Aa

Lãi khủng, ngân hàng quốc doanh ráo riết đòi tăng vốn

Thứ Bảy, 12/01/2019 - 16:30

Kết thúc năm 2018, cả 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều báo lãi cao. Thậm chí, mức lãi Vietcombank bằng cả VietinBank và BIDV cộng lại. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, những cột trụ này lời trước thì khoe lãi, lời sau đề nghị tăng vốn và điều này đã được Thủ tướng gật đầu.

4 ngân hàng thương mại quốc doanh đồng loạt xin tăng vốn.

4 ngân hàng thương mại quốc doanh đồng loạt xin tăng vốn.

Trong hàng chục năm hoạt động, Hội nghị triển khai hoạt động ngân hàng năm 2019 dường như là nơi để lần đầu tiên Agribank mở mày mở mặt với cả “làng” ngân hàng.

Lãi cao không còn phụ thuộc tín dụng

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank khoe: “Kết thúc năm 2018, tổng tài sản đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng và là mức cao nhất từ trước tới nay”.

Cùng đó, nợ xấu rút xuống 1,51%/tổng dư nợ; nguồn thu nhập từ dịch vụ tăng 20% so với cuối năm ngoài. Ngân hàng cũng thu được 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và nợ xử lý rủi ro, chiếm 14% tổng nợ đã xử lý.

“Chúng tôi đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, đứng vững trên đôi chân của mình, về đích trước thời hạn xử lý nợ xấu gắn với giai đoạn 2018 – 2020. Với gần 20 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC”, ông Khánh tự tin nói trước hội nghị ngành có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự.

Thậm chí, ngân hàng này còn mạnh dạn công bố giảm thêm 0,5% lãi suất vay đối với 5 đối tượng ưu tiên, kể ngắn hạn và trung dài hạn như là sự đóng góp trách nhiệm với ngành và nền kinh tế.

Với Vietcombank, mặc dù đã quá nhàm chán với những con số “lợi nhuận đứng đầu hệ thống” trong các kỳ tổ chức hội nghị ngành nhưng năm nay, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng tiếp tục gây ngạc nhiên hơn. “Năm 2018, lợi nhuận Vietcombank tăng 63% so với 2018, đạt trên 18 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 1 triệu tỷ đồng, cũng là năm đầu tiên đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 0,97%. Mức lợi nhuận này đạt trong bối cảnh Vietcombank không sử dụng hết dư địa tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao” ông Thành nói.

Giải thích vấn đề này, ông Thành cho biết lý do là ngân hàng đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu huy động vốn và sử dụng vốn. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động ở ngân hàng này thấp nhất thị trường và cùng đó là tiết giảm chi phí, đi đôi với kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Nhờ đó, mức dự phòng thấp, tương đương 190% so với với nợ xấu. “Tỷ lệ này vừa đúng chuẩn mực theo thông lệ quốc tế nhưng cũng không bị chôn một lượng vốn quá nhiều trong kho”, ông Thành nói.

Song song, Vietcombank cũng là ngân hàng có sự chuyển dịch về thu nhập khi mảng phi tín dụng chiếm tới 30%/tổng thu nhập ngân hàng.

Với VietinBank thì lợi nhuận cũng vượt kế hoạch đề ra nhưng so với 2017 thì bị giảm. Lý do là ngân hàng điều chỉnh nâng các tiêu chuẩn hoạt động, phân loại nợ theo các chuẩn mực mới và theo thông lệ quốc tế.

Còn với BIDV, ông Phan Đức Tú, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết, mặc dù năm 2018 ngân hàng gặp không ít khó khăn nhưng lợi nhuận cũng tăng khá.

Agribank lần đầu tiên

Agribank lần đầu tiên "mở mày mở mặt" với cả làng ngân hàng vì mức lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng. Ông Trịnh Ngọc Khánh, chủ tịch HĐQT ngân hàng. Ảnh: Đức Khanh

Cơ hội không thể tốt hơn

Vấn đề tăng vốn điều lệ để đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn đã được đề cập từ 3 năm trước. Mở màn là BIDV đã “tự tiện” giữ lại cổ tức phần vốn nhà nước nhưng bị Bộ Tài chính yêu cầu phải nộp về ngân sách. Từ đó đến nay, cả 4 ngân hàng bằng nhiều cách khác nhau liên tục kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước một cách thống thiết.

Bởi vậy, trong năm 2018, Chính phủ đã ít nhất hai lần đề cập đến vấn đề này theo hướng là tìm giải pháp tăng vốn cho những “đứa con ruột” của mình.

Ở hội nghị lần này, một điều gây bất ngờ là hầu hết các ngân hàng lớn đều công bố lãi cao, ngoại trừ VietinBank lãi sau điều chỉnh chỉ tiêu vì chạm ngưỡng an toàn vốn. Nhưng có vẻ như, đó là dịp để các ngân hàng này một lần nữa kêu lên Chính phủ về vấn đề này.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, chủ tịch Agribank phân trần: “Để dự phòng khả năng vi phạm tỷ lệ an toàn vốn khi giải ngân cho vụ Đông Xuân tới đây, từ tháng 12/2018, Agribank phải huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2; trong đó, phần đóng góp của người lao động Agribank chiếm tỷ lệ rất lớn”.

Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank thì dẫn dắt vấn đề có đầu có cuối: “Ngay từ đầu năm 2018, khi xuống làm việc với Vietcombank, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho chúng tôi là không những phải đi đầu trong nước mà còn phải vươn tầm ra quốc tế. Hiện nay, chúng tôi đang theo hướng chỉ đạo đó".

Theo ông Thành, mặc dù Vietcombank tăng vốn thành công vào những ngày cuối năm 2018, song so với đề án, yêu cầu của đề án tái cơ cấu và nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong những năm tới, vấn đề tăng vốn điều lệ của Vietcombank vẫn rất bức thiết.

Do vậy, để đảm bảo hệ số CAR, Vietcombank kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó có Vietcombank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, thay vì nộp tiền mặt về ngân sách.

Cùng đó là phát hành thêm cho các nhà đầu tư, đặc biệt, thặng dư của các đợt phát hành này cũng nên được giữ lại để bổ sung nguồn cho vốn điều lệ. Ngoài ra, cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng nguồn từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để bổ sung vốn.

“Vietcombank vẫn còn room để phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, Chính phủ nên cho phép Vietcombank nới tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong khi vẫn giữ tỷ lệ sở hữu của nhà nước là 65%”, ông Thành nói thêm.

Với VietinBank, vấn đề tăng vốn có lẽ là căng thẳng nhất, đến nỗi đó trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến ngân hàng phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu.

“Trong 10 năm qua, VietinBank đã đạt mức kỷ lục về tăng trưởng vốn, quy mô tài sản ở mức gấp 6 lần so với năm 2008. Cũng trong 10 năm đó, ngân hàng đã khai thác mọi nguồn lực về cổ phần hoá, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước chưa một lần đầu tư vốn cho VietinBank”, ông Lê Đức Thọ, chủ tịch VietinBank nói.

Theo ông, từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng được tín dụng trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao. Cả năm 2018, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ 6,1% trong khi mức tăng chung toàn ngành là 14%.

Lý do là bởi vốn điều lệ không được cấp theo kế hoạch nên phải dừng để đáp ứng yêu cầu hệ số CAR. Tới đây, để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nếu ngân hàng không được tăng vốn, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án quan trọng của đất nước, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Với BIDV, ngân hàng này dường như đã tìm thấy lối thoát. Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ngân hàng đang đàm phán cho đối tác để bán được một lố cổ phần với tổng giá trị 20 nghìn tỷ đồng.

Do vậy, mối quan tâm của ông Tú lại ở một vấn đề cụ thể hơn. “Việc tăng vốn thì cũng như các ngân hàng lớn đã đề đạt. Tuy nhiên, BIDV mng muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm có chỉ đạo về các điều kiện ràng buộc các điều kiện bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, giups ngân hàng sớm hoàn tất thương vụ”, ông Tú nói.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank cho biết, ngân hàng đã không thể tăng tín dụng từ tháng 9/2018 đến nay. Ảnh: Đức Khanh

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank cho biết, ngân hàng đã không thể tăng tín dụng từ tháng 9/2018 đến nay. Ảnh: Đức Khanh

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tăng vốn theo phương án đã trình. Trước mắt, đề nghị chấp thuận cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu từ 2017 – 2020 và bố trí nguồn vốn điều lệ cho ngân hàng theo nguyên tắc: tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng thì được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc chia bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi tỷ lệ an toàn vốn được đáp ứng”, ông Thọ trình bày.

Nguồn: Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank.

“Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối để đáp ứng tiêu chuẩn đủ vốn theo chuẩn mực. Các đồng chí phải nhớ ghi vào lịch để báo cáo Thủ tướng. Trong bối cảnh khó khăn thì phải tìm một phương án tối ưu. Phải thấy là tăng một chút vốn điều lệ thì mới mở rộng được tín dụng cần thiết cho nền kinh tế. Điều này không chỉ ở khối nhà nước mà ở cả khối tư nhân. Các đồng chí lưu ý, chỉ tiêu của Thủ tướng đưa ra cho các đồng chí là đến cuối 2025, có ít nhất 3 – 4 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á”.

Nguồn: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top