Trải nghiệm

Mộc Châu mùa mận chín

Trải nghiệm - 23:30, 15/10/2018 G10T+7 - Theo Thùy Linh/Báo Đầu tư Bất động sản

Trên cao nguyên Mộc Châu xa xôi, cứ mỗi dịp hè về, những trái mận hậu chín mọng lại lan tỏa vào không khí một mùi hương thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Đó không chỉ là hương của hoa thơm, trái ngọt vùng đồng rừng mà còn là mùi của mùa màng bội thu, của cuộc sống mới thơm tho. Để rồi hấp dẫn cả những lữ khách không ngại đường xa, vượt mây gió đại ngàn lạc trôi lên tận miền Tây Bắc.

Mộc Châu tháng 4 ngây ngất mùa trẩy mận

Từ Hà Nội, cứ thẳng tắp Quốc lộ 6, đi xuyên qua bạt ngàn cây cối sẽ đến được Mộc Châu. Cả con đường chủ yếu là đèo với một bên là vách núi mây mù bao phủ, một bên là thung lũng dưới vực sâu. Mây và gió vượt lên trước để băng qua những ngọn núi nham nhở hình răng cưa. Thoát khỏi hình răng cưa là tới được “thiên đường”.

Từ đây, tôi tiếp tục rẽ vào con đường mòn nhỏ nằm ẩn khuất giữa cây trái xanh um nhưng lởm chởm đá và ngập ngụa trọng bùn đất do dư âm của cơn mưa đêm để đến với Pha Phách- nơi có những vườn mận tươi ngon nhất tại cao nguyên Mộc Châu.

Tuy mới được trồng tại Mộc Châu từ những năm 1980 trên quy mô nhỏ, nhưng mận hậu ở đây nổi tiếng rất nhanh nhờ chất lượng vượt trội hơn hẳn mận trồng ở vùng Lai Châu, Điện Biên. Diện tích trồng mận cũng được mở rộng nhanh chóng, chiếm đến 61% diện tích cây ăn quả cả vùng. Nhờ có cây mận mà nhiều hộ nông dân đã trở thành triệu phú với doanh thu đạt trung bình 400-500 triệu đồng một vụ mùa.

Chỉ mất 20.000 đồng trả cho A Tời - chủ vườn mận có tiếng ở đây - là tôi đã có thể vào tận khu trồng mận rộng vài ha. Từ ngoài nhìn vào, cả một quả đồi chỉ toàn thân cây thẳng tắp, xù xì xếp hàng ngay ngắn như những chiến binh áo xanh, áo đỏ. Từng vạt rừng mang sắc đỏ hung hung, đỏ hồng, đỏ thẫm, rồi đỏ tím… cứ mươn mướt giữa nắng tháng năm và rười rượi mơn man trong gió.

Ngoài ngắm nhìn, tôi còn được người làm công chỉ cho nhiều cách hái mận khá thú vị. Chùm ở cao thì dùng gậy buộc giỏ giật xuống cho khỏi rơi, chùm thấp thì đứng lên ghế, lên cây, còn bình thường có thể đeo gùi sau lưng rồi vít cành mận xuống tỉa từng chùm. Thật thích thú khi được rời khỏi đô thị ồn ào đến tận bản làng xôi trải nghiệm công việc của một người nông dân thực sự.

Trong lúc thỏa thuê vui vầy với vụ mùa thì A Tời, ông chủ vườn mận đã chuẩn bị sẵn vài bát muối ớt và gia vị chẩm chéo đặc trưng của người Thái vùng Tây Bắc mời mọi người thưởng thức mận hậu chuẩn Mộc Châu.

Tôi vội dừng tay, lau đi giọt mồ hôi trên trán, chọn trong gùi những quả mận còn nguyên phấn trắng, đỏ, to và chín nhất đưa vào miệng cắn một miếng. Ngay lập tức cái vị chua vừa, ngọt thanh, vị cay mặn của muối ớt chạy rân rân khắp người, lan theo sống lưng về não khiến đầu óc vô cùng sảng khoái.

Không cao quý, sang trọng, không lịch duyệt, nền nã, từng chùm mận trùi trụi một khối mà đậm ngọt khó quên như đất như người Mộc Châu. Đúng là thời tiết lý tưởng, đất đai trù phú, cội nước trong lành nơi cao nguyên đã giúp cho hoa quả ở đây đạt chất lượng cao nhất. Điều đáng nói là những vườn mận này rất sai quả nhưng chủ vườn lại không hề sử dụng bất kỳ loại thuốc kích thích và bảo quản nào.

Giữa thung lũng bạt ngàn hoa trái, reo bên tai là tiếng chim rừng líu lo, vừa ăn mận vừa ngắm nhìn từng chùm quả căng mọng, tươi ngon lửng lơ trên đầu, tôi bất chợt cảm nhận thiên nhiên thật gần gũi, hiền từ biết bao. Tự nhiên cũng muốn bỏ thành phố lên đây mua một trang trại mận cho riêng mình.

Du lịch nông nghiệp Mộc Châu: “Mỏ vàng” chờ khai phá

Cố hái thêm vài gùi mận nữa thì cơ thể tôi bắt đầu dão ra như chiếc dây thừng. Việc đi bộ vài cây số trong mưa từ sáng có lẽ đã sớm vắt kiệt cả sức của tôi. Mải mê hái mận giờ tôi mới để ý trời đã sẫm màu. Chả trách một vài người làm công đã dừng tay để thu dọn đồ đạc ra về.

Vậy là chỉ còn tôi và A Tờ giữa khu vườn lặng yên. A Tời bảo tôi đi tắm, còn anh sẽ tự chuẩn bị rượu thịt cho đêm nay. Bữa cơm chỉ có gà đen đắp đất nướng và một cút rượu ngô nhưng ngon hơn mọi cao lương mĩ vị trên đời.

Tôi và A Tờ vừa ăn vừa rôm rả chuyện trò. Tôi khen A Tờ là người đàn ông hoàn hảo mà theo như cách nói của chị em thì đích thị là một “soái ca”. Vừa đẹp trai, vừa nấu ăn ngon lại còn làm kinh tế giỏi. Cứ nhìn vào vườn mận bạt ngàn thu hoạch cả tháng chưa hết quả ở đây thì biết.

Nghe tôi khen thế, A Tờ phá lên cười ha hả. Đừng khen thế, cái bụng người Mông bọn mình thật thà lắm không quen nghe câu xã giao bao giờ. Nhưng nói thật, mận phải có năm được mùa có năm không chứ. Năm nay vụ mùa kém đi rồi đấy không thì thu hoạch thêm tháng nữa mới hết. Chỉ do một trận mưa đá thôi mà mận xanh rụng hết. Xót xa lắm, nhưng biết sao được. Sống dựa vào thiên nhiên thì phải chấp nhận có những lúc thiên nhiên sẽ quay lưng lại với mình chứ.

Năm được mùa mận thì đủ nuôi 2 nhóc ăn học dưới Sơn La, năm không được thì lại đi vay anh em rồi đợi trả dần. Khốn nỗi mận một năm chỉ một mùa, những tháng còn lại đi nương cũng chỉ đủ ngô, đủ gạo ăn thôi. Thế nên mấy năm gần đây, mình đã nghĩ ra một cách khác để kiếm thêm thu nhập. Đó là làm du lịch trên chính mảnh vườn trồng mận của mình.

Vì chỗ này xa xôi, chỉ có hội đi phượt hay tiện đường ghé vào nhưng dù gặp họ ở đâu thì mình đều mời họ đến chơi và ăn thử mận miễn phí. Cảm thấy họ yêu thích thì mình nhờ về giới thiệu cho bạn bè, người thân trên mạng xã hội. Có những người quý mình, quý vườn mận của mình nên năm nào cũng tới đây những 4-5 lần, và lần nào cũng dẫn thêm nhiều khách lắm.

Như năm nay khu vườn này còn đặc biệt tiếp đón thêm vài đoàn khách người nước ngoài nữa. Đa phần họ tỏ ra rất ngạc nhiên và háo hức khi được chứng kiến người nông dân vun trồng từng gốc mận, bón phân hay thu hoạch. Nhiều du khách bày tỏ họ cũng ăn mận thường xuyên nhưng đây là lần đầu tiên họ biết cây mận được trồng như thế nào. Rồi chính họ lại muốn xắn tay áo lao vào vườn thử cõng từng gùi mận lên tới vài chục kí xuống điểm tập kết.

Vào mùa thu hoạch, nhà nào trồng nhiều đều phải thuê thêm người làm mới hái kịp lịch hẹn lái buôn. Nhưng riêng nhà A Tời thì không vì đã có “du khách” làm giúp công việc này rồi.

Cứ thế, vườn mận đã giúp gia đình mình thoát khỏi cái nghèo vươn lên làm giàu với mức thu nhập tương đối ổn định. Nếu cứ tiếp tục duy trì mô hình này thì mỗi năm gia cả nhà cũng dắt túi được tiền trăm triệu.

Tôi nghe A Tời nói mà mắt cay xè. Thu nhập này rõ ràng hơn hẳn anh nhân viên văn phòng thành phố như tôi. Rõ ràng tôi chẳng có thể bao giờ giàu có, đủ đầy như A Tời ở đây.

Như còn điều gì trăn trở, A Tời nhấp một chén rượu ngô cay nồng uống ực một cái, đôi mắt nhìn xa xăm như xoáy vào màn đêm phẳng lặng. Nhưng như thế vẫn là không ổn. Tuy mình giàu nhưng các hộ gia đình khác trong bản vẫn còn nghèo đấy thôi cho dù họ cũng trồng mận như mình.

Dẫu sao thì cách làm du lịch nông nghiệp kiểu của mình vẫn là tự phát. Dịch vụ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống…của du khách hoàn toàn không có gì. Mọi người ở xa lặn lội lên đây ban đầu thấy thích vì họ được thỏa mãn “phần hồn” nhưng đến khi đề cập đến phần xác thì lại ngao ngán, lắc đầu đòi quay về thị trấn Mộc Châu chứ không ở lại bao giờ.

Mình nghe nói, ở bản Lao Chải, Lào Cai nhìn ra dãy Hoàng Liên Sơn có một khu du lịch sinh thái khá độc đáo. Các nhà sàn dân tộc được xây dựng trực tiếp ngay trên ruộng lúa. Sáng sáng, du khách có thể ngồi uống cà phê nhìn người nông dân canh tác bình thường. Ở đó hoàn toàn không có bê tông cốt thép, mọi sinh hoạt của du khách đều gắn chặt với thiên nhiên. Khách tới đây được hít hà không khí trong lành, ăn các món địa phương, rau cỏ organic và tham gia lao động với người địa phương như gặt lúa, trỉa ngô, bẻ bắp…

Nếu đưa mô hình này về vùng trồng mận Mộc Châu này thì giá trị tăng lên gấp bội thay vì chỉ 20.000 đồng như bây giờ.

Những chia sẻ dốc hết ruột gan của A Tời dường như đã đánh thức một cái gì đó trong suy nghĩ của tôi. Ngoài kia, rừng mận Mộc Châu vẫn chìm trong tĩnh lặng, có lẽ thiên nhiên cũng không biết trả lời thế nào cho những băn khoăn của A Tời. Chỉ có anh và những người nông dân gắn bó với mảnh đất này mới có thể thuận nước mà đẩy thuyền đi thôi.

Bạn đang đọc bài viết Mộc Châu mùa mận chín tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục