Mạch nguồn trong trẻo: Ao quê, giếng làng

Mạch nguồn trong trẻo: Ao quê, giếng làng

Thứ Sáu, 15/10/2021 - 06:00

Tôi lại bồi hồi nhớ và nghĩ về ao quê, giếng làng, cái mạch nguồn thăm thẳm, âm thầm, ân tình chảy trong lòng đất để dâng cho người nước ngọt, nước mát. Từ giếng đến sông, từ ao đến biển, từ quê đến làng. Quê là trập trùng nón lá trên đồng cấy lúa, là những cây cầu nối làng mình sang làng bên như những lối giao tình, giao duyên. Quê là miếng trầu, quả cau là bát nước chè xanh là tô canh bưng qua là đĩa cà đưa lại. Quê là cả một miền ký ức cứ rưng rưng, se sắt thẳm sâu. Làng là nơi ta gắn bó máu thịt nhất, gần gũi nhất.

Làng là nơi chốn duy nhất mà mỗi người con tha hương không đo đếm bằng khoảng cách địa lý, không bao giờ cảm thấy xa xôi dù có đi đến góc biển chân trời. Làng ở trong tiềm thức, trong da diết nỗi nhớ mỗi người – Một nỗi nhớ tự nhiên và thường trực. Quê và làng cùng hòa vào một, quê và làng có một góc vườn xưa chôn nhúm rau, cuống rốn. Làng cũng chính là quê và ao quê, giếng làng đã làm nên gương mặt làng quê ở chiều sâu thăm thẳm, đã góp một phần căn cốt hồn quê, văn hóa làng quê làm nên đất nước.

Ấn tượng nhất của tôi với ao quê là chiếc cầu ao làm bằng tre. Một đầu bám thật chắc vào đất, một đầu mở ra với sóng nước với lấp lánh trăng, với chấp chới nắng, với lúng búng tiếng cá đớp mồi, với lấm tấm những chùm hoa lộc vừng và lao xao bóng tre như chải mái tóc làng quê vào chiếc gương trời sóng sánh. Cầu ao là nơi mẹ ta đi cấy về thong thả chao chân rửa đôi quang gánh, gánh mạ. Chị của ta vớt những đám bèo, với lên cả những đám mây mắc cạn. Và hơn một lần chị đã có tần ngần khi nhìn những vòng sóng giao thao mà bất chợt gió trời tung tẩy. Sóng của ao hay sóng lòng của cô gái đến tuổi dậy thì. Ao quê là nơi bố ta đi cày về, người thong thả ngồi cạnh bờ ao rít khói thuốc lào nhìn mặt ao mà nhẩm tính: Lứa cá thả đầu năm đến tháng này không biết đã lớn chưa...

Ơi nhưng chú cá trắm, cá trê, cá quả da nhẩy bóng cứ ăn những phù du trong nước ao, hít thở khí trời trong lành cứ thế lớn lên săn chắc chứ không béo mỡ màng nhễ nhại như ăn thức ăn công nghiệp. Chiếc cầu ao cũng là chiếc cầu nhảy cho đám trẻ tập bơi những buổi trưa hè, ao như vòng tay ôm trẻ thơ vào lòng thật tin cậy và mền mại.

Tôi đã từng viết: “Ao quê hoa bèo phủ lấp – Cá vừa búng thót giữa tay”. Cái búng thót tuổi thơ đến nay đôi lúc tôi vẫn giật mình.

Trong kí ức của tôi ao quê là nơi ươm và trỗi dậy những  bè rau muống sạch. Sau trận mưa lá vươn ra mơn mởn xanh. Cái màu xanh thật thà có nét còn vụng về, loằng ngoàng hút tinh chất từ cuối rể bén vào mặt ao để đơm đầu cành  cho bữa cơm đạm bạc, dưa, cà, mắm muối. Rau muống ao ăn giòn, ngọt, luộc chấm với tương nếp nhà làm ra từ chum tương đặt ở  góc sân đội cái nón mê như người bạn cặm cụi của nhà nông.

Trong thi ca Việt Nam, ao quê là niềm cảm hứng khoanh vòng lại miền ký ức trong mỗi tâm hồn con người. Bởi ở đó ta được ký thác bao buồn vui, sóng sánh bao nỗi niềm để ngỏ viền lại trong ta những thương nhớ dập dềnh. Đó là: “Ao  thu lạnh  lẻo nước trong veo – Một chiếc thuyền con bé tẻo teo” (Nguyễn Khuyến). Ao quê như một tờ giấy thấm ngấm bao vòng sóng giao thoa chìm nổi khôn nguôi nhưng chắc chắn ở đó ta được định vị một chốn yên lành dù có sâu, có vơi, khi đầy khi cạn.

Ao quê, ta ngồi câu cá, câu cả bóng mình, hồn vía của mình. Ao quê không bao giờ là đáp số số không mặc dù là hình tròn, bởi ta có được những ký ức một thời và mãi mãi. Ao quê là chứng nhân của một thời, một đời bao buồn vui khỏa lấp. Nhưng viền lại vào ta nỗi cánh cánh thường trực, cái ám ánh một thời của Tú Xương: “Bỗng nghe tiếng ếch bên tai - Giật mình cứ ngỡ tiếng ai gọi đò” (Sông Lấp).

Ao quê giờ còn lại rất ít. Cái nhiệt kế điều hòa của lá phổi quê giờ bị lấp đi để lấp đất xây nhà tầng, xây những chóp nhọn. Bỗng có lần tôi trèo lên gác thượng mà người cứ chênh chao như ngỡ mình đang ngồi trên mạch ao quê ngày nào mà nghe tiếng bong bóng nổi chìm nổ bùng hoa mắt, lòng cứ nghèn nghẹn lại…

Và tôi lại buâng khuâng nhớ đến giếng làng. Giếng làng như một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng con người. Ở đó tròn vành vạnh khuôn giếng, khuôn trăng, khuôn mặt. Trong ca dao đã từng so sánh: “Đàn ông nông nổi giếng khơi – Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” và cả trong tình yêu: “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài – Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”. Còn lũ trẻ thì chạy quanh vòng giếng và hát đồng dao: “Vừa bằng cái  nong – Cái làng  đong chẳng hết”.

Giếng làng xây trong khuôn viên đình làng, là nơi tụ thủy của làng. Giếng là mạch nguồn sâu thẳm lan tỏa những vòng sóng ký ức và là nơi lưu bóng hồn quê. Giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê. Từ trong cổ tích hiện hữu một cô Tấm nuôi một con cá  Bống như giữ cái khát vọng của con người...

Giếng làng là nơi tụ hội nguồn sống, nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra. Giếng là đôi mắt tụ thủy của làng. Vì thế từ bao đời người ta truyền lại cho nhau một phương pháp đào giếng: Vào trong đêm úp một cái bát vào nơi  định đào giếng, sáng ra thấy bát nào đọng nhiều nước hơn thì mạch nước ở đó tốt, bởi là mạch dọc thẳng đứng nước nhiều và trong.

Cây đa, bến nước, sân đình là những biểu tượng văn hóa gắn với làng quê, hồn quê Việt từ bao đời. Tôi đã đi qua bao miền quê, miền Trung gió lào cát bỏng. Gió lào khô khốc bao nhiêu, bỏng rát bao nhiêu thì giếng làng miền Trung trong trẻo và lịm mát bấy nhiêu. Lạ thay, có những làng ven biển cách mép nước mặn chưa đầy chục mét lại có những giếng cát nông cạn nhưng lại tích tụ và dâng đầy một khuôn nước ngọt.

Ngọt như được lọc ra từ mặn mòi của muối, ngọt từ nắng rát mặt trời, mát ngọt từ tấm lòng thơm thảo của người quê biển. Giếng làng mát về mùa hè mà lại ấm về mùa đông. Tôi đã từng viết bài thơ “Giếng” như một sự chiêm mghiệm gạn lọc tinh khôi:

Biết phận mình tuôn lặng lẽ

Tiếng gàu va đến nát lòng

Rút ruột trưa hè tận đáy

Bốc hơi ngùn ngụt ngày đông

Mây choàng đâu phải khăn bông

Bao nhiêu tàu cau đã rụng

Nửa đêm giật mình thăm thẳm

Giếng khơi đánh thức vòm trời”.

Giếng làng chính là một mảnh hồn quê vừa đau đáu vừa miên man nghĩ ngợi. Hình như ở các ngôi đền thiêng đều có giếng như giến Ngọc ở đền Hùng, giếng ở đền Cổ Loa. Thành phố cổ Hội An có giếng làng Bá Lễ không bao giờ cạn để dân phố Hội sinh ra bao đặc sản cũng bắt đầu từ nhào lộn bột bánh với nước giếng làng làm ra món cao lầu nổi tiếng.

Giếng như con mắt rồng nhìn thấu cả tâm tư con người từ cội nguồn mạch nước. Giếng làng chính là một dấu triện ấn vào tờ giấy bản đất đai thấm bao mồ hôi nước mắt. Ngày nay, cùng với sự thay đổi cuộc sống hiện đại giếng làng không còn ở nhiều nơi như trước nữa nhưng trong tâm tưởng mỗi người vẫn còn: “Giếng kia dù đã lấp đầy – Giật mình nghe tiếng gàu dây va thành”. Đây đó tôi vẫn bắt gặp những chiếc giếng làng dù rêu đá xanh rì, đá đã nhăn mòn nhưng nước thì vẫn trong, trời vẫn xanh tận đáy và cây đã cổ thụ mọc chòm râu năm tháng, mái đình vẫn cong mền mại. Và giữa đảo khơi xa những chiếc giếng quê, giếng làng vẫn được khơi sâu như những cộc mốc chủ quyền trong thăm thẳm neo giữ trường tồn cùng đất nước…

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top