Aa

“Loạn” danh xưng chung cư cao cấp: Người tiêu dùng nên làm gì?

Thứ Tư, 24/10/2018 - 23:30

Chủ tịch HoREA kiến nghị người tiêu dùng ngoài quan tâm đến hồ sơ pháp lý, thì dự án cần phải đạt được các chỉ tiêu nằm trong phụ lục số 1 ban hành kèm theo thông tư 31/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Dựa vào đâu để phân hạng nhà chung cư?

Ngày 22/10 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn số 129/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ xây dựng, Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị chấn chỉnh tình trạng “loạn” danh xưng chung cư cao cấp, hạng sang, hạng siêu sang.

Theo HoREA, tình trạng này xuất hiện trên thị trường bất động sản nhiều năm qua, nhiều dự án bất động sản, chung cư cao tầng, căn hộ được chủ đầu tư “tự phong” dự án cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận.

Ảnh minh họa chung cư cao cấp.

Ảnh minh họa chung cư cao cấp.

Công văn của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu rõ, trong 10 năm qua, Bộ Xây dựng đã có 2 Thông tư về phận hạng nhà chung cư, bao gồm: Thông tư 14/2008/TT-BXD ngày 2/6/2008 “Hướng dẫn về phân hạng nhà chung cư”. Theo đó, chung cư chia thành 4 hạng: Chung cư hạng 1 (cao cấp), hạng 2, hạng 3, hạng 4.

Theo Thông tư 31/2016/TT-BXD ngày 30/12/2016 (thay thế Thông tư 14/2008/TT-BXD) “Quy định việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư”, chung cư chia thành 3 hạng: Nhà chung cư hạng A, hạng B, hạng C.

Trong đó, “Nhà chung cư hạng A là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phục lực số 01 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Tuy nhiên, thông tư trên chưa quy định cụ thể tiêu chí phân hạng nhà chung cư hình thành trong tương lai, trong khi giai đoạn chủ đầu tư dự án mở bán căn hộ hình thành trong tương lai dưới “mác” chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, hạng siêu sang là giai đoạn người mua nhà dễ bị lừa dối.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc đánh giá thế nào là chung cư cao cấp hoặc không cao cấp ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, nhất là về giá cả.

“Đều là chung cư nhưng chung cư cao cấp thì giá đương nhiên được đẩy cao hơn, cuối cùng người chịu thiệt hại vẫn là người tiêu dùng”, ông Điệp khẳng định.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.

Nguyên nhân và kiến nghị khắc phục

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, tình trạng “loạn” danh xưng chung cư xảy ra là do nội dung này không được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền vào cuộc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Doanh nghiệp, các chủ đầu tư lợi dụng việc thị trường bất động sản ở Việt Nam mới nổi, trong quá trình triển khai các quy định còn có những bất cập, tự ý “phong” danh chung cao cấp, căn hộ hạng sang, hạng siêu sang nhằm thu về lợi nhuận khổng lồ từ việc bán hàng.

Hiểu rõ người tiêu dùng rất dễ bị lừa dối bởi chiêu trò quảng cáo của chủ đầu tư, đại diện đơn vị gửi công văn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị người tiêu dùng ngoài quan tâm đến hồ sơ pháp lý, thì dự án cần phải đạt được các chỉ tiêu nằm trong phụ lục số 1 ban hành kèm theo thông tư 31/2016/TT-BXD của Bộ xây dựng về phân hạng nhà chung cư.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Điệp cho rằng, cần phải kết hợp chặt chẽ hai mặt. Trước hết, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần phải sâu sát, kiểm tra, giám sát thường xuyên để có sự điều chỉnh thích hợp. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước cũng vẫn đang tồn tại bất cập, hiện chưa có một chế tài nào đủ mạnh để doanh nghiệp không dám làm sai, công bố sai.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, truyền thông, đưa ra công luận các tiêu chí cụ thể phân hạng nhà chung cư để mỗi người dân trở thành nhà tiêu dùng thông thái, nắm bắt và tự đánh giá được dự án, tránh những thiệt hại không đáng có.

Ông Điệp cũng nhấn mạnh, để khắc phục được tình trạng này cần phải có chiến lược, thời gian và lộ trình, làm việc một cách bài bản, không thể nóng vội.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nhiều kiến nghị và cảnh báo cho người khách hàng chuẩn bị mua căn hộ

Trước vấn nạn thị trường bất động sản 'loạn' danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang có gắn tên nước ngoài để 'câu khách', quảng bá sản phẩm không đúng quy định. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chấn chỉnh tình trạng này.

Ngày 23.10, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành ủy, UBND TP.HCM về kiến nghị chấn chỉnh tình trạng “loạn” danh xưng các chung cư.

Theo HoREA, trong nhiều năm qua, trên thị trường bất động sản, đã xuất hiện tình trạng "loạn" danh xưng "chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang", kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như "Luxury", "Hi-end", "Premier", "Royal"... được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật "câu khách", quảng bá sản phẩm không đúng quy định.

Các chủ đầu tư này đã cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 vì đã "cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Đồng thời, các chủ đầu tư này cũng đã vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì đã "Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản" và đã có dấu hiệu "Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản", làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.

Từ đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 31/2016/TT-BXD theo hướng chỉ cần thiết quy định tiêu chí của "nhà chung cư cao cấp", "nhà chung cư hạng sang", "nhà chung cư siêu sang", "căn hộ cao cấp", "căn hộ hạng sang", "căn hộ siêu sang" (đi kèm các từ nước ngoài tương đương) đối với nhà chung cư đã xây dựng hoàn thành và nhà chung cư hình thành trong tương lai, để đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường bất động sản và bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà.

Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng chủ đầu tư dự án nhà chung cư hình thành trong tương lai chỉ được quảng cáo, tiếp thị để huy động vốn với danh xưng dự án "nhà chung cư cao cấp", "nhà chung cư hạng sang", "nhà chung cư siêu sang", "căn hộ cao cấp", "căn hộ hạng sang", "căn hộ siêu sang", sau khi đã được Sở Xây dựng có văn bản công nhận đạt tiêu chí này.

Ngoài ra, Hiếp hội Bất động sản TP.HCM còn kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 98 Luật Nhà ở 2014 theo hướng giao cho Bộ Xây dựng quy định tiêu chí của "nhà chung cư cao cấp", "nhà chung cư hạng sang", "nhà chung cư siêu sang", "căn hộ cao cấp", "căn hộ hạng sang", "căn hộ siêu sang" để đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường bất động sản và bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà (Không cần thiết "Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc phân hạng và công nhận phân hạng nhà chung cư").

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top