ở xung quanh khu rừng để cả bản có một bữa cơm chung đầy tính cộng đồng sau nghi lễ…
Buổi lễ kết thúc là lúc các mâm cơm của các gia đình mang theo được dọn ra ở xung quanh khu rừng để cả bản có một bữa cơm chung đầy tính cộng đồng sau nghi lễ…
… và những bậc cao niên trong làng được gia chủ mời hưởng lộc trước, với mâm cơm dọn ngay trước mộ.
… và những bậc cao niên trong làng được gia chủ mời hưởng lộc trước, với mâm cơm dọn ngay trước mộ.

Nghi lễ chính của việc mời người đã khuất về hưởng lộc được tiến hành ở cửa mộ - đó là nơi ra vào của linh hồn. Khi làm lễ, mọi người cùng quỳ lạy và rót ruợu vào chiếc bát to đặt trước cửa mộ. Bắt đầu là những bậc cao niên gắn bó ruột thịt với người đã khuất, sau đó lần lượt từng người một cùng chia thức ăn trên mâm cúng vào một mảnh lá chuối đặt trước cửa mộ. Họ cùng thắp hương và đốt tiền, vàng mã cho người chết. Khi phần lễ kết thúc, mâm cơm của các gia đình cũng được dọn ra quanh khu rừng và cả bản sẽ có một bữa cơm chung mừng “nhà” mới cho ông Phu Sè Gió.

Ông Phu Gió Mía trước “ngôi nhà” đã sửa của bố mình với đồ cúng là rượu, cơm nếp, vàng hương, thủ lợn được đặt trước cửa mộ người đã khuất.
Ông Phu Gió Mía trước “ngôi nhà” đã sửa của bố mình với đồ cúng là rượu, cơm nếp, vàng hương, thủ lợn được đặt trước cửa mộ người đã khuất.
Bạn đang đọc bài viết Kỳ IV: Sửa “nhà” cho người đã khuất và bữa cơm nơi cửa mộ tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục