Aa

Mua nhà qua QR Code, tương lai không còn xa vời

Thứ Năm, 01/11/2018 - 03:30

Hình thức QR Code không còn xa lạ tại Việt Nam và ngày càng trở nên phổ biến khi mang lại nhiều sự tiện lợi cũng như tính bảo mật cao. Cũng vì thế, nó đang dần được ứng dụng nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

QR Code là gì?

Mã QR một mã ma trận (hay mã vạch hai chiều) được phát triển bởi Công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response", trong tiếng Anh có nghĩa là đáp ứng nhanh, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao. Các mã QR được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản, và hiện là loại mã hai chiều thông dụng nhất ở Nhật Bản.

Mặc dù lúc đầu mã QR được dùng để theo dõi các bộ phận trong sản xuất xe hơi, hiện nay nó được dùng trong quản lý kiểm kê ở nhiều ngành khác nhau với một thiết bị chuyên dụng. Nhưng sau đó, nó nhanh chóng được mở rộng và phát triển, và chỉ cần một điện thoại di động có gắn camera (camera phone) là người dùng có thể sử dụng QR Code.

Một mã QR có thể chứa đựng rất nhiều thông tin như thông tin về một sản phẩm, một sự kiện, thông tin liên hệ, địa chỉ email, website, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản hay thậm chí là thông tin định vị vị trí địa lý. Tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng, mà QR Code sẽ được nạp các thông tin các khác nhau và tùy vào thiết bị đọc mã QR mà bạn dùng khi quét nó sẽ hiện thị ra các định dạng thông tin khác nhau.

Mã QR cũng tương tự mã vạch truyền thống bạn thường thấy trên các thùng hàng, các sản phẩm được người bán lẻ theo dõi quản lý kho hàng và giá sản phẩm trong kinh doanh. Điểm khác nhau giữa mã QR và mã vạch truyền thống là lượng dữ liệu chúng nắm giữ hay chia sẻ. Các mã vạch truyền thống có các đường vạch thẳng dài một chiều và chỉ có thể lưu giữ 20 số chữ số, trong khi các mã QR hai chiều có thể lưu giữ thông tin hàng ngàn ký tự chữ số. Mã QR nắm giữ nhiều thông tin hơn và tính chất dễ dùng sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp nhỏ.

Tương tự như các chuỗi mã blockchain, QR code có đặc điểm nạp thông tin dữ liệu lớn, nhưng đảm bảo tính bảo mật cao hơn, đồng thời dễ sử dụng hơn, kết nối thông tin nhanh hơn nên QR Code nhanh chóng được ứng dụng nhiều trong thời gian gần đây. Không chỉ thay thế cho các thông tin thông thường, các QR Code có thể chứa đựng và bảo mật các thông tin chuyên sâu và nhạy cảm, vừa nhận dạng vừa truy xuất vì thế nó cũng đang được rất nhiều đơn vị sử dụng như hoạt động nhằm giảm thời gian giao tiếp thông tin, giảm thời gian giao dịch hay thanh toán cho các khách hàng.

QR Code trong lĩnh vực bất động sản

Với tem QR Code, doanh nghiệp có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm, qua đó nâng cao uy tín và chất lượng phục vụ. Sau thao tác quét mã QR Code, các thông tin như nhà sản xuất, tên sản phẩm, thông tin link web, giá, hình ảnh về sản phẩm, quy trình sản xuất... sẽ được gửi đến người tiêu dùng đầy đủ, rõ ràng, chính xác và nhanh chóng. Điều này cũng góp phần làm cho thông tin về sản phẩm trở nên sống động, đầy đủ hơn.

Với cách thức hoạt động như vậy, không khó hiểu QR Code hiện nay đang dần được các doanh nghiệp địa ốc quan tâm và coi là công nghệ hàng đầu cần phải áp dụng để đơn giản hóa các quy trình thủ tục cho việc bán hàng và chăm sóc khách hàng.

Sau giai đoạn bùng nổ internet, mạng xã hội, rất nhiều thông tin hiện nay bị sai lệch do mỗi môi giới cung cấp một kiểu. Điều này khiến cho khách hàng luôn vất vả tìm kiếm thông tin chính thống từ chủ đầu tư hoặc có tìm ra được thì mất rất nhiều thời gian, công sức bỏ ra. Vì thế, để đảm bảo thông tin chính thống hơn đến với khách hàng thì QR Code là cách thức khá phù hợp.

Vì việc xây dựng các QR Code vô cùng đơn giản, mỗi dự án, mỗi căn hộ đều có thể tự xây dựng QR Code mà không sợ bị nhái lại. Khi đó, khách hàng muốn mua chỉ cần sử dụng điện thoại smartphone là có thể truy xuất nguồn gốc giao dịch thông tin về dự án, từ đó giúp khách hàng có cơ sở nhận định về chất lượng cùng tính chính hãng của sản phẩm trước khi mua.

Ngoài việc có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tem QR Code của iCheck còn có khả năng thay thế tem bảo hành, nhờ vậy tiết kiệm tiền bạc, thời gian và nhân lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, QR Code cũng có thể sử dụng thay thế cho các phương pháp giao dịch như đặt cọc, thanh toán theo tiến độ, thanh toán các chi phí khác có liên quan…

Khách hàng là người trực tiếp nhập, xác nhận số tiền cần thanh toán trên điện thoại di động của mình, thay vì nhân viên cửa hàng quẹt thẻ qua POS và nhập số tiền thanh toán. Qua đó, giảm thiểu rủi ro sai lệch về số tiền thanh toán cho khách hàng và không lo bị đánh cắp thông tin thẻ như giao dịch thanh toán cà thẻ thông thường.

Việc thanh toán cho các giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng internet, trên các trang website bán hàng có thể thực hiện một cách dễ dàng, an toàn, tiện lợi hơn. Thay vì việc phải nhập các thông tin thẻ trên trang thanh toán, khách hàng chỉ cần scan QR Code được hiển thị là có thể thanh toán.

Chưa kể, dự án sau khi được gắn tem QR Code của iCheck và quét bởi app iCheck Scanner sẽ nhận được dấu tích xanh gắn trên logo tài khoản doanh nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ nhận thêm sự tín nhiệm của người tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh thu bán hàng.

Dẫu vậy, cũng cần lưu ý rằng, dù ích lớn nhất của thanh toán qua QR Code là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người dùng cũng như các đơn vị cung cấp. Song trước nay chỉ riêng mã QR đã có nhiều đơn vị khác nhau cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Do đó, khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, dễ khiến thị trường bị chia cắt và người dùng thấy bất tiện.

Thêm nữa, để phục vụ đa dạng khách hàng (do mỗi đơn vị bán hàng, mỗi môi giới lại sử dụng dịch vụ thanh toán qua QR Code của một tổ chức cung cấp khác nhau), người cung cấp sẽ phải dán, lưu trữ, cài đặt ứng dụng của nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán dẫn tới khó khăn cho chính khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch.

Việc này “dễ khiến nhân viên thu ngân bị nhầm lẫn trong việc cung cấp QR Code cho khách hàng, đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc đối soát, tra soát giao dịch thanh toán phát sinh tại cửa hàng (do phải đối soát theo từng QR Code)”.

Do vậy, khi thị trường phát triển mở rộng, cơ quan quản lý cần phải xây dựng một quy trình chuẩn cung cấp các mã QR Code thống nhất để từ đó giảm thiểu các mã trùng nhau, tránh gây lãng phí cho nguồn lực của ngân hàng, tốn kém chi phí phát triển mạng lưới qua QR Code của tổ chức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top