Aa

Mùa lũ quê tôi

Thứ Bảy, 31/10/2020 - 10:00

Những người biết đem từng bước chân yêu thương để đi vào cuộc đời với tinh thần Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật.

1. Tôi kể lại câu chuyện này từ chuyến đi sau những ngày Miền Trung của tôi vừa oằn mình qua bão lụt. Một trận lụt lịch sử và một cơn bão mạnh chưa từng có từ trước tới giờ. Dẫu người Miền Trung đã quá quen cùng bão lũ: 

Năm nay lại lụt trắng đồng

Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng

Làng ta lại lóp ngóp làng

Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng.

Những tiếng ếch nhái giữa mênh mông mất mát đau thương phận người vẫn hoang hoải cả lòng năm này qua năm khác. Cái khó quẩn thêm khó, nghèo lại nối thêm nghèo. Bão lũ ngập trời, phận người ngoi ngóp. Những con người khốn cùng còn một căn nhà tan hoang phải ngồi trên nóc nhà, đập ngói kêu cứu giữa đêm khuya nước lũ dâng lên.

Có những con người còn nước mắt hòa nước lũ, bụng đói đi hàng chục cây số và òa khóc khi được cầm cái bánh chưng. (Ảnh sưu tầm) 

Có những con người còn nước mắt hòa nước lũ, bụng đói đi hàng chục cây số và òa khóc khi được cầm cái bánh chưng. Thuở xưa Lang Liêu gói bánh tượng trưng cho trời đất, cho vạn vật sinh sôi. Chiếc bánh tượng trưng cho lòng hiếu để dâng tổ tiên.. Chiếc bánh cũng tượng trưng cho tình dân tộc và nghĩa đồng bào. Cho nên, ai đó ở đâu nói rằng gói bánh chưng là mất công, là rườm rà. Tôi lại thấy cái nết hồn nhiên từ tâm thức dân tộc khi người ta bảo nhau cùng gói bánh gửi cho bà con, đó chính là bởi tình và nghĩa ấy.

2. Có dân tộc nào như dân tộc mình. Khi “khúc ruột” Miền Trung chìm trong lũ lụt, từng đoàn xe đi cứu trợ mà tắc cả đoạn đường.. Có dân tộc nào như dân tộc mình? Cô ca sĩ chân yếu tay mềm xà vào chung tay cùng giúp bà con trong những ngày nước lũ đang dâng cuồn cuộn, mưa gió bã bời. Người người khắp nơi ai ai cũng nghĩ đến xem làm được gì để giúp cho Miền Trung. 

Thương “khúc ruột” của mình đau nỗi đau mất mát, đau nỗi tang thương. Những người cha người mẹ mất con, những người con mất cả mẹ cha nhà cửa. Rồi những con người vốn đã đau bệnh lại thêm đói rét khốn cùng. Thương, nên không quản ngại nề hà. Thương, nên lội nước đến ghẻ lở, giữa bão lũ vẫn nóng lòng chỉ muốn có mặt ngay bên bà con mình đang khó khăn, đang thiếu nước thiếu ăn, đang kêu cứu, đang khóc nỗi đau của mất mát tang thương..

Và, cũng trong lần bão lũ này, đi đâu người ta cũng thấy một màu áo quen thuộc. Họ đã có mặt. Họ đem đến từng chai dầu, chai nước mắm, rau củ, gạo,tiền và nhiều nhiều các như yếu phẩm khác cho bà con.

Họ đến từ khắp mọi nơi. Họ hô hào, kêu gọi...

Họ đích thân lặn lội trong lũ để đến với bà con.

Họ đem sự an ủi, tình nghĩa và sự no ấm cho bà con đang đói rét thiếu thốn lâu ngày trong mưa lũ.

Họ làm cho dân quê tôi thấy phấn khởi, tươi tắn, quên đi mệt nhọc khó khăn phía trước...

Họ là ai thế?

Họ là những người Đồng bào, người con của đất nước này, như hàng trăm ngàn người dân Việt, nhưng họ khác, bởi họ được dạy phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật...

Họ là những tu sĩ Phật giáo.

Họ là những Phật tử Việt Nam.

Họ có mặt với tư cách cá nhân. Họ có mặt với tư cách là Chủ chùa, trú trì các trú xứ Già lam.

Họ có mặt trong các đoàn thể, từ xã hội, Giáo hội, Mặt trân... để đồng hành, để phụng sự.

Họ đã đi... đi không mệt mỏi vì người Đồng bào, vì bà con nhân dân miền Trung hôm nay.

Họ đã đi và làm như thế hơn 20 thế kỷ qua để đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trải qua bao biến cố thăng trầm vinh nhục của quốc gia Đại Việt, vì dân tộc để luôn đặt lợi ích đồng bào mình lên trên hết mà hy sinh.

Hôm nay, trong thảm họa họ đã có mặt, sớm nhất, nhanh nhất và trải rộng khắp nhất để đến với người dân miền Trung.

Có một cuốn sách đã viết như thay lời muốn nói, xin ghi lại để chia sẻ cùng quý vị trong tản mạn này, chúng ta cho đi nhưng sẽ nhận lại được nhiều hơn. Đó là hạnh phúc khi giúp đỡ được cho tha nhân, là nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ và sự biết ơn của những người làm cha, làm mẹ còn đang trong cảnh vất vả khó nghèo, còn bịnh tật dày vò.

Nếu đến với Phật pháp, cúng dường đức Phật rồi xem thường những bậc thấp hơn đức Phật, cúng dường thánh tăng rồi xem thường những vị thấp hơn thánh tăng thì giá trị công đức của sự cúng dường trong trường hợp này không cao. Lương tâm của sự phục vụ, chất liệu thiện ích, lòng vị tha, sự hướng thượng nhiều chừng nào trong lúc hành thiện thì giá trị công đức cũng tỷ lệ thuận và gia tăng chừng đó. Đức Phật đặt chúng ta trong cảnh huống dấn thân làm việc cộng đồng, phục vụ xã hội ở nhiều khuynh hướng giá trị chứ không phải cúng dường đức Phật bằng cách đốt hương, dâng hoa quả, đảnh lễ. Ngài không cần những thứ này. 

Ngài thành đạo không phải để được lạy lục, cúng dường, xưng tụng mà ngài thành đạo để truyền bá con đường hạnh phúc an vui thông qua những sự dấn thân phục vụ cho cộng đồng và xã hội. (Con đường an vui). Biết như thế, tự hào vì thế, để tiếp tục sứ mạng ấy của người con Việt, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Và tiếp tục sứ mạng của người con Phật. Những người biết đem từng bước chân yêu thương để đi vào cuộc đời với tinh thần Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật.

3. Nơi đây, mảnh đất miền Trung nắng lửa khô cằn, quanh năm mưa lũ và cái nắng thì gắt bỏng này vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, vẫn còn nhiều những giọt nước mắt lăn dài theo tháng năm vất vả nhọc nhằn...

Trưa xứ Quảng Trị, chúng tôi đến thăm một vài gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Gia đình đầu tiên mà chúng tôi đến chỉ còn mấy em nhỏ mồ côi... Bố ung thư mất cách đây hai năm. Người mẹ một mình tần tảo hôm sớm thay chồng gánh vác gia đình, chăm lo các con.. Vậy mà nghiệt ngã thay, căn bệnh ung thư tìm đến, hành dạ, dày vò cơ thể. Chị đã trút hơi thở cuối cùng cách đây mấy ngày, bỏ lại 4 đứa con thơ bơ vơ trong căn nhà lạnh lẽo trống vắng. Đứa lớn đã từng vào SG mưu sinh, chị kế cũng vừa tốt nghiệp Đại học.

Em trai năm nay vào 12 và em gái út đang học lớp 6. Mất bố mất mẹ là cái mất lớn vô cùng không có gì thay thế được. Nhìn mấy chị em trong căn nhà trống vắng, lạnh lẽo tôi nghẹn ngào chẳng biết nói gì. Chỉ mong các bé cố gắng, vượt qua số phận và nâng đỡ nhau để trưởng thành và vững bước đi vào cuộc đời. Mong có những bàn tay từ cuộc đời nâng đỡ để bớt đi phần nào những chơ vơ cơ cực của các em...

Theo một hướng khác, vẫn trên con đường đất nằm giữa cánh đồng và mương nước, chúng tôi đi vào con đường đất lớn hơn. Có lẽ từ ngày có bước chân chúa Nguyễn Hoàng vào đây đến giờ nếu không nói là từ ngàn xưa, dân chúng nơi đây vẫn đi lại trên con đường đất này. Đây là con đường liên xã, nối liền 3 xã: Hải Xuân, Hải Quy và Hải Vĩnh. Gặp một số người tôi kể với họ là vẫn có những con đường liên xã ở quê tôi là đường đất, họ không tin. Tất cả giao thương buôn bán đi lại về huyện lỵ Hải Lăng và học sinh đi học đều phải đi trên con đường này. Đến mùa mưa thì sình lầy và hố voi to. Do xe chở vật liệu, loại xe tải nhỏ chạy qua nên đường xá sình lầy hư hại nặng nề.

Căn nhà thứ 2 nằm ven sông Vĩnh. Dọc đường liên xã này là một căn nhà có cháu gái đầu bị tâm thần. Mẹ hở van tim, bố đã mất. Căn nhà được xây dựng do hội Chử Thập Đỏ cất tặng. Trong nhà chẳng có lấy thứ đồ đạc gì giá trị. Xót lòng trước cảnh mấy mẹ con lay lắt rau cháo nương vào nhau.

Nhà thứ ba là một cháu trai mười mấy tuổi bại não và bị liệt từ trong bào thai, do di chứng những ngày tháng bố đi bộ đội. Bố mẹ đi làm, không dám để con trên giường sợ té nên để nằm trên sàn cho cháu út nhỏ tuổi trông. Đã mười mấy năm trời cậu bé cứ nằm như vậy, mọi sinh hoạt đểu không thể làm. Cứ lăn qua lăn lại với khuôn mặt ngô nghê và ánh mắt vô hôn dưới manh chiếu trải giữa nhà và có khi thì chỉ nằm không như thế.

Mẹ cha đau lòng, nghĩ đến con thì thắt ruột gan, cuộc sống đã nghèo lại thêm khó, đã nhọc nhằn lại thêm những khổ đau. Chúng tôi trở về. Con đường làng quanh co quen thuộc như xa xăm.. Không gian xung quanh cũng chùng xuống giữa những dòng tâm tưởng. Chỉ một việc tốt nhỏ nhoi thôi cũng có thể đem lại sự thay đổi. Và mỗi người góp sức 1 chút thôi cũng đủ bớt đi bao nhiêu gánh nhọc nhằn, bao nhiêu nước mắt và mang tới những ấm áp, những hy vọng cho 1 ngày trong tương lai.. Nếu có lòng thực sự cảm thông đến bao kiếp sống đang thiếu quá nhiều may mắn để vươn lên…tối thiểu cũng lo được cho chính mình miếng ăn hàng ngày - Chỉ cần chúng ta bớt chút đỉnh trong tiêu xài của mình...

Ở đâu giàu có an nhàn

Ở đây nắng dội mưa chan ngày ngày

Ở đâu cơm Nhật rượu Tây

Ở đây khoai sắn là may lắm rồi

Câu thơ tưởng như nói về thời xưa nào đó, mà xót xa thay nó vẫn đúng ở thế kỷ 21 đầy hiện đại này. Ngay nơi làng quê tôi, đói rét, bệnh tật và cái nghèo đeo đẳng. Tôi đi nhiều nơi, làm nhiều chương trình ủng hộ và cứu trợ cho bà con dân tộc mình mới thấy, người Việt mình có những đúc kết rất hay, ví dụ như: “Có thực mới vực được đạo”. 

Hiểu đơn giản là, trước khi muốn người ta nghe mình nói về đạo lý gì, dù hay đến đâu, thì ít nhất, bụng họ phải no đã. Trao pháp nuôi tâm đáng quý vô cùng, nhưng cho thức ăn nuôi thân cũng là vô cùng quan trọng nên tùy thời, tùy duyên mới là thuận pháp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top