Aa

M&A: Kênh an toàn cho FDI vào BĐS

Thứ Năm, 24/08/2017 - 06:18

Thị trường BĐS Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Các họat động này dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong nửa cuối năm 2017 với hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập.

M&A là hình thức an toàn nhất cho FDI vào BĐS

Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp BĐS trong nước. Trong khi các nhà đầu tư ngoại có khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm thì nhà đầu tư trong nước lại nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Do đó cái bắt tay này sẽ khiến cho sản phẩm hợp tác khai thác hết được những lợi thế và hạn chế tối đa những bất lợi. M&A cũng được đánh giá là cánh cửa an toàn nhất đối với nhà đầu tư ngoại khi lần đầu muốn rót vốn đến một thị trường mới.

Theo số liệu của JLL, hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường BĐS Việt Nam ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư hầu hết đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và đang có sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc như: CFLC, Country Garden, Jiayuan,…

Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là một trong những nhóm hoạt động tích cực nhất trên thị trường trong năm nay, đang không ngừng tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Tiêu điểm của họ là nhắm vào các dự án nhà ở, tài sản vận hành như căn hộ dịch vụ và tòa nhà văn phòng hạng A.

Vào tháng 9 năm ngoái, Kajima - một trong bốn tập đoàn nhà thầu lớn nhất Nhật Bản đã hợp tác liên doanh với Indochina Capital với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Ban đầu tập đoàn này dự định sẽ tập trung chính vào các dự án nhà ở và nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. 

Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường ghi nhận khá nhiều giao dịch đáng chú ý. Trong tháng 3, công ty Keppel Land (Singapore) đã nắm 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty cổ phần Đường Sông Miền Nam (Sowatco) trong dự án Saigon Centre. 

Gần đây, Công ty cổ phần BĐS Phát Đạt tuyên bố đã chuyển nhượng một phần của dự án Everrich 3 tại TP.HCM. 

Trong khi đó, quỹ đầu tư VinaCapital cho biết đã bán 70% cổ phần của mình trong dự án khu đô thị 198,5 hecta Đại Phước Lotus ở tỉnh Đồng Nai cho China Fortune Land Development (CFLD). CFLD đã ký biên bản ghi nhớ với công ty Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC) tại Khu công nghiệp Ông Kèo, dựa trên kế hoạch xây dựng hàng chục khu công nghiệp ở Đông Nam Á.

Việt Nam như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc

Các chuyên gia nước ngoài cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Lý do là bởi Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh đã thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Lượng vốn FDI đang không ngừng gia tăng trong những năm qua.

Trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 19,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi vốn đầu tư FDI vào thị trường BĐS được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới thì những nhà đầu tư trong nước vẫn thống trị trên thị trường nhờ vào sự am hiểu thị trường nội địa và khả năng thực hiện các giao dịch nhanh chóng.

Sự tăng trưởng của hoạt động M&A tại Việt Nam đang tăng tốc cũng nhờ vào sự hội nhập toàn cầu. Tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định cũng như những chính sách tái cơ cấu trong ngành ngân hàng và tài chính, đầu tư công và các doanh nghiệp nhà nước là động lực cho dòng vốn FDI.

Ngành sản xuất chế biến, chế tạo chiếm phần lớn trong tổng vốn FDI và hoạt động kinh doanh BĐS dù đứng ở vị trí sau nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều doanh nghiệp ngoại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top