Aa

Lan man chớp bóng

Thứ Sáu, 26/04/2019 - 06:00

Nỗi hận càng lớn khi tình cảm của cô người yêu nhạt dần sau khi xem phim vì tôi buột miệng bày tỏ cái sự tiếc của kia cho cô biết. Thế là tèo mất một mối tình tưởng sẽ đơm được hoa, kết được trái...

Mới hơn một năm trước, cái tin gây sốc cho những người hâm mộ điện ảnh, đó là Hãng phim truyện Việt Nam được cổ phần hóa và một công ty về vận tải đường sông không chút liên quan gì đến nghệ thuật thứ bảy là chủ sở hữu sau khi bỏ ra hơn 30 tỷ đồng mua đứt.

Sốc chứ, lịch sử mấy mươi năm của hãng phim số một điện ảnh đất nước gói tròm trèm chỉ trong có mấy chục tỷ. Vẫn biết là đắng đót nhưng ngẫm kỹ thì đó là một cái kết tất yếu. Hãng phim truyện cũng như điện ảnh Việt không thể mãi trông đợi vào bầu sữa ngân sách và nếu thoát khỏi nguồn sữa ấy nó không thể sống nổi thì cũng là sự mặc nhiên chấp nhận. Nhân cái sự đổi chủ của của Hãng phim, tôi chợt nghĩ đến ngành chớp bóng trước đấy đã có một cuộc cách mạng lớn. Ấy là những rạp chiếu phim nhà nước đã dần bị nốc-ao và tư nhân nhảy vào chiếm lĩnh hầu hết thị phần.

Chớp bóng là cách dùng từ cũ để chỉ chiếu phim. Có lẽ những rạp chiếu phim ở Hà Nội là phần ký ức sâu đậm của rất nhiều người. Tôi mê điện ảnh từ nhỏ nên nhẵn mặt ở không sót một rạp chiếu bóng nào. Tất nhiên lúc nhỏ chả đào đâu ra tiền để xem phim, thế nên võ của tôi cùng vài thằng bạn khác là trốn vé. Trốn vé phải có kiểu của nó. Đợi lúc gần chiếu đèn trong rạp tắt là a lê hấp lẻn vào.

Có lần tôi chui tọt qua háng một người soát vé khiến anh này không kịp trở tay. Đuổi theo thì phim đã chiếu không thể bấm đèn pin, không thể hò hét. Trong ánh sáng của phim tôi nằm im thin thít ở ngay chân mấy người ngồi ghế đợi một lát mới lóp ngóp lẩn vào đám đông chỗ cuối rạp. Đây là những người xem đứng vì đi muộn và cũng lậu vé như cánh tôi. Tất nhiên là họ lậu được vé vì thông đồng với cánh nhân viên rạp.

Phim hay thì công phu hơn, đi thật sớm hoặc lúc lộn nhộn tan buổi chiếu trước chuẩn bị cho buổi chiếu sau để lẻn vào và tìm chỗ núp. Lỉnh lên gác chui vào nằm ở chân hàng ghế sau cùng hoặc rúc vào nhà vệ sinh nín thở bóp mũi chống thối. Ranh ma nhưng cũng chẳng lại được với cánh soát vé kinh nghiệm. Họ bắt được phần nhiều, để lọt rất ít. Nếu bị bắt thì tốt nhất là ngoan ngoãn chấp nhận cái véo tai rồi năn nỉ xin xỏ. Mặt tôi chắc lúc bé nom rất tội nên ít khi bị tống ra. Lớn lên chút thì bắt buộc phải mua vé. Mua vé hạng ít tiền ngồi đầu rồi đợi chiếu thì lỉnh xuống dưới tìm ghế trống hoặc đứng.

Rạp chiếu bóng đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội.

Rạp chiếu bóng đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội.

Hà Nội có mạng lưới rạp chiếu phim khá dày đặc nhưng cũng chả đủ phục vụ dân. Trẻ con thì có rạp Kim Đồng vé rẻ ở phố Hàng Bài. Cũng Hàng Bài là kinh đô điện ảnh với rạp Tháng 8. Nói vậy bởi Tháng 8 là rạp sang trọng nhất nhiều năm của Hà Nội và nó cũng là một trong số ít rạp cũ còn sống sót bám trụ được với nghề chớp bóng. Nhiều rạp khác như Long Biên, Hòa Bình, Mê Linh, Bạch Mai, Dân Chủ, Kinh Đô, Đại Đồng, Bắc Đô, Đặng Dung, Đống Đa… về cơ bản đã được chuyển đổi công năng gần hết, không còn liên quan đến phim ảnh.

Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng là một địa chỉ còn đủ uy tín để duy trì hoạt động. Thời trước, Hà Nội còn có một số bãi chiếu bóng công cộng thu hút được khá đông khách như bãi chiếu Mai Động, Gia Lâm, Cầu Giấy. Phim thì chủ yếu là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa như Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari… Sau này thoáng hơn thì bắt đầu nhập phim Mỹ và các nước tư bản.

Thời ngành chớp bóng quốc doanh còn hoàng kim, ai có được người quen làm trong ngành này phải được coi là diễm phúc. Vì sẽ nhờ vả được vé chứ sao. Vé xem phim hiếm và đắt giá chợ đen bởi đám phe vé. Tôi nhớ như in kỷ niệm về một lần vé xem phim bởi cái giá của nó tôi phải trả quá đắt. Quãng năm 84 thế kỷ trước Hà Nội rộ lên cơn sốt phim Ấn Độ “Tình yêu và những giọt nước mắt”. Phim hay và lấy đi nước mắt của mọi tầng lớp khán giả. Cô người yêu tôi không đến mức nằng nặc đòi nhưng cứ chép miệng nhắc suốt về phim này khi ở bên tôi. Sốt ruột quá tôi ra chợ quần áo Ngõ Gạch quại đi chiếc áo bludông duy nhất để mua được đúng một đôi vé chợ đen ở rạp Long Biên.

Dạo ấy nghèo, ăn chả đủ lấy đâu ra tiền dư trong ví nên phải bán áo. Ngồi xem, cô khóc ướt hết một bên người của tôi. Hay, tất nhiên, nhưng mất đi cái áo ấm, tôi rét run cầm cập và cũng tiếc của nữa nên hận cái phim đó. Nỗi hận càng lớn khi tình cảm của tôi và cô người yêu nhạt dần sau khi xem phim vì tôi ngu ngốc buột miệng bày tỏ cái sự tiếc của kia cho cô biết. Thế là tèo mất một mối tình tưởng sẽ đơm được hoa, kết được trái. Đúng là phim với chả ảnh báo hại.

Thường cái gì thịnh mãi rồi cũng suy. Hệ thống rạp chiếu bóng quốc doanh ở Hà Nội dần được thay thế bởi các cụm rạp tư nhân hiện đại. Có thể kể đến những thương hiệu như Megastar, Galaxy, BHD… Đặc biệt là đã có tập đoàn nước ngoài nhảy vào thị phần mà điển hình là cụm rạp của CGV. Đây là cụm rạp thương hiệu của Hàn Quốc trong đó có xen kẽ những phòng chiếu phim 2D, 3D... Tôi đã đi xem ở CGV Vincom Bà Triệu. Có nhiều phòng chiếu ở một cụm rạp với sự hợp lý và hiện đại cả chất lượng chiếu phim lẫn dịch vụ tiện ích. Dù giá vé là không rẻ nhưng những cụm rạp này rất thu hút được giới trẻ là lớp khán giả chủ yếu của ngành kinh doanh điện ảnh. Sự thay thế này là tất yếu. Các phim bom tấn cũng được nhập về sớm nhất. Điện ảnh thế giới giờ không còn là xa lạ với khán giả Việt. Không thế không thể kéo nổi khán giả đến rạp khi thời hiện đại có nhiều công nghệ khác để xem được phim một cách dễ dàng.

Điều đáng buồn là phim Việt rất khó có cơ hội chen chân vào các rạp nhất là những phim đặt hàng của nhà nước. Âu cũng là quy luật bởi nền điện ảnh Việt đã lùi xuống quá sâu và việc Hãng phim truyện Việt Nam lình xình trong quá trình cổ phần hóa liên quan đến ông chủ khai thác cát sỏi, là một minh chứng sống. Nếu có tiếc thì đối với những người hoài cổ như tôi đó là những rạp chớp bóng cũ của Hà Nội giờ đã dần mai một.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top