Aa

Lưu lượng Internet tháng ba tại Việt Nam tăng gần gấp đôi

Thứ Ba, 24/03/2020 - 13:31

Nhiều người lớn làm ở nhà, trẻ emkhông đi học nhiều nên sử dụng Internet vào các mục đích giải trí, họp trực tuyến thường xuyên hơn khiến lưu lượng dữ liệu tăng đột biến.

Tháng ba tăng 90% lưu lượng luân chuyển

Theo thống kê, lưu lượng qua trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) tăng đến 40% trong thời gian qua, nguyên nhân là sự ảnh hưởng của dịch COVID-19. Riêng trong tháng 3/2020, lưu lượng tăng đột biến tới 90% so với tháng 2/2020. Nhu cầu chủ yếu đến từ các hoạt động trực tuyến như hội nghị, họp, dạy và học, giải trí do nhiều người phải làm việc từ xa hoặc ở nhà trong thời gian dài.

COVID-19 đảo lộn nhu cầu sử dụng Internet thông thường.

Trước tình trạng này, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi tới các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đề nghị nhà mạng tăng cường đầu tư và nâng cấp hạ tầng băng rộng, tăng băng thông Internet trong nước, mở rộng kết nối khu vực cũng như quốc tế, đồng thời tăng cường vùng phủ băng rộng tới cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cục cũng yêu cầu nhà mạng nâng cấp, đảm bảo kết nối băng rộng tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế có điều trị, phòng chống COVID-19…

Báo cáo Digital Việt Nam 2020 cho thấy tính tới tháng 1/2020, Việt Nam có 68,17 triệu người dùng Internet, chiếm 70% dân số cả nước và tăng trưởng số lượng 10% hàng năm, tương đương 6,2 triệu người dùng. Thời gian sử dụng Internet trung bình mỗi ngày của người Việt (tính trên tất cả thiết bị) là 6 giờ 30 phút.

Việt Nam có tới hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động, tương đương 150% tổng dân số hiện có.

Nhiều hãng lớn phải giảm tải đường truyền

Nhiều hãng đã phải giảm chất lượng truyền phát để đảm bảo băng thông.

Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang tăng đột biến về nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến. Điều này khiến băng thông rộng có khả năng quá tải. Chính vì vậy, một số “ông lớn” trong ngành dịch vụ trực tuyến toàn cầu như Google, YouTube, Netflix, Facebook, Disney+, Amazon Prime Video… phải giảm tải bằng cách hạ chất lượng truyền phát, đặc biệt tại châu Âu.

Cụ thể, YouTube tạm thời giảm tất cả lưu lượng truy cập ở châu Âu sang mức tiêu chuẩn thay vì chất lượng cao như trước. Netflix - đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả phí cũng tuyên bố giảm lưu lượng đường truyền khoảng 25% trên các mạng tại lục địa già.

Facebook mới đây cho biết tạm thời giảm chất lượng video phát trên nền tảng này và Instagram tại châu Âu để tránh nghẽn băng thông. Ngoài việc xem các video trên Facebook, Instagram, nhiều người chuyển sang hình thức video call để trò chuyện, gặp gỡ bạn bè thông qua hai nền tảng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top