Trải nghiệm

“Miền trời” nơi hạ giới Suối Giàng

Trải nghiệm - 06:30, 21/09/2019 G9T+7 - Nhà báo Trọng Chính

“Giàng” chính là “Trời” trong tiếng Mông, đến “miền trời” Suối Giàng là mê hoặc với những ngôi nhà lợp “ngói” gỗ pơmu của người Mông, những cây chè shan tuyết ngang qua hàng chục đời người trên đỉnh núi Chông Páo Mùa.

Trên cung đường vàng du lãng Tây Bắc, ngoài các sản vật nếp Tú Lệ, gạo mường Lò... thu hoạch trên những thửa ruộng bậc thang, Yên Bái còn nổi tiếng bởi chè shan tuyết Suối Giàng. “Giàng” chính là “Trời” trong tiếng Mông, đến “miền trời” Suối Giàng là mê hoặc với những ngôi nhà lợp “ngói” gỗ pơmu của người Mông, những cây chè shan tuyết ngang qua hàng chục đời người trên đỉnh núi Chông Páo Mùa.

Những mái nhà lợp “ngói” gỗ pơmu của bà con dân tộc Mông Suối Giàng tựa vào nhau nơi sườn núi, xung quanh là rừng chè xanh thẳm.

Cung đường từ thủ phủ huyện Văn Chấn lên Suối Giàng chỉ khoảng 12km nhưng nhiều khúc quanh khá hiểm trở bởi độ cao gần 1.400m. Vượt những khúc cua này là tới Suối Giàng, vùng đất nằm giữa lưng chừng trời với những bản làng của bà con dân tộc Mông quần tụ bên những cây chè shan tuyết, rêu phong cùng tháng năm.

Khí hậu quanh năm mát mẻ, từng được ví với Đà Lạt, Sa Pa nên Suối Giàng có đủ các yếu tố trở thành “thánh địa” của chè shan tuyết. Xa xưa, khi sống giữa núi, giữa rừng, người Mông ở Suối Giàng tìm thấy những cây cổ thụ lá to, dày, có màu xanh đậm và vị đắng chát. Tặng vật từ núi rừng Hoàng Liên Sơn này được họ hái mang về, vừa làm thuốc vừa nấu nước uống với tên gọi thuốc chát, hay "chùa dề" theo tiếng Mông.

Cây chè cổ thụ mọc ngay gần trung tâm xã có tuổi cả trăm năm, thân già mốc trắng với những "tay" chè mang thế độc đáo như bon sai, đâm chồi xanh mướt, hết lứa này đến lứa khác.
Chè shan tuyết ngay bên hiên ngôi nhà móng xếp bằng đá, mái lợp “ngói” gỗ pơ mu và chỉ cần với tay qua cửa là có thể hái được cả nắm chè, pha làm thức uống.

Rồi người Pháp nhận ra, cây thuốc của người Mông Suối Giàng dùng làm thức uống ấy chính là chè. Từ đó, giá trị của loài cây cổ thụ, lá phủ lông tuyết đã đổi được những đồng bạc bà đầm xòe, bạc trắng và được trồng, nhân giống nhiều hơn. Tuy nhiên, danh xưng "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” của Suối Giàng được nhiều người biết đến phải đến khi Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), ông M.K Djemukhatze đến vùng đất này những năm 1960. Dành tâm sức nghiên cứu chè shan tuyết, ông viết hẳn một chuyên khảo công phu về cây chè nơi đây. Đặc biệt, những ngày ở Suối Giàng ông đã viết vào sổ lưu niệm lưu ở xã này những dòng tâm huyết như sau: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới...”.

Lá chè shan tuyết Suối Giàng dày và xanh đậm. Đặc biệt chồi non của chè tuyết hội tụ tất cả tinh túy của trời đất, sương gió.

Giờ Suối Giàng vẫn còn đó những bản làng miên man bóng chè cổ thụ trong khi những vạt pơ mu trầm mặc, kiêu hãnh từng nằm xen lẫn đã dần mất đi. Có chăng, còn lại những tấm “ngói” gỗ pơ mu lợp trên mái nhà của người Mông ở 4 bản Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và Tập Lăng. Đó là những di sản thời gian còn trường tồn cùng những cây chè shan tuyết.

Người Mông ở Suối Giàng vẫn giữ nguyên những nét đơn sơ, thuần khiết bên những ngôi nhà thấp lè tè mái lợp bằng gỗ pơ mu rêu phong xanh rì.
Những mái nhà lợp “ngói” gỗ pơ mu dãi dầu sương gió. Những tấm “ngói” bằng gỗ pơ mu này cong lên dưới ánh nắng trưa cho nắng lọt vào nhà và khép lại úp khít ngày mưa lạnh…
… và còn đó cả mái trường học của con em dân tộc Mông ở Suối Giàng cũng nguyên mái pơ mu.

Từ trụ sở ủy ban nằm ở trung tâm xã, con đường bê tông chạy vòng quanh rừng chè, nơi cả mấy chục ngàn cây chè shan tuyết cổ, đường kính trùm cả mét với "cánh tay" chè mang dáng, thế, độc đáo như bon sai. Mỗi năm, chè shan tuyết ở đây thu hoạch trong 3 mà vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch.

Bởi sống nơi non cao gần 1.400m so với mực nước biển nên chè càng lâu năm và nhiều tuyết trắng càng quý. Các đồng nghiệp của tôi, nhà báo Lê Đức Dục và Nguyễn Đức Bình (báo Tuổi Trẻ) khi thực hiện loạt phóng sự “Con đường trà Việt” đã viết về loại chè shan tuyết “5 cực”, sản vật của Suối Giàng như thế này: “Cực khổ” bởi khi trồng và thu hái chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất của mùa thu hoạch. “Cực sạch” bởi cây chè sống cả trăm năm nơi điều kiện khí hậu, môi trường trong lành. “Cực hiếm” bởi sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp. “Cực ngon” bởi được tuyển lựa kỹ lưỡng, búp phải mẩy, căng, đậm tuyết với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén nước trà phải có: hương thơm, vị đậm, nước xanh. Cuối cùng vì thế nên “cực đắt”, từ 2,5-3 triệu đồng/kg.

Trên đỉnh Suối Giàng se lạnh bữa ấy, tôi không may mắn như các đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ thưởng chè “năm cực” hảo hạng, ông chủ nhà người Mông bản Giàng A thấy khách đã hái vội nắm chè trên cây shan tuyết cổ thụ ở vườn, thả vội vào nồi nước sôi pha xổi. Trong căn bếp thơm mùi gỗ pơmu, đưa lên môi thưởng chén chè shan tuyết tươi xanh, vị đậm hương đặc trưng và với tôi khi đó Suối Giàng chính là “miền trời” nơi hạ giới.

Trên những búp tôm được ngậm sương, bề mặt phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết này mới đích thị là “tuyết chè”. Chè ngon nhiều hay ít phụ thuộc vào lớp tuyết này.
Giữa rừng chè cổ thụ đẹp như bon sai là hương hoa chè dịu ngọt.
Loại chè “cực ngon” bởi được tuyển lựa cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp mẩy, căng, đậm tuyết, có giá bán từ 2,5-3 triệu đồng/kg, ngay tại Suối Giàng.


Bạn đang đọc bài viết “Miền trời” nơi hạ giới Suối Giàng tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục