Aa

Long đong số phận những dự án Vạn Thịnh Phát thâu tóm

Chủ Nhật, 17/09/2017 - 14:01

Kinh doanh BĐS: “Run” trước đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ hai; Long đong số phận những dự án Vạn Thịnh Phát thâu tóm; BĐS Đồng Nai sốt ảo; Quyền sử dụng đất không phải hàng hóa, không thể đánh thuế VAT;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Long đong số phận những dự án Vạn Thịnh Phát thâu tóm

Năm 2015, thông tin một lô đất vàng rộng 2.159 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nơi chỉ cách TP.HCM khoảng 40 phút lưu thông bằng xe gắn máy được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư 36 dự án gây xôn xao thị trường.

Tuy nhiên tới nay, quỹ đất này vẫn chưa được Vạn Thịnh Phát triển khai dự án nào. Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là vì đang gặp nhiều vướng mắc, như xác định giá đất tính tiền bồi thường khi thu hồi đất; xác định giá trị còn lại theo tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình khác mà không phải là nhà ở gắn liền với đất; bồi thường đối với trường hợp nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập trái quy định của pháp luật; xử lý đối với trường hợp không xác định rõ tỷ lệ của mỗi loại đất…

Dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza được Vạn Thịnh Phát mua lại, sơn mới rồi để đó.

Dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza được Vạn Thịnh Phát mua lại, sơn mới rồi để đó.

Cũng trong năm 2015, Vạn Thịnh Phát còn làm thị trường bất động sản TP.HCM nổi sóng khi đưa ra thông tin rằng, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư. Đây là công ty đối tác của Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát với số vốn điều lệ lên đến 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới nay dự án này cũng đang bất động.

Xem chi tiết tại đây.

Kinh doanh BĐS: “Run” trước đề xuất đánh thuế ngôi nhà thứ hai

Sự ngần ngại từ phía doanh nghiệp với khả năng đánh thuế sở hữu có thể thấy rõ qua phát biểu của ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường, đại diện hiếm hoi cho chủ đầu tư bất động sản tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai” tổ chức mới đây.

Theo ông Trung: “Mặc dù tăng thuế sẽ chống được đầu cơ bất động sản, nhưng những sắc thuế và phí đưa ra trong thời điểm này phải rất thận trọng. Đối với thị trường bất động sản thì cần có chính sách sớm, có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận thực hiện chính sách đó”. 

Đề xuất đánh thuế sở hữu ngôi nhà thứ hai đã từng được nhiều lần đề cập, nhưng cho đến nay vẫn là bất khả thi.

Đề xuất đánh thuế sở hữu ngôi nhà thứ hai đã từng được nhiều lần đề cập, nhưng cho đến nay vẫn là bất khả thi.

Đại diện cho giới doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi sau một thời gian khủng hoảng dài, nên rất nhạy cảm với chính sách, bởi vậy, ban hành một chính sách mới phải hết sức thận trọng, tránh đổ vỡ thị trường. Ông Hà lấy ví dụ năm 2009, chúng ta có chính sách coi bất động sản không phải là ngành sản xuất và giảm các khoản vay vốn, ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này gặp khó khăn và kéo theo nợ xấu, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải phá sản, hệ luỵ là ảnh hưởng tới ngành xây dựng, lao động, vật liệu xây dựng…

Trao đổi về khả năng đánh thuế tài sản với ngôi nhà thứ hai, PGS, TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đề xuất này đã từng được nhiều lần đề cập, nhưng cho đến nay vẫn là bất khả thi.

Nguyên nhân, theo ông Chung, do chưa có sự chuẩn bị cho việc đánh thuế tài sản là ngôi nhà thứ hai. Nếu muốn đánh thuế ngôi nhà thứ hai, cơ quan quản lý phải nắm được thông tin chủ sở hữu từng bất động sản, cũng như sự thay đổi của thị trường. Đến nay, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu “ngôi nhà thứ nhất” của mỗi cá nhân chưa thực hiện được, thì việc đề xuất đánh thuế “ngôi nhà thứ hai” là điều không thể.

Xem chi tiết tại đây.

Có hay không "mập mờ" dự án hạ ngầm điện cao thế ở khu đô thị Văn Phú - Phú Lương?

Gần đây, khoảng chục hộ dân sống trong Khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông) bức xúc khi chứng kiến tuyến đường rộng 24m chạy qua bị xẻ rãnh ở giữa.

Theo Ban Quản lý dự án Khu đô thị mới Văn Phú và các cơ quan chức năng của quận Hà Đông thì có việc này là do thực hiện dự án di dời, hạ ngầm các đường dây 110kV Ba La - Xa La, đoạn qua Khu đô thị mới Phú Lương.

Điểm đầu dự án hạ ngầm điện cao thế 110kV đoạn qua Khu đô thị mới Phú Lương.

Điểm đầu dự án hạ ngầm điện cao thế 110kV đoạn qua Khu đô thị mới Phú Lương.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Hằng (nhà 55, TT33, KĐTM Văn Phú) phản ánh, việc Công ty CP Trung Việt (chủ đầu tư KĐT Phú Lương, liền kề với khu đô thị mới Văn Phú) thực hiện hạ ngầm các đường điện cao thế 110kV có đoạn chạy qua khu đô thị mới Văn Phú đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống ổn định hơn 10 năm qua.

“Có khuất tất gì khi chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng các hộ dân sống dọc tuyến đường 24m không biết thông tin gì liên quan đến dự án di dời, hạ ngầm các đường dây 110kV Ba La - Xa La, đoạn qua khu đô thị mới Văn Phú? Phải chăng có sự “đẩy” nét vẽ quy hoạch hạ ngầm điện cao thế từ khu đô thị mới Phú Lương sang Văn Phú?” – Bà Hằng nghi ngờ.

Đồng quan điểm, một số hộ dân tại các dãy TT30, TT31, TT32, TT33 của khu đô thị mới Văn Phú cũng kiến nghị làm rõ động cơ của Công ty CP Trung Việt khi hạ ngầm đường điện cao thế xuống vị trí đường 24m thuộc khu đô thị mới Văn Phú khi chưa có sự đồng ý của các cư dân tại đây. Đề nghị hủy dự án hạ ngầm đường điện cao thế này.

Xem chi tiết tại đây.

BĐS Đồng Nai sốt ảo

Thị trường phát triển lộn xộn, tự phát khiến tỉnh Đồng Nai có chỉ đạo phải thay đổi hướng phát triển thị trường BĐS Đồng Nai theo quy hoạch được quản lý và minh bạch hóa tính pháp lý.

Để thị trường Đồng Nai phát triển bền vững, theo ông Khang cần giải quyết 1 bất cập là nhà đầu tư nhảy vào đầu tư ồ ạt rồi bán, 3 - 4 năm sau quay lại vẫn không có nhà nào, dưới góc độ phát triển dự án là thất bại hoàn toàn. 

Minh chứng từ dự án DN ông đang triển khai, ông Khang cho biết: "Thời điểm triển khai dự án Trảng Bom chúng tôi xác định là phát triển đô thị, phải đi từ đầu. Tất cả những tiện ích khu đô thị được làm trước và yêu cầu xây sẵn nhà để đưa dân vào ở. Chứ bán đất nền rồi giao sổ, nhà đầu tư thứ mấy cấp thì 5 năm sau vẫn không có người ở. Có yêu cầu cụ thể thì khi đó, các khu đô thị mới đông đúc, người ở thực”.

Thận trọng với cơn sốt đất ảo vùng ven.

Thận trọng với cơn sốt đất ảo vùng ven.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS tỉnh Đồng Nai thừa nhận, BĐS Đồng Nai gần đây có sốt ảo do một số cò mồi thổi giá, đất thì chưa có quy hoạch, đất nông nghiệp… chưa làm sổ đỏ được. Do vậy, tỉnh mới dừng quy hoạch về tách thửa. Chẳng hạn 1.000 m2, tách thửa 10 hộ, mỗi hộ 100 m2, vậy thì được tách mấy lần. Do đó, cần sửa trong quy định là tách mấy lần. “Chúng tôi đang đề nghị bổ sung sửa đổi Luật Đất đai, Luật Quy hoạch để ăn khớp nhau” – ông Lâm cho biết.

Theo Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam, tính hết năm 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở cung cấp gần 30.200 sản phẩm BĐS (căn hộ, nền đất) trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong đó, thị trường thứ cấp chiếm lĩnh tổng nguồn cung của Đồng Nai với khoảng 27.600 sản phẩm, hơn 90% tổng nguồn cung trong khi đó số lượng nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 sản phẩm.

Xem chi tiết tại đây.

Quyền sử dụng đất không phải hàng hóa, không thể đánh thuế VAT

Tại “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên”, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT (khoản 6, Điều 5, Luật Thuế giá trị gia tăng) để chuyển sang chịu thuế với mức thuế suất thông thường 10%.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tại điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng.

Theo Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung này do khó khăn trong việc xác định giá đất được trừ khi chuyển nhượng bất động sản.

Chia sẻ khó khăn này, song Deloitte Việt Nam cho rằng việc xác định đối tượng chịu thuế hay không chịu thuế nên căn cứ trên bản chất của hàng hóa dịch vụ và đạo lý của thuế VAT hơn là chỉ vì những khó khăn về thủ tục áp dụng.

Cụ thể, Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 định nghĩa: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Deloitte Việt Nam quan niệm: quyền sử dụng đất có thể không được coi là một hàng hóa thông thường bởi 4 lý do:

Thứ nhất, theo định nghĩa về hàng hóa quy định tại Luật thương mại (khoản 2 Điều 3) thì quyền sử dụng đất (không phải là động sản cũng không phải là vật gắn liền trên đất) không thỏa mãn điều kiện để được coi là hàng hóa, do đó không thuộc đối tượng điều chỉnh của thuế VAT.

Thứ hai, quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý. Quy định hiện hành về thuế VAT đều không coi các quyền là hàng hóa chịu thuế mà đều phân loại là đối tượng không chịu thuế (quyền sở hữu trí tuệ, quyền chọn mua bán ngoại tệ, quyền góp vốn) hoặc đối tượng không phải kê khai tính thuế (quyền phát thải). Do đó việc coi quyền sử dụng đất không phải hàng hóa và liệt kê vào đối tượng không chịu thuế VAT là thống nhất và phù hợp với tinh thần của Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành.

Thứ ba, đất là tài sản của Nhà nước, chỉ cho phép người sử dụng đất sử dụng, định đoạt (chuyển nhượng, tặng, cho…), và được coi là “tài sản đặc biệt” không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường.

Và cuối cùng, tiền sử dụng đất là một khoản thu ngân sách nhà nước. Cụ thể là khi nhận bàn giao, thuê đất từ nhà nước thì doanh nghiệp/cá nhân đã phải trả khoản tiền sử dụng đất cho ngân sách. Do đó, nếu tiếp tục tính thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất này thì có thể xảy ra tình trạng “thuế phí chồng thuế phí”.

Do vậy Deloitte Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc loại bỏ đề xuất “chuyển quyền sử dụng đất là đối tượng chịu thuế VAT”.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top