Aa

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh vì đâu?

Thứ Sáu, 13/12/2019 - 10:37

Do Ngân hàng Nhà nước siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nên các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp

Theo Công ty chứng khoán SSI, số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng đầu năm 2019 đã vượt tổng lượng phát hành của cả năm 2018. Cụ thể, riêng trong tháng 11/2019, có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, nâng tổng lượng phát hành 11 tháng đầu năm lên 206.680 tỷ đồng bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Con số này chưa bao gồm các các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019 do chưa được công bố chi tiết.

Tuy nhiên, căn cứ dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ lũy kế 10 tháng của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhóm nghiên cứu tại SSI ước tính lượng phát hành riêng lẻ 3 tháng đầu năm 2019 khoảng 30.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng trái phiếu doang nghiệp thực tế phát hành trong 11 tháng đầu năm nay khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.

Kỳ hạn và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân toàn thị trường lần lượt là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó, nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm). Về lãi suất, nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng nhưng vẫn thấp hơn nhóm các doanh nghiệp khác (10,49%) do ảnh hưởng của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.

Lãi suất và kỳ hạn bình quân của trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019

Lý giải về sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, một chuyên gia tài chính cho rằng, một phần cũng nhờ Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, trong đó các điều kiện phát hành trái phiếu đã nới lỏng hơn so với trước đây, ví dụ như bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền trước…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò “chất xúc tác” của các ngân hàng. “Do thị trường vốn chưa phát triển nên nguồn vốn trung - dài hạn của các doanh nghiệp vẫn trông cậy vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, các ngân hàng có xu hướng siết chặt tín dụng trung - dài hạn để hạn chế rủi ro, buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn này qua các kênh khác như trái phiếu…”, vị chuyên gia này cho biết.

Tăng lãi suất để cạnh tranh

Thế nhưng, vị chuyên gia trên cũng lưu ý rằng các ngân hàng đang là chủ thể phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường hiện nay.

Quả vậy, theo Công ty chứng khoán SSI, sau khi chững lại trong tháng 10, các NHTM lại đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong tháng 11 với 14.149 tỷ đồng trái phiếu mới. Tính chung trong 11 tháng qua, các nhà băng đã phát hành tới 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng cao nhất (45,5%) trong các nhóm ngành tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Lãi suất trái phiếu của các nhà băng cũng khá cao. Đơn cử lãi suất trái phiếu 10 năm của SeABank lên tới 9,9%/năm trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo sẽ bằng lãi suất tham chiếu +3%/năm.

Ảnh minh họa.

“Do các ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất cao như vậy nên doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thành công, lãi suất tất yếu sẽ phải cao hơn bởi mức độ tín nhiệm, độ minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp chắn chắn là thua xa so với ngân hàng”, vị chuyên gia trên bày tỏ.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, các nhà đầu tư trái phiếu muốn có lợi nhuận, còn với doanh nghiệp có những thời điểm cực kỳ cần vốn cho một dự án dở dang và cân đối các nguồn huy động thì chấp nhận mức lãi suất cao. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng cần tính toán mức lãi suất phù hợp với năng lực tài chính của mình và không phá vỡ mặt bằng lãi suất của thị trường.

Bộ Tài chính cũng vừa lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. 

“Do đặc thù trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trước đó, NHNN cũng đã cảnh báo các ngân hàng về rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, thay vì cảnh báo, các cơ quan chức năng cần có động thái thiết thực hơn để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân, trong đó cần siết chặt hơn điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top