Aa

Lang thang qua miền ký ức

Chủ Nhật, 16/09/2018 - 06:01

Vừa rồi tôi có dịp may được theo một chuyến đi của Ủy ban UNESCO Việt Nam thăm các di sản văn hóa tôn giáo của tỉnh Bắc Giang. Mặc dù là người đã từng ở và có nhiều thời gian gắn bó với vùng đất này, nhưng khi dứt bỏ hết mọi sự, dành thời gian để chuyên chú vào khám phá lại thì tôi ngộ ra nhiều điều.

Bắc Giang là vùng đất cổ, vốn nằm trọn trong xứ Kinh Bắc xưa. Ngay bên bờ con sông Cầu thơ mộng là ngôi chùa Bổ Đà trải trên sườn núi Bổ Sơn. Chùa Bổ Đà là trung tâm của thiền phái Lâm Tế và cũng là một trong những trung tâm của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong chùa thờ ba vị tổ: Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Pháp Loa. Cùng rất nhiều bảo vật quý giá, tiêu biểu là những bộ ván khắc kinh phật... Sự liên hệ giữa thiền Lâm Tế và Trúc Lâm Yên Tử như thế nào vẫn là một câu hỏi sau một buổi leo núi Bổ Sơn, tham quan các hệ thống di tích dày đặc nơi đây mà tôi vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Có lẽ cần các nhà nghiên cứu phật giáo nước nhà cho kiến giải chăng?

Dời Bổ Đà về thăm chùa Vĩnh Nghiêm, cũng là một trong những ngôi chùa chính của thiền phái Trúc Lâm và sang thăm chùa Khám Lạng, nơi có khám thờ cổ bằng đá xanh rất đẹp. Rồi thẳng theo con đường tâm linh tiến về núi thiêng Yên Tử. Trên đường đi, chúng tôi đã kịp rẽ thăm cây dã hương ngàn năm tuổi và khu du lịch Suối Mỡ. Chùa Vĩnh Nghiêm chính là nơi có kho mộc bản kinh Phật khổng lồ đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Thế nhưng rất lạ lùng là trong kho mộc bản đó lại có một bản kinh sách dịch ra quốc ngữ với nhan đề: “Tây Phương Mỹ Nhân truyện”, khắc năm Tự Đức thứ 26 (1873). Thật lạ. Lạ hơn nữa là trong chùa còn có một cây hoa trồng từ năm 1330, gọi là hoa Nhập Thân, hay Nhập Nhân cũng được. Bởi hoa này để trên cây thì không có hương thơm. Nhưng nếu cho vào trong người thì hương thơm sẽ tỏa ra...

Tới chân núi thiêng Yên Tử, trước vẻ hùng vĩ của non xanh cao thẳm. Trước ngổn ngang của công trường cáp treo, của chùa chiền tân tạo hình như lòng các nhà văn, nhà báo, phóng viên trong đoàn cũng ngổn ngang theo... Biết nói gì đây?

Quan họ được vinh danh là, “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Quan họ được vinh danh là, “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Tối hôm ấy cơm nước xong đoàn được mời đi dự một canh hát quan họ truyền thống tại đình làng Thổ Hà, một trong những làng quan họ gốc của Bắc Giang. Làng Thổ Hà bên bờ bắc sông Cầu. Các làng Kinh Bắc hai bên con sông thơ mộng này chính là vùng lõi của quan họ. Chính vì thế, rất nhiều bài quan họ đã nói về con sông này. Làng Thổ Hà vẫn gần như xưa, vẫn những ngôi nhà san sát, những lối đi quanh co chật chội. Đình làng, nơi diễn ra canh hát là một trong những ngôi đình nổi tiếng xứ Bắc. Canh hát quan họ cổ buổi tối hôm ấy có các liền chị bên làng Diềm, làng kết chạ với Thổ Hà ở bên kia sông Cầu đi thuyền sang trợ duyên. Vùng Kinh Bắc người ta nói, chơi quan họ. Quan họ không chỉ là hát. Mà dân làng Thổ Hà thì kiêng chữ “hát”, nói là “ca”, ca quan họ. Bởi thành hoàng làng là đức thánh Tam Giang, anh em Trương Hống, Trương Hát... Quan họ là cả một lối sống, từ lời ăn tiếng nói đến trang phục, cho đến cả cách cư xử của người quan họ với nhau...

Thật lòng là tôi đã đi nghe quan họ kiểu cổ như thế khá nhiều lần, ở nhiều làng quan họ quanh vùng nhưng tôi không thấy thích lắm. Tôi vẫn nghĩ quan họ cổ nó phù hợp với không gian văn hóa làng xã xưa thôi. Mà nay làng của vùng Kinh Bắc đã khác trước nhiều lắm. Cây đa bến nước sân đình bỗng trở nên lạc điệu với nhà cao tầng mái ngói đỏ xanh, kính chớp sáng loáng. Giọng hát các liền anh liền chị hình như cũng lạc nhịp đi ít nhiều trước ánh đèn điện sáng chói chang. Đoàn phóng viên báo chí hôm ấy đa số là được nghe lần đầu. Có vẻ háo hức.

Thế nhưng cả một ngày sà sã trên đường khiến nhiều người có vẻ thấm mệt. Nghe liền anh giới thiệu về tục “ngủ bọn” của quan họ xong thì ai nấy đều cười ồ. Chỉ muốn về ngay khách sạn “ngủ mình” một giường cho thoải mái. Cũng không biết là có ai mê đi trong âm hưởng của câu quan họ giã bạn, người ở đừng về...

Riêng tôi, đêm ấy về mất ngủ thật. Tôi nghĩ về việc bảo tồn những di sản nơi đây.

Vẫn biết giải bài toán giữa bảo tồn và phát huy di tích là cực kỳ khó khăn. Di sản chỉ trở nên quý giá khi nó không những là ký ức của cộng đồng mà nó còn phải được sống trong hơi thở của cuộc sống đương đại với người dân. Nếu di sản không còn giá trị gì cho cuộc sống của cư dân hiện tại thì chả mấy mà thành phế tích. Thậm chí, rồi sẽ không còn tồn tại trong ký ức. Lịch sử nền văn minh nhân loại đã có muôn vàn minh chứng cho điều đó.

Ca trù Việt Nam nằm trong danh sách các “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của UNESCO.

Ca trù Việt Nam nằm trong danh sách các “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của UNESCO.

Có những quốc gia, có những dân tộc đã biến mất khỏi thế giới này mà không còn chút ký ức nào lưu lại loài người hiện nay. Chắc có lẽ thế mà nhiều di sản đã được UNESCO gắn biển “cần phải bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”! Ca trù là một. Mà Bắc Giang cũng là một cái nôi ca trù. Ngồi nghe tiếng “tom, chát”, hồng hồng tuyết tuyết giữa nhà sàn khu du lịch Suối Mỡ trong tiếng rì rầm xa xa của thác nước, tiếng nhạc hiện đại vẳng ra từ đâu đó, tôi bỗng cảm thấy đúng là ca trù cần phải bảo vệ khẩn cấp thật!

Nhưng bảo vệ thế nào đây? Bài toán khó không chỉ của Bắc Giang.

Như quan họ, một di sản được vinh danh là, “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” cũng gặp những thách thức không nhỏ. Ngay từ trong quan niệm. Có quan niệm cho rằng, quan họ gốc là phải hát mộc, hát không có nhạc đệm, loa đài tăng âm hỗ trợ. Thế nhưng để hát hay được như vậy thì giọng ca phải tuyệt đỉnh, phải đạt đúng là “vang rền nền nảy”. Và chỉ có các nghệ nhân đếm trên đầu ngón tay đạt đến độ đó. Quan họ mà chỉ trông vào các nghệ nhân như vậy thì chẳng mấy chốc mà đến độ “bảo vệ khẩn cấp” như ca trù!

Thế nên có một quan điểm cho rằng, quan họ là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, nghĩa là cái di sản quan họ của cha ông ta truyền lại cho con cháu nó vẫn đang sống, đang thở cùng nhịp sống đương đại thì hà cớ gì ta cứ phải khuôn phép cố định vào những điều ước lệ xưa? Mà quan họ là hát giao duyên đối đáp, là ngẫu hứng, là sáng tác ngay tại canh hát. Một canh quan họ ngày xuân từ mời trầu mời nước, điệu luồn điệu vặt bày tỏ nhớ nhung cho đến giã bạn dùng dằng được diễn trong một không gian âm thanh ánh sáng có bàn tay chuyên nghiệp đạo diễn, được trang âm và dàn nhạc đệm với bản phối khí hoàn chỉnh cho các nhạc cụ mang âm hưởng dân ca thì tôi nghĩ sẽ cuốn hút những người yêu nhạc, yêu dân ca nhiều lắm. Và từ đó quan họ sẽ trường tồn như là một nét văn hóa đặc sắc của vùng Kinh Bắc xưa, Bắc Giang - Bắc Ninh nay...

Chia tay miền đất lưu giữ rất nhiều ký ức của văn hóa nước Việt đoàn chúng tôi ra về. Trong lòng thêm yêu con người và mảnh đất nơi đây. Xa sông Thương rồi mà vẫn thấy vang vang câu hát, “Sao tên sông là Thương, để cho lòng thương nhớ...".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top