Aa

Mảnh đời mất đất

Thứ Năm, 13/09/2018 - 11:00

Vài năm trở lại đây, người dân làng Thụ (Thụ Ninh, P. Vạn An, TP. Bắc Ninh) tưởng chừng như bận rộn hơn, đi ra đi vào, rồi lại tụ họp nhau trong phòng khách, ngoài sân hay xôm tụ ngoài con ngõ hẻm. Đề tài bàn tán đã không còn là ruộng nương, là cấy xong chưa như mọi năm mà giờ đây, câu chuyện xoay vòng về việc “đã nhận được tiền bồi thường” chưa?

158 triệu đồng/1 sào hay 175 triệu đồng/1 sào, con số ấy cứ quẩn quanh mãi trong suy nghĩ, trong các cuộc thảo luận… và trong cả tiếng thở dài của một số người dân làng Thụ. Đất nông nghiệp bị thu hồi, người dân làng Thụ còn mơ hồ và hoang mang khi nghĩ tới viễn cảnh ngôi nhà mình đang ở chỉ còn tính bằng tháng, bằng năm vì sắp tới, con đường H2 đi qua, cả làng Thụ Ninh sẽ bắt đầu cuộc sống mới.

CHUYỆN BÀ THANH

Chiều sớm, ông Nhật, 70 tuổi, bộ đội về hưu, quét vội rác hất ra cửa. Ông vẫn cười tươi, nói chuyện nhẹ nhàng với những ai hỏi chuyện về việc đất ruộng được đền bù ra sao. Còn vợ ông, bà Thanh lại rầu rĩ, mệt mỏi. Đôi mắt bà tưởng như đã quá mệt mỏi khi nghĩ tới quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hơn 8,5 sào ruộng của bà đều nằm trong diện đền bù, một nửa trong số đó được Nhà nước thu hồi để bàn giao cho Công ty CP Dabaco. Theo đó, ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, TP. Bắc Ninh theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT). Quyết định nêu rõ, UBND tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh: Quy mô xây dựng công trình dự án, tuyến đường H2 có chiều dài 1.390,48m, điểm đầu từ đường Kinh Dương Vương, điểm cuối giao với TL.286 tại phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh. Quy mô mặt cắt tuyến đường H2 được điều chỉnh từ 40m lên thành 100m.

Về phương án tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến giao nhà đầu tư 2 khu đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho dự án công trình BT, gồm một phần dự án khu đô thị Vạn An, diện tích khoảng 36,06ha tại phường Vạn An và xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh và một phần dự án khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên, diện tích khoảng 58,46ha tại phường Phong Khê và xã Khúc Xuyên và phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh.

Hơn 8,5 sào ruộng đất của bà Thanh có hơn 4 sào thuộc quy hoạch dự án khu đô thị Vạn An, khoảng 1 sào ruộng thuộc trục đường H2. Số sào đất còn lại cũng đưa vào danh sách thu hồi cho dự án Khu Nhà ở Thụ Ninh – Vạn An của chủ đầu tư là Công ty CP Công nghệ Cơ Điện lạnh.

Cũng lâu rồi, có lẽ phải tính bằng năm, bà chỉ nằm ở nhà, không thiết tha gì đến ruộng đất. Bà bảo: “Đất nông nghiệp bị thu hồi hết rồi, tôi lấy đâu ra ruộng mà cày cấy, trồng màu”. Nhắc đến chuyện đồng áng, bà lại thở dài, bật dậy khỏi chiếc ghế nằm và kể như muốn trút mọi nỗi lòng.

Khi ông Nhật nhắc về những mảnh đất bị thu hồi, với mức giá ra sao, bà Thanh gạt đi bảo: “Cái này ông không hiểu bằng tôi. Dù tôi văn hóa lớp 2 nhưng tôi nhớ lắm! Vì cả đời tôi gắn bó với việc đồng áng, với những mảnh ruộng đấy”. Bà kể vanh vách về từng thước một, nằm ở đâu, được đền bù ra sao.

Bà là một trong hơn 100 hộ dân làng Thụ được đền bù đất. Hơn 8 sào được đền bù khoảng 158 triệu đồng/1 sào. Tổng số tiền đền bù tích cóp lại chỉ rơi vào 1 tỷ đồng nhưng cũng đã mấy năm trở lại, bà chẳng còn công việc gì để làm. Cuộc sống cơm ăn 3 bữa đều phụ thuộc vào mức lương còm cõi về hưu sớm của ông Nhật.

Có điều gì đó khiến bà chợt nhớ ra, giọng bà bất chợt lên cao. “Tôi có hơn 1 sào nằm cạnh đường H2, được đền bù 158 triệu đồng/ sào. Ở đoạn khu đô thị mới Vạn An, chỗ mà Dabaco đang xây dựng, tôi có hơn 4 sào ruộng nhưng cũng chỉ được đền bù 158 triệu đồng/sào”.

Bà kể, thời điểm đó, người dân làng Thụ không đồng ý với quyết định đền bù của chính quyền. Họ bàn ra tán vào nhiều lắm nhưng bà vẫn ngậm ngùi chấp hành vì ông Nhật là bộ đội về hưu. “Tôi phải nhận đền bù, phải chấp hành nghiêm túc. Tôi cũng nói thật, tôi ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Kể cả con đường H2 có đi qua nhà tôi, tôi buồn nhưng vẫn sẵn sàng thực hiện theo quy định vì rõ ràng, đây là Nhà nước xây đường cho dân. Nhưng nghĩ tới những mảnh đất bị thu hồi với giá thấp, tôi xót ruột lắm. Họ lấy của tôi có 158 triệu đồng/sào. Ở khu ruộng nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Vạn An, Dabaco trả chúng tôi thêm 10 triệu đồng/sào cho 5 năm không thể cấy hái vì nước thải bẩn đi qua và thêm 7 triệu đồng/sào tiền bờ mương. Tổng cộng là 175 triệu đồng/sào (360m2). Nhưng với 360m2 họ phân được 4 lô đất. Mỗi lô đất bây giờ đã bán với giá 26 triệu đồng/m2. Cứ nghĩ đất của mình bị thu hồi giá rẻ, bán lại cho dân giá đắt mà tôi cứ xót xa”.

Tháng 7/2017, bà quyết định nhận đền bù cho 1 sào ruộng nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Vạn An. Tuy nhiên, bà kể ở thời điểm đó, giá đền bù chỉ là 158 triệu đồng/sào. Tháng 10/2017, giá đền bù thỏa thuận lên tới 175 triệu đồng/sào. Chỉ trong 3 tháng, con số đền bù tăng 17 triệu đồng/sào. Bà Thanh bức xúc bảo, “tôi cứ cố gắng làm thật tốt đi trước làm gương nhưng rồi chỉ trong có 3 tháng, doanh nghiệp lại đền bù tăng hơn giá. Tôi bị thiệt 17 triệu đồng nhưng lên kiến nghị họ không trả tôi nữa. Bây giờ đất đai bị thu hồi hết thì lấy việc gì ra mà làm. 17 triệu đồng với họ chỉ bằng tiền chênh 1m2 đất khi bán cho khách hàng nhưng với người dân như tôi số tiền đó lớn lắm”.

Rồi bà Thanh kéo cái áo lên, chỉ vào vết sẹo dài từ trên ngực xuống bụng, nâu sậm. Bà bảo: “Tôi bị ung thư dạ dày, bao nhiêu tiền đều đổ vào căn bệnh này, chẳng biết sống được bao lâu”.

Bà lại ngước lên tầng, nói khẽ khọt kể: “Con dâu tôi mới hơn 30 tuổi, đẹp người, đẹp nết mà cũng ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Bao nhiêu tiền đền bù rồi cũng đổ vào chữa bệnh hết. Công việc không khó, phụ thuộc vào vài đồng lương, chẳng biết chống chọi đến bao giờ”. Thế rồi, bà lại lo. Không lo không được vì căn nhà của bà đang nằm trong vùng quy hoạch con đường H2.

Bà ngồi tính rằng, với hơn 8 sào ruộng được đền bù gần 1 tỷ đồng. Cả bà và con dâu đều đi chữa bệnh trong nhiều năm qua, số tiền đặng chẳng còn bao nhiêu. Giờ đây, nếu căn nhà này bị di dời đi thì cả gia đình bà không biết sẽ sống ở đâu. “Tôi cứ nghĩ quẩn, nếu giá nhà này cũng được đền bù thấp như thế. Có lẽ gia đình tôi phải đi ở thuê, vì tổng tất cả lại cũng chẳng đủ mua một lô đất và xây được cái nhà. Nhiều lúc cứ thắc mắc, sao họ không cho dân thỏa thuận mức tiền đền bù. Nếu mà 4 sào nhận được 1 mảnh đất thì tốt quá. 4 sào còn lại với số tiền đền bù tôi xây được căn nhà nhỏ để ở. Vợ chồng già rồi, bệnh tật bây giờ cũng phải lo cho mình chứ nhờ con cái sao được. Con tôi cũng bệnh tật, còn trẻ mà vẫn bị bệnh”.

Bà lại lo xa xăm… dân làng Thụ cũng nhiều người bị ung thư dạ dày. Nhà bà Thanh không may mắn hơn khi căn bệnh hiểm nghèo ập đến với bà, với người con dâu mới ngoài 30 tuổi. Nỗi ám ảnh xót xa về những tháng ngày sẽ phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, với căn bệnh hiểm nghèo. Tất cả đều trông chờ vào khoản tiền lương ít ỏi của người chồng bộ đội về hưu sớm, bà Thanh cứ thão thượt thở dài. Nhưng rồi bà bảo, bà chẳng còn sống được bao nhiêu nhưng chỉ thương người con dâu đẹp người đẹp nết đã phải sớm đối mặt với căn bệnh quái ác.

Đấy rồi bà lại lo, những mảnh đất nông nghiệp bị lấy đi hết, chẳng còn gì để trồng rau, trồng lúa mà ăn. Đến ngôi nhà ở cũng nằm trong diện quy hoạch khiến bà lo đến đời cháu. Bà tự hỏi, giờ muốn mua ít rau để ăn lại phải đi vào tận trong thành phố nhưng rồi chẳng biết mức độ sạch là bao nhiêu. Thở dài… nghĩ đến viễn cảnh xa xôi, bà lại thở dài…

CHUYỆN BÀ THỦY

Bà Thủy năm nay ngoài 60, ở cùng con trai trong ngôi nhà ngay ngoài mặt đường lớn. Bà là một trong 4 người dân làng Thụ Ninh không nhận tiền bồi thường.

Năm 2017, bà và nhiều hộ dân có đất ruộng nằm trong quy hoạch để phát triển dự án nhà ở đến họp về thỏa thuận thu hồi đất. Nhưng theo bà, năm đó, dù cuộc họp chưa thành công, dù người dân ý kiến và chỉ có một bộ phận người dân tới song tất cả như sự đã sắp đặt. Số tiền công bố đền bù rơi vào 168 triệu đồng/360m2.

Từ cuối năm 2017 đến nay, tháng 6/2018, bà nhất định không nhận tiền đền bù. Hỏi ra, bà bảo: “Nếu là làm đường cho Nhà nước, gia đình tôi sẵn sàng chấp nhận”. Bà chỉ vào căn nhà 4 tầng nằm ngoài mặt phố rộng rãi và nói tiếp: “Căn nhà này cũng nằm trong quy hoạch có đường đi qua. Nhưng vì làm đường cho Nhà nước, tôi sẵn sàng chấp nhận tìm nơi ở mới. Nhưng ruộng đất lại thu hồi giao cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở. Họ thu mua hơn 400.000 đồng/m2 rồi sau đó phân lô chia thửa bán tới 22 - 26 triệu đồng/m2. Thử so mà xem, giá đền bù của chúng tôi rất rẻ mạt. Tôi không cần đòi tiền cao nhưng phải phù hợp vì người già như chúng tôi không đi làm công ty được, vẫn phải phụ thuộc vào đồng áng”.

Nhà bà Thủy có hơn 8 sào ruộng nằm trong diện thu hồi đất. Bà bảo một lý do khác nữa mà bà nhất định không nhận tiền là bởi năm 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra thông báo về việc thu hồi đất ruộng do doanh nghiệp Dabaco tiến hành xây dựng dự án với mức giá hơn 150 triệu đồng/sào.

Đến năm 2017, tức gần 6 năm sau, mức đền bù lên 168 triệu đồng/sào, chênh hơn 10 triệu đồng/sào. “Tôi ít học nhưng tôi chỉ nghĩ, hơn 5 năm, mà tiền đất tăng lên hơn 10 triệu đồng/360m2. Tôi không đồng ý với điều này bởi rõ ràng người dân như chúng tôi đang thiệt đơn, thiệt kép”.

Nhiều lúc bà nghĩ tủi rồi lại thấy bực. Bà bảo chẳng mong gì hơn chỉ hy vọng số tiền đền bù hơn 8 sào đất đủ mua được một lô đất nhỏ. Nếu có tiền để xây căn nhà nhưng giấc mơ ấy cứ thật xa vời. Không nhận tiền đền bù chính bà cũng cảm thấy mệt mỏi vì áp lực từ nhiều phía. Rồi đến bà cũng lo cho những đứa con đi làm khi phải lắng nghe lời điều tiếng không hay. “Đấy, có phải đơn giản không nhận tiền đền bù là sung sướng đâu, vừa mệt mỏi vừa căng thẳng. Đất là của mình nhưng con cái cũng bị ảnh hưởng. Tôi cũng đâu phải đòi đền bù khoản tiền lớn nhưng ít ra phải hợp lý. Nếu tốt hơn hết, của doanh nghiệp nên để cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân. Áp giá như vậy chỉ có chúng tôi bị thiệt”.

Bà vẫn nhớ lần họp ấy, người dân Thụ Ninh đã cùng vận động không nhận tiền đền bù. Nhưng rồi đến cái Tết 2018, tiếng loa phường thông báo, kêu gọi người dân tới nhận tiền. Bà bảo, Tết nhất nên gia đình nợ nần, đói túng muốn có đồng ra, đồng vào nên đã lên xã ký nhận tiền. Rồi, mỗi lúc, loa lại thông báo chỉ còn từng đây, từng đây hộ gia đình chưa lấy nên cứ theo trào lưu, người dân lên lấy. “Nhưng tôi thấy cực lắm, người dân làng Thụ vừa khổ vừa ngu. Sau này cầm 1 cục tiền trên tay, đất mất, nhà mất thì lấy tiền đâu ổn định cuộc sống. Người cờ bạc lấy tiền trả nợ thì tương lai cũng đi về đâu”.

Xót xa là thế nhưng bà chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”…

HAI CON NGƯỜI, MỘT SỐ PHẬN

Bà Thanh, bà Thủy và những người dân khác ở làng Thụ đều vẫn còn mang trong mình nỗi xót xa, tiếc nuối cho mảnh đất ruộng hàng chục năm gắn bó. Đô thị đã quét qua làng, qua những cánh đồng nhưng nó đâu để lại nụ cười mà chỉ là tiếng thở dài đầy thão thượt. Hàng nghìn héc-ta ruộng đất xưa kia chắc chỉ vài năm nữa sẽ mọc lên những ngôi nhà hiện đại khang trang. Nhưng rồi, người dân làng Thụ hiểu rằng, đó không còn là nhà của mình, mà chỉ là giấc mơ xa vời. Đời bà, đời con và đến đời cháu, có may chăng, giàu bằng nghề khác mới đủ tiền để đặt chân lại trở về mảnh đất thuở xưa.

Tiếc nuối về mảnh đất bao đời gắn bó, hoang mang về cuộc sống tương lai mịt mờ của tuổi xế chiều. Những người như bà Thanh, bà Thủy vẫn bao lần tự hỏi: Đến bao giờ mảnh đất ruộng mới được đền bù xứng đáng hay vẫn chỉ là mấy trăm nghìn/m2, giá rẻ như bùn? Đến bao giờ, cuộc đời của người nông dân khi mất đất sẽ vẫn cảm thấy ngày mai là một ngày đầy tươi sáng hay chăng vẫn luẩn quẩn trong cái túng nghèo và đôi mắt xa xôi nhìn về khu đô thị mới khang trang? Dứt ruột bán đứa con nuôi nấng hàng chục năm, đứa con đã nuôi sống cả gia đình mỗi thời, với bà Thanh, bà Thủy, dù là người đã nhận tiền đền bù hay chưa, điều xót xa ấy sẽ mãi còn đọng trong mắt.

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top