Aa

Lạm phát "rình rập" vượt trần, giá điện chuẩn bị tăng

Thứ Bảy, 15/04/2017 - 19:39

Lạm phát năm nay được dự báo đang rình rập vượt "trần" 4%, theo các chuyên gia nhận định, dù các phương án giá chưa được đề cập nhưng giá điện sẽ phải điều chỉnh trong năm nay.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 cùng với những dự báo về tăng trưởng, lạm phát cũng như một số chỉ số kinh tế quan trọng khác.

VEPR cho biết, sau 2 quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý I năm 2017, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (quý I/2015 là 6,12%, quý I/2016 là 5,48%). Với mức tăng trưởng thấp trong quý I, VEPR nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được. Trước mắt, cơ quan này dự báo quý II sẽ tăng trưởng ở mức 5,7%, quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% và cả năm đạt khoảng 6,1%. Trong khi đó, lạm phát đã tăng 4,65%.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - dự báo, lạm phát năm nay dự báo sẽ vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, 2, VEPR dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,5%, quý 3 là 4,2% và quý 4 sẽ là 4,3%.

Các con số này được tính toán trên cơ sở có điểm sáng trong việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo này cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4% trong năm nay.

"Không tăng giá điện, lạm phát sẽ còn cao"

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho rằng: "Trong giá dịch vụ, cái khó nhất ở Việt Nam hiện nay chính là giá điện, bởi nó còn là vấn đề xã hội. Chúng ta đã kìm hãm giá điện 2 năm nay". Nhưng "nếu không điều chỉnh giá điện, rất khó để các nhà đầu tư vào làm điện và ảnh hưởng đến cân đối nguồn điện. Nếu không tăng giá điện năm nay, để lùi sang năm sau thì lạm phát sẽ còn cao hơn".

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, cũng nhận định: "Với tình hình này, dù các phương án giá chưa được đề cập nhưng giá điện sẽ phải điều chỉnh trong năm nay".

Do vậy, theo ông Thành, việc trì hoãn, kéo dài lộ trình tăng giá dịch vụ y tế để giảm tác động tới lạm phát là hợp lý.

Lý giải thêm cho việc "cần phải điều chỉnh giá điện", theo TS Võ Trí Thành, một phần còn bởi những khó khăn nội tại về nguồn điện của Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

"Từ nay tới năm 2020, Việt Nam chưa có cửa nào để thay thế điện từ nguồn khai khoáng truyền thống. Điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện tái tạo có thể nhúc nhích phát triển hơn nhưng tỷ lệ đóng góp rất thấp. Dự án điện hạt nhân đã tạm dừng. Vì vậy, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đời sống... thì Việt Nam vẫn phải dựa vào nhiệt điện", ông Thành phân tích.

Tuy nhiên, khi xem xét việc điều chỉnh giá điện, cần lưu ý đến việc vẫn còn 27 tỉnh thành chưa hoàn thành tăng phí dịch vụ y tế sẽ tiếp tục thực hiện trong năm nay.

TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị: "Hiện còn 27 tỉnh, thành chưa hoàn thành việc tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Nếu vì lý do tăng giá điện, trì hoãn giá dịch vụ công sẽ làm khó cho các địa phương và gây ra sự không nhất quán, không ổn định trong chính sách".

Theo ông Nguyễn Đức Thành, G=giá dịch vụ công vẫn cần tăng theo lộ trình. Các nhà điều hành chính sách hoàn toàn có thể tính toán lạm phát sẽ bị đẩy lên bao nhiêu và sau đó, mới cân nhắc việc tăng giá điện ra sao cho phù hợp với mục tiêu lạm phát đề ra.

Vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu suy giảm

Trong báo cáo của VEPR công bố trước đó có nêu rõ, trong quý I, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là một số công ty lớn như Samsung.

Theo ông Thành, nếu như một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung thì điều này cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng bày tỏ sự lo ngại khi luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm. Theo ông Thành, có thể nói, lợi thế thu hút đầu tư và những bất lợi trong quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) của Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn.

“Tôi thấy rõ thực tế, khi có Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), người ta nói nhiều đến kỳ vọng vốn FDI vào Việt Nam nhờ TPP. Nhưng theo tìm hiểu của tôi, nhiều DN Nhật Bản, trong đó có liên doanh ô tô, đang cân nhắc, xem xét rất kỹ môi trường kinh doanh ở Indonesia để chuyển từ Việt Nam sang.

Điều đó chứng tỏ, khi TPP mất đi, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các cơ hội và điều kiện giữa các nước ASEAN là tương đương nhau. Như vậy, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang mất tính cạnh tranh”, ông Thành nói. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top