Aa

Lĩnh vực sản xuất, phát triển hạ tầng KCN hút FDI từ doanh nghiệp nước ngoài

Thứ Sáu, 21/02/2020 - 15:30

Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, làn sóng FDI dịch chuyển về Việt Nam đã tác động tích cực đến lĩnh vực sản xuất. Nhiều nhà đầu tư chọn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam tạo ra nhu cầu lớn về đất làm hạ tầng KCN.

Khu công nghiệp được đầu tư đầy đủ hạ tầng - điểm đến của FDI

Nguồn vốn FDI không chỉ tạo ra nguồn đầu tư trực tiếp mà còn tác động tới các thành phần kinh tế trong nước mở rộng đầu tư vào hạ tầng, các ngành sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, vận tải, thúc đẩy các nguồn đầu tư nội địa tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, khai thác có hiệu quả nhiều nguồn nội lực trong nước như đất đai, nhà xưởng, máy móc… cải thiện năng lực sản xuất của các khu công nghiệp (KCN).

Hiệp định thương mại tự do EVFTA được phê chuẩn, làn sóng FDI dịch chuyển về Việt Nam đã tác động tích cực đến lĩnh vực sản xuất. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới khu công nghiệp ngày càng tăng khi chủ đầu tư cam kết phát triển toàn diện về hạ tầng cơ sở và hạ tầng kỹ thuật. Nhiều nhà đầu tư lựa chọn mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam tạo ra nhu cầu lớn về đất làm hạ tầng khu công nghiệp.

Xu hướng các nước đầu tư FDI vào Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trong năm 2020

Các khu công nghiệp có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, cây xanh, dịch vụ cho thuê đất, nhà xưởng xây sẵn… là những ưu điểm nổi bật thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, đồng bộ sẽ làm giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cao. Trong năm 2019, các địa phương trên cả nước đã đón không ít dự án của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, HongKong, Singapore, Nhật Bản…

Dự báo, tốc độ tăng vốn FDI thực hiện 7 - 8%, đạt 23 - 24 tỷ USD, đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ được gia tăng.

Đón đầu cơ hội dòng vốn FDI tăng nhanh, các khu công nghiệp được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng sẽ phát huy lợi thế, trở thành điểm đến của dòng vốn FDI, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Dịch chuyển để hưởng lợi

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chống tự do hóa thương mại đa phương cũng đang làm thay đổi xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu. Cùng với sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài hiện có dự án tại nước này cũng đang gia tăng dịch chuyển đầu tư sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trước xu hướng dịch chuyển đầu tư như vậy, nhu cầu về bất động sản công nghiệp, dự báo sẽ tăng mạnh nhất là các khu vực gần Trung Quốc như Việt Nam, nơi có khả năng đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng nhân lực và môi trường đầu tư thông thoáng, hợp lý. Đây chính là tiền đề quan trọng để bất động sản công nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2020 - 2025.

Sự phát triển cơ sở hạ tầng góp phần làm gia tăng giá trị bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

Ông Troy Griffiths - Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết: “Nhiều nhà đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế giờ đây đang nhắm đến đất công nghiệp bởi những tiềm năng mà loại hình bất động sản này mang lại. Các yếu tố như thương mại toàn cầu, sự phát triển cơ sở hạ tầng góp phần làm gia tăng giá trị bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đất phát triển KCN ngày càng hạn hẹp, diện tích các KCN đang được lấp đầy và giá cho thuê đất ngày càng cao thì doanh nghiệp thứ cấp ngày càng có xu hướng thuê nhà xưởng xây sẵn. Nhu cầu này cũng đã được các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN nắm bắt, nhằm đáp ứng cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các KCN”.

Thực tế cho thấy, không chỉ có những nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi từ làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, những nhà đầu tư trong nước cũng thu hút một lượng lớn doanh nghiệp thuê đất làm nhà xưởng như trường hợp Khu công nghiệp Yên Phong đã thu hút được 3 tỷ USD từ Samsung Display Việt Nam, hay Khu công nghiệp Đồng Văn 2 cũng đang là điểm đến của các dự án triệu đô của các tập đoàn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực, việc cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, với một số FTA thế hệ mới có hiệu lực; trên cơ sở định hướng, chính sách mới về FDI thì triển vọng năm 2020 rất sáng sủa.

Theo các chuyên gia, lý do hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp là bởi những chính sách mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội phát triển với cả các nhà đầu tư hiện hữu và nhà đầu tư tiềm năng.

Đánh giá về tiềm năng phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng: “Các yếu tố như thương mại toàn cầu và sự phát triển cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi bản chất của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Thêm vào đó là đặc tính gây gián đoạn của ngành kho vận và bán lẻ hiện đại, tạo ra một bối cảnh phát triển rất thú vị cho bất động sản công nghiệp”.

DIỄN ĐÀN BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2020 - Lần II

Thời gian: 8h00, Thứ Năm, ngày 09 tháng 04 năm 2020

Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế - 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội

Đăng ký tham dự, vui lòng truy cập: www.batdongsancongnghiep.vn

Hotline: 091.199.5526


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top