Người Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ có tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Đây là ngày lễ quan trọng trong năm theo phong tục dân gian, tuy nhiên không phải mọi người đều đã hiểu cặn kẽ.
Theo các nhà nghiên cứu, phong tục thờ và cúng Táo Quân (ông Công ông Táo) không phải là một hủ tục mê tín dị đoan mà là một tín ngưỡng văn hóa dân gian.
Nguồn gốc lễ cúng Táo quân
Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng khi vào nước ta thì đã được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” với các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc. Theo đó, hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp thì các vị Thần nói trên (gọi chung là Táo quân) lại lên Thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc làm tốt xấu của gia chủ trong năm. Vì vậy khi cúng, người ta hay cúng bánh mật để Táo quân ăn, khi lên báo cáo Thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào về gia chủ. Cũng theo quan niệm dân gian, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Trời, vì vậy trong bộ vàng mã bao giờ cũng có 3 con cá. Cũng có nhiều người, nhất là những năm gần đây thường cúng cá chép thật thả trong chậu để Táo quân cưỡi về Thượng giới.
Cũng theo tín ngưỡng dân gian, Táo Quân có vai trò ngăn chặn xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà; hằng năm cứ đến 23 tháng Chạp thì lên Thượng giới để bẩm báo Ngọc Hoàng và đến đêm Giao thừa trở lại hạ giới trông coi việc bếp lửa của mỗi nhà.
Thủ tục cúng ông Công ông Táo
Về thời gian: Có người cho rằng nên cúng Táo quân vào ngày 22 tháng Chạp. Lại có người nhờ thầy xem ngày tốt rồi cúng vào một ngày nào đó trước 23. Tuy nhiên, theo phong tục truyền thống và theo các nhà nghiên cứu, lễ cúng Táo quân nên tiến hành vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Thông thường giờ cúng tốt nhất là vào trưa ngày 23, giờ Ngọ (từ 11 - 13 giờ), vì đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời. Còn năm nay, giờ tốt nhất là từ 9 – 11 giờ. Tuy nhiên năm nay ngày 23 tháng Chạp âm lịch rơi vào ngày thứ hai, nhiều người vẫn phải đi làm, vì vậy không nhất thiết cứ phải cúng vào trưa 23 mà có thể cúng vào các giờ khác từ đêm 22 đến trước 13 giờ ngày 23 đều được.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Nơi hành lễ: Có người quan niệm Táo quân là thần Bếp núc nên tiến hành cúng dưới bếp. Tuy nhiên đây là cách hiểu sai, vì lễ cúng Táo quân là cúng chung ba vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp nên phải được cúng tại ban thờ chính là nơi trang trọng nhất trong nhà.
Lễ cúng: Lễ vật cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp cần phải có 3 bộ áo mũ Táo quân, trong đó 2 bộ có cánh chuồn dành cho Táo ông, 1 bộ không có cánh chuồn cho Táo bà (cả 3 bộ đều kèm hia hài đầy đủ) và cá chép (có thể cá sống hoặc cá giấy). Những lễ vật này đều đã được người sản xuất đóng gói đầy đủ trong bộ đồ lễ, vì vậy nếu không mua cá chép sống thì cũng yên tâm vì đã có cá chép giấy trong bộ đồ lễ rồi.
Được biết năm nay, “Vàng mã đẹp” có sản xuất bộ lễ vật cúng Táo quân thu nhỏ, tinh xảo, vừa trang trọng, đầy đủ, vừa phù hợp với các gia đình ở chung cư ban thờ thường nhỏ, lại tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường, khi hóa vàng thuận tiện, mọi người cũng nên tham khảo.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thông thường có:
- Thịt luộc;
- Gà luộc;
- Xôi hoặc bánh chưng;
- Món xào thập cẩm;
- Canh măng (hoặc canh nấm, canh mọc, canh bóng);
- Hoa quả, bánh kẹo, trà rượu, trầu cau, vàng mã.
Vào sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, gia chủ làm lễ quan soái (lễ sửa bát hương). Với sự kính cẩn và thành tâm, bát hương được lau sạch sẽ, để lại ba chân hương đẹp nhất. Lễ sửa bát hương thường chỉ thực hiện một lần duy nhất trong năm vào ngày 23 tháng Chạp.
Gia chủ ăn mặc chỉnh tề, lên hương và khấn (có văn khấn tham khảo cuối bài). Sau khi hết một hoặc hai tuần hương, gia chủ khấn vái thành tâm, tạ lễ, hóa vàng và nếu cúng cá thật thì mang cá chép đi phóng sinh.
Nhân đây cũng xin trao đổi thêm, việc cúng cá chép sống sau đó mang đi phóng sinh là một phong tục đẹp, mang tính nhân văn. Tuy nhiên, nhiều người do không ở gần ao hồ, sông suối nên thường đựng cá trong túi nilon rồi mang ra sông phóng sinh. Nhưng mùa này các con sông đều cạn nước, việc xuống bờ sông để thả cá không hề dễ dàng, vì vậy nhiều người thường đứng trên cầu rồi thả cá xuống. Việc này tuyệt đối không nên. Vì cá đã bị nhốt trong túi, trong chậu (từ khi mang ở nơi nuôi đến chợ, cho tới khi mua về thả vào chậu để cúng) cá đã yếu đi rất nhiều, lại thả từ trên cao khi xuống đến mặt nước cá bị va đập mạnh sẽ bị tổn thương, thậm chí bị chết. Vì vậy, nếu có điều kiện thì mang ra hồ ao gần nhà để thả cá; nếu không có điều kiện như thế thì cúng cá giấy cũng không sao, tránh trường hợp phóng sinh mà lại hóa ra phóng… tử, làm phúc thành tội. Sau khi thả cá, cũng tuyệt đối không vứt túi nilon bừa bãi gây ô nhiễm môi trường mà nên bỏ túi vào thùng rác.
Văn khấn Táo quân
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài văn khấn cúng ông Công ông Táo(theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin):
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương!
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay,ngày 23 tháng Chạp,tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Sự tích ông Công ông Táo
Nguồn gốc ông Công ông Táo bắt nguồn từ vùng bách Việt với tích kể lại rằng Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện dằn vặt vợ.
Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Tình cờ,Trọng Cao tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, đúng lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp (ông Công), người chồng cũ là Thổ Địa (ông Táo) trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Táo Quân có vai trò ngăn chặn xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà./.
Tuệ Duyên (tổng hợp)