Lam Kinh
Sân tồng và chính điện là những công trình mang vẻ trầm mặc, uy nghi của điện cổ, thành xưa. Có quy mô lớn nhất Lam Kinh, chính điện cũng được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam với 138 cột, đều làm bằng gỗ lim có đường kính đến 62cm.

Cách TP. Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. 

Lam Kinh
Rồng đá cổ nơi chính điện Lam Kinh...
Lam Kinh
... cùng các họa tiết hình rồng trên từng viên gạch ốp ở chính điện Lam Kinh.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long với niên hiệu Thuận Thiên và đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài tới 360 năm.

Lam Kinh
Họa tiết điêu khắc tinh xảo hình rồng trên cánh cửa ở Ngọ Môn.
Lam Kinh
Chính điện Lam Kinh bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn với 19 gian, 4 chái xây trên nền đất rộng là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh.

Để phân biệt với Đông Kinh ở Thăng Long (Hà Nội), nơi nhà vua đóng đô, khi cho xây dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Tây Kinh, nơi có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các vị vua và một số quan lại trong hoàng tộc. Vua Lê Thái Tổ cũng cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh nên kinh thành Tây Kinh còn được gọi là Lam Kinh.

Lam Kinh
Tượng các con vật như nghê, ngựa, tê giác và hổ tạc bằng đá có từ xưa ở khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi)...
Lam Kinh
... cùng hai hàng tượng quan hầu cận cũng tạc bằng đá, rêu đỏ bám theo thời gian.

Thành xưa, điện cũ Lam Kinh vốn được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu ở Lam Kinh được bố trí theo trục Nam - Bắc, xây dựng trên đồi gò, có hình chữ Vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, ngang 254m, tường thành phía Bắc dày 1m, hình cánh cung bán kính 164m.

Lam Kinh
Cây ổi kỳ bí biết “cười” gần trăm năm tuổi có dáng huyền, uốn lượn theo thế rồng chầu, được trồng ở khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Tại phần nhẵn nhụi trên thân cây, đặc biệt phần nách lá, chạc ba các nhánh cây, khi gãi nhẹ, lá cây sẽ rung rinh, chuyển động nên được du khách gọi là cây ổi “cười”.
Lam Kinh
Hai bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ còn có 2 cặp voi đá có niên đại hàng trăm năm, vẫn giữ được gần như nguyên bản.
Lam Kinh
Giếng cổ với nước trong xanh quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh.

Trải qua hàng trăm năm, những công trình kiến trúc Hậu Lê nơi thành xưa, điện cũ Lam Kinh chỉ còn lại phế tích là những nền móng, lăng mộ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích Quốc gia đặc biệt thì nhiều hạng mục công trình đã được tu bổ, góp phần giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng là điểm tham quan đặc biệt của du khách trong và ngoài nước, trong đó có chính điện Lam Kinh, công trình kỳ vĩ bằng gỗ lim với nhiều hạng mục được làm bằng vàng thật./.

Trọng Chính
 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận