Aa

Màu dã quỳ

Thứ Hai, 19/11/2018 - 06:00

Tận cùng cái đẹp là nỗi buồn, và nỗi buồn lại thăng hoa thành cái đẹp. Tôi biết họ xốn xang vì dã quỳ, nhưng rồi cũng lắng lại vì dã quỳ. Và cuối cùng, dù là rất vô tình, hoàn toàn không định hướng, dã quỳ Tây Nguyên đã thắp lên trong mỗi con người một ngọn lửa ánh lên vẻ đẹp vừa sang trọng vừa dân dã. Một vẻ đẹp không vụ lợi bất tử với thời gian, dù càng ngày, dã quỳ càng trở nên hiếm khi mà người ta phải xây dựng để phát triển...

Dã quỳ màu gì nhỉ? Đứa trẻ con cũng biết! Vàng! Vàng mê mải, vàng bất tận, vàng đến vô ngôn, bởi nó cứ thế... vàng, những cơn vàng cứ thế giãy tới tận chân trời, hun hút bạt ngàn xiêu giạt và rờm rợp, như không còn gì ngoài quỳ, không còn gì ngoài vàng, và không còn gì ngoài những buổi chiều tưởng như trái đất không còn việc gì ngoài... vàng.

Và nó vàng thật, bởi nó màu vàng. Và nó lại nở trong cái mùa mà nắng Tây Nguyên vàng nhất. Gió lồng lộn nhất. Ai chưa biết gió Tây Nguyên quẫy đạp, càn lướt, hùng hổ, ngang tàng bất chấp như thế nào thì cứ lên Tây Nguyên mùa khô ấy, là cái mùa mắt đầu từ tháng 10 năm nay tới tháng 3 năm sau, mà đỉnh điểm là tháng 12 tới tháng 2 ấy, biết tay nhau ngay. Và trời nữa, trời mùa này xanh thì thôi rồi. Cứ vút lên cái màu xanh như không thể trộn vào màu gì khác. Cứ như là chả có cảm xúc gì khi cứ tự mình xanh mình lên đến thế, tự mình treo mình lên gió như thế, để những thảm mây trắng la đà phía dưới, vừa bay vừa ngừng vừa như ngơ ngác hỏi: Mình có nên bay nữa không?

Ấy, tất cả đang làm một cái việc mà, người lơ mơ sẽ không phải hiện ra, chăm bẵm cho cái màu đỏ bazan của đất Tây Nguyên cũng đang muốn cựa quậy dưới những tán rừng đã thưa lắm rồi, dưới những thảm dã quỳ cũng đang lùi rất xa vào núi. Cái màu đỏ của bazan ấy, cứ muốn quẫy lên, muốn cong lên, muốn phơi ra, muốn hét lên... dưới mặt trời, dưới mướt vàng dã quỳ, dưới bụi mù gió... rằng, có một màu bazan nữa, ở đây, đang cũng muốn bùng lên, muốn tự đốt lên để cháy lên...

Mới chừng cách đây vài chục năm, Tây Nguyên là đất đỏ. Miên man dằng dặc đỏ, ngắc ngư khù khụ đỏ (vì ho), tất cả cứ đỏ rực lên như những... cây bụi. Chao ơi, mùa mưa thì tất cả mọi con đường mọi ngóc ngách đều trở thành những dòng sông dòng suối đỏ lừ như nham thạch. Còn mùa khô thì mọi ngóc ngách trong nhà trong người đều... bụi.

Và người ta đã tồn tại hàng thế kỷ trên cái nền đỏ bazan như thế.

Vài mươi năm trở lại đây, phố hóa, bê tông hóa, nhựa hóa, nông thôn hóa... vân vân, khiến cho cái màu đỏ hàng ngàn năm của bazan Tây Nguyên kia tưởng như mất hút. Nó cũng như, toàn bộ vùng ven biển miền Trung từng là cát trắng xóa, trên cát, dưới cát và giữa cũng cát. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh có đến mấy tác phẩm toàn cát, như "Cát trọc đầu", "Dưới cát là nước", "Em bé bán cát"... vân vân, nhưng giờ đi dọc ven biển ấy, san sát nhà cửa, đường xá... nhưng có một thứ không thấy san sát nữa, là cát. Vậy nên, thi thoảng nhớ lại cái thời mới lên Tây Nguyên, người lúc nào cũng đỏ cạch đỏ kè, nhiều lúc lại hoang mang: Ơ, bazan đâu rồi?

Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên tổ chức Festival hoa và lấy dã quỳ làm biểu tượng cho thành phố Đà Lạt. Mới nhất, một huyện của tỉnh Gia Lai cũng tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ gắn với miệng một núi lửa. Toàn bộ cao nguyên Pleiku là được hình thành trên hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ mà lại. Lẩy ra một miệng để tổ chức cũng là một cách hòa nhập phong trào du lịch đang nở.

Vấn đề là, mấy chục năm trước, giữa khi bạt ngàn dã quỳ bị coi là... kẻ thù của sản xuất, vì nó chiếm đất, vì thời ấy, cán bộ công nhân viên cũng được huy động đi chặt dã quỳ để lấy đất trồng sắn cứu đói, thì tôi đã... ca ngợi dã quỳ. Và bị nhắc nhở nữa, rằng cuộc sống tươi đẹp rộn rã thế, tất cả như một đại công trường xây dựng CNXH thế, sao đồng chí không đi ca ngợi lại ngồi ca ngợi bọn... chiếm đất, đấy là tàn dư của... chế độ cũ, là bọn ngồi mát ăn bát vàng...

Cũng vấn đề là, chả phải mình Tây Nguyên có món đặc sản này. Nó có ở khắp nước, kể cả... Hà Nội, kể cả ở những vùng cát trắng ven biển. Cũng như cây Kơ nia nhờ nhà thơ Ngọc Anh và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mà nó trở thành... Tây Nguyên, trong khi là cây cầy hoặc cậy, nó có ở khắp nơi.

Thì thế nó mới... ly kì.

Và nhớ đến... ngày xưa, tôi mới nhớ, dã quỳ không chỉ màu vàng. Nó còn được nhuộm đỏ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi màu vàng của bazan. Và phải chăng, vì thế mà dã quỳ ở đây nó vàng hơn, mướt hơn, mê mải hơn, hút hồn hơn, rợn ngợp hơn... Nó khiến nhiều người ở những nơi cũng có dã quỳ, nhưng vẫn lặn lội vào Tây Nguyên, để mà lẫn vào dã quỳ, lăn lộn với dã quỳ, hòa vào dã quỳ... làm nên rừng rực dã quỳ trên... phây búc và các trang mạng xã hội...

Trước khi có cái lễ hội dã quỳ được tổ chức như vừa qua, đã rất nhiều người tự tổ chức những tour du lịch đi ngắm dã quỳ. Và tôi cũng dăm ba lần được tham gia với vai trò người chỉ trỏ. Nhờ thế mà tôi thấy được cái cảm giác thú vị của những vị khách lãng mạn ấy, kể cả Tây, ta. Họ luôn ồ lên thích thú rồi lăn vào chụp ảnh, và cuối cùng là mỗi người một góc tư lự. Tận cùng cái đẹp là nỗi buồn, và nỗi buồn lại thăng hoa thành cái đẹp. Tôi biết họ xốn xang vì dã quỳ, nhưng rồi cũng lắng lại vì dã quỳ. Và cuối cùng, dù là rất vô tình, hoàn toàn không định hướng, dã quỳ Tây Nguyên đã thắp lên trong mỗi con người một ngọn lửa ánh lên vẻ đẹp vừa sang trọng vừa dân dã. Một vẻ đẹp không vụ lợi bất tử với thời gian, dù càng ngày, dã quỳ càng trở nên hiếm khi mà người ta phải xây dựng để phát triển. Và có lẽ vì thế mà chiều nay cái màu vàng của dã quỳ mới lắt lay trong tôi làm vậy khiến phải xốn xang mà gõ những dòng này...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top