Aa

Một cách khoe lặng lẽ của lá

Thứ Tư, 03/02/2021 - 08:00

Điều quan trọng là ẩm thực của lá, của hương rừng luôn đọng lại trên môi người dưới xuôi lên núi, họ thưởng thức vị núi rừng, tôi bất chợt nghĩ, thì ra lá cây có cách khoe của lá, thầm lặng trong món ngon ở môi.

Lá cây của núi rừng đã sống như đời sống của một con người sống chậm, nhưng lá cây không chơi với công nghệ 4.0, càng không chơi với anh “phây búc”. Vốn nhiều người trên “phây”, khoe đủ thứ trên đời, khoe nhà giàu, khoe xe sang, khoe thời trang hàng hiệu. Có những người già còn khoe tình, họ đã sống đủ sự từng trải mà không nghĩ xa, thử hướng đến miền Trung sau lũ, năm nay bao có gia đình mất đi một nửa yêu thương của mình hoặc người mất chồng, người mất vợ, nước đã cuốn trôi người theo dòng nước. Họ phải sống đơn độc hoặc cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Dù tết đã về nhưng không còn ai để xum vầy. Anh “phây” vẫn phơi ra sự sung sướng, sự khoe mẽ bao nhiêu thì đồng bào miền Trung lại mủi lòng bấy nhiêu. Và người của vùng lũ đi qua, họ nghèo, họ có quyền không xem máy tính, không xem điện thoại. Họ chọn cách lặng lẽ sống như lá cây, như cỏ hoa trong rừng, khi thì rực rỡ, khi thì tỏa hương thơm với chính núi rừng của mình mà thôi. Có đất biết và cây biết.

Lần này tôi lên Lạc Sơn (Hòa Bình) cách thành phố Hòa Bình hơn 60 cây số chỉ để uống một thứ rượu hoẵng với bác Sùng A Sa, rượu làm bằng men lá của cô con gái gửi biếu cha ruột của mình sau khi đi lấy chồng, theo chồng về sống ở mạn dưới huyện Đà Bắc. Bác A Sa kể rằng, người Dao vùng Đà Bắc làm rượu từ men lá hoẵng, men của lá hoẵng vốn chưng cất với rượu nếp nương, uống không say, nhưng nếu say thì hai ngày một đêm mới tỉnh.

Rượu men lá theo em Lý Thị Nhất thì phải vào rừng kiếm lá hoẵng về, lá hoẵng giã nhuyễn, đem phơi khô, rồi nặn thành từng nắm, vo cho tròn dẹt, mới đem đốt qua rơm. Khi đốt qua rơm không được nướng quá lửa, càng không được để men non lửa, men sẽ không ngon. Người làm men lá phải là người kỹ tính cẩn trọng thì men sẽ vừa độ lửa và ngon. Người Dao Tiền ở Hòa Bình cất men ở gian trữ gạo lúa, khoai ngô và gần tết thì đồ rượu nếp nương rồi ủ men lá hoẵng lên gạo đã đồ chín, họ ủ men với xôi đồ chín tới 2 ngày mới đem ra nấu lên, chưng cất thành từng giọt rượu và gọi là rượu hoẵng mời nhau uống tết.

Khi chưng cất ra thứ rượu ngon, có màu như nước chè pha loãng, rượu ngọt và thơm của lá rừng, khi uống không say. Ngày tết người người chúc rượu thì có người uống ngủ qua ngày qua đêm, chiều hôm sau mới tỉnh lại. Còn rượu làm bằng thóc mầm cũng ngon lắm nhưng rất dễ say. Thứ men của núi rừng thì tự nhiên như cây, cây không hề khoe hương vị của lá. Vốn dĩ đất và núi đá tạo nên hương vị của ngàn cây và con người tựa vào núi rừng để sống. Hoa hồi và thảo quả để làm vị thuốc và nấu phở, vỏ quế để làm thuốc và nấu ăn, cây sâm đất để ngâm rượu…

Lá hoẵng để làm men cũng như lá thơm để đồ xôi, khi người ở núi chắt lấy nghệ vàng để đồ xôi vàng, mang ý nghĩa của  phong thủy tượng trưng cho hành thổ, còn màu trắng của xôi tượng trưng cho hành kim. Màu đỏ lấy từ gấc biểu tượng cho hỏa là lửa, màu tím của nếp cẩm và có nơi nấu xôi với lá nếp màu xanh tượng trưng cho mộc (cây). Xôi ngũ hành đủ năm màu trên mâm cúng trời đất.

Khác biệt với người Dao Tiền Hòa Bình, ở xã Hang Kia Pà Cò người Mông làm du lịch lại lo cho tết trên bàn thờ tổ tiên chỉ với ba cái bánh dày tượng trưng cho trời tròn. Còn món thịt chua, thịt được gói với thính gạo rang, họ ủ để cho thịt ăn có vị chua với vị bùi của gạo, ăn với ớt khô hạt tiêu xanh. Trong ba ngày tết họ không ăn rau, họ quan niệm để cho cây rau sinh sôi nảy mầm cho cả năm, cho đất trời xanh lộc biếc. Tết của người Mông ở Hang Kia - Pà Cò chỉ ăn cơm với toàn các loại thịt như thịt bò, thịt trâu gác bếp và bánh dày. Gia đình nào cũng gói bánh chưng, dù có gói bánh chưng thì họ vẫn không dâng lên ban thờ tổ tiên mà chỉ để ăn thôi. Anh Sùng A Thông kể về cái tết của người Mông ở Hòa Bình thuộc xã Hang Kia - Pà Cò nó đặc biệt như vậy. Còn rượu thì uống xả láng, không say không về.

Món thịt chua của người Thái Hòa Bình. (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

Cũng có huyện miền núi Hòa Bình, hay gói bánh tình yêu ăn trong ngày tết, họ mời nhau bánh nếp tình yêu và bánh ốc hình tam giác, gói như gói bánh chưng trong bánh có nhân thịt và không có đậu. Có nơi gói bánh tro hình tam giác ăn với mật mía. Tết ở người sống trên núi cao nhưng trò chơi cũng gắn với tre nứa, họ chơi đu, chơi kéo co trên một cây tre, chơi ném còn và họ múa khèn. Người Mông múa khèn, con gái thì khoe mũ, váy áo thêu thùa và theo tục lệ phải đủ bộ theo đúng văn hóa truyền thống khi con gái chuẩn bị về nhà chồng.

Tết của bà con người Mường và người Dao Tiền cũng có nhiều rượu thịt. Họ mời nhau trên các mâm có lá chuối và trang trí rất đẹp. Đặc biệt ở bản Lác (Mai Châu), khi người Thái làm du lịch đến độ chuyên nghiệp thì mâm cỗ hay cỗ tết họ bày biện rất đẹp mắt. Họ ăn tết trên mâm cỗ và ăn cả bằng mắt nữa, họ trình bày món ngon, đẹp cho thực khách đi chơi tết và ăn tết với đồng bào mình. Cái mâm cỗ tết bày trên chiếc mẹt lót lá chuối, có các món ngon như: Cá nướng, thịt nướng, xôi đồ trên chõ gỗ rất ngon và đây là nơi ẩm thực còn níu chân du khách.

Đến với Hòa Bình, chạm chân đến cửa ngõ, phên giậu của miền Tây Bắc, nơi có nhiều điểm du lịch thu hút khách bốn phương và hơn thế, món ngon của tỉnh Hòa Bình cũng có sức hấp dẫn riêng. Hương lá của núi rừng vốn bình dị, không khoa trương, nó đủ vị đậm đà để níu giữ chân thực khách.

Ngay cả sự gặp gỡ, họ tay bắt mặt mừng, cách thể hiện sự mến khách của bà con người Mường, người Dao Tiền hay người Mông, người Thái, họ vẫn giữ được nét ấm áp chân tình khi giao tiếp với du khách bốn phương, điều này giống như sợi chỉ hồng buộc chân lữ khách lần đầu đến thăm bản.

Và điều quan trọng nữa là ẩm thực của lá của hương rừng vẫn luôn đọng lại trên môi người dưới xuôi lên núi, họ thưởng thức vị của núi rừng, tôi bất chợt nghĩ, thì ra lá cây có cách khoe của lá, thầm lặng trong món ngon ở môi, để đời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top