Aa

Lãnh đạo quận 12 có cố tình làm trái Chỉ thị của Thủ tướng?

Thứ Sáu, 06/12/2019 - 08:45

Ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg, để tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tuy nhiên, vụ việc tại Khu nhà ở Gò Sao, quận 12, đang có dấu hiệu đi ngược chỉ thị này.

Doanh nghiệp khổ vì 2 văn bản trái ngược nhau

Dự án Khu nhà ở Gò Sao (Tên thương mại là “Picity High Park”), phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư làm chủ đầu tư, bỗng nhiên trở thành điểm nóng dư luận, bởi một Quyết định cưỡng chế.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 3/7/2017, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức ký văn bản số 4874/UBND-ĐT, về việc cho Công ty Gia Cư xây dựng công trình tạm, tại dự án Picity High Park. Tuy nhiên, sau khi công trình này xây xong, ngày 23/8/2019, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, đã ký Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Công trình tạm tại dự án Picity High Park

Theo văn bản ông Lê Trương Hải Hiếu ký, Công ty Gia Cư đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc công ty phải tháo dỡ toàn bộ vi phạm xây dựng, trên diện tích 1.208m2.

Với mức giá khá tốt, Picity High Park có thể tạo cơn sốt nếu không có “lùm xùm”

Như vậy, cùng một cơ quan hành chính, nhưng hai vị lãnh đạo cao nhất lại ra văn bản trái ngược nhau. Việc hành xử tiền hậu bất nhất không chỉ gây phiền nhiễu, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín cũng như thiệt hại về kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước nguy cơ bị thiệt hại vì Quyết định cưỡng chế do ông Lê Trương Hải Hiếu ký, Công ty Gia Cư đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng trả lời liên quan đến việc xây công trình tạm tại dự án Picity High Park.

Theo trình bày của Công ty Gia Cư, nhằm chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tạo điều kiện, tiện nghi tốt nhất, cho cán bộ, công nhân viên công ty sẽ tham gia công tác quản lý điều hành tại công trường dự án, cũng như phục vụ công tác kiểm chứng chất lượng sản phẩm căn hộ hình thành trong tương lai của dự án, Công ty Gia Cư đã có kế hoạch triển khai thực hiện công trình tạm, trong phạm vi ranh giới đất, phù hợp quy hoạch của dự án, với với công năng là văn phòng quản lý điều hành dự án, kết hợp trưng bày mô hình mẫu tỷ lệ 1:1 các loại căn hộ điển hình của dự án.

Ngày 25/11/2019, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời Công ty Gia Cư, về việc hướng dẫn giấy phép xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng, công trình tạm phục vụ thi công công trình chính, thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng, theo Điểm c, Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014. Quan điểm này của Bộ Xây dựng cũng trùng khớp với văn bản mà ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND quận 12, ký thống nhất cho Công ty Gia Cư được xây công trình tạm.

Vẫn còn tình trạng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp 

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân đã phục hồi và phát triển rất mạnh mẽ, là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước, như ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tổng kết, đánh giá.

Trong đó, thị trường bất động sản đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp dân cư và cả người nước ngoài. Quy mô thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm qua với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

Năm 2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”; và Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo phát biểu của ông Châu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Chính phủ, và đặt ra yêu cầu tạo sự bứt phá trong năm 2019. Nhiều Bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA vẫn đặt câu hỏi vì sao cho đến nay, kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra? Và một phần nguyên nhân được ông Lê Hoàng Châu chỉ ra là: “Do trách nhiệm thi hành công vụ và năng lực của một số cán bộ công chức nhà nước chưa đạt yêu cầu, trong giải quyết hồ sơ dự án bất động sản. Tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, chuyển lòng vòng, không nêu rõ chính kiến khá phổ biến. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp”.

Trước đó, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế… để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện ngay hàng loạt giải pháp. Trong đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch phổ biến quán triệt, triển khai chương trình hành động để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.

Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ. Tuy nhiên, nếu để xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”, thì Chỉ thị sẽ rất khó có thể đi vào cuộc sống, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ.

Vụ việc tại dự án Picity High Park, quận 12, một lần nữa là một điểm nóng, để TP.HCM vận dụng và chứng minh cho Trung ương thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố, trong việc đưa Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào thực tế.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top