Trải bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử, Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn là di tích có giá trị văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của nhân loại kể từ khi phát hiện vào năm 1898.

Nghệ thuật kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ khi Thánh địa có một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Nhiều tháp đã bị thời gian phong hóa nhưng dấu tích nền tháp thì vẫn còn nguyên vẹn.
Men theo con đường mòn ngoằn ngoèo về dãy núi thấp ở hướng Tây là đến Thánh địa nằm trong lòng một thung lũng, một quần thể kiến trúc cổ gồm nhiều đền tháp độc đáo của người Chăm. 

Một người Pháp có tên là M.C Paris đã phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm. Các nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp sau đó đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc ở Mỹ Sơn. Họ chính là những người đã vén bức màn bí mật về Mỹ Sơn, khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chăm Pa, xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm.

Điểm nhấn nổi bật ở Mỹ Sơn là những kiến trúc Chăm Pa cổ dường như tượng thần Siva, hình trang trí được tạo tác ngay trên gạch của thân tháp hoặc được đắp bằng sa thạch…
… và dù liên tục tu sửa và xây mới trong suốt các triều đại vua Chăm Pa trải qua nhiều thế kỷ thì mỗi tháp thờ đều mang dấu ấn lịch sử và kiến trúc đặc sắc riêng.
Đền tháp ở Mỹ Sơn đều có hình chóp tứ giác, xây bằng gạch đỏ, không có hồ phủ ngoài, giữa các viên gạch không có mạch vữa.
Thánh địa là nơi thờ tự của người Chăm Pa cổ theo đạo Hindu, tôn thần Siva làm vị thần tối cao và lấy biểu tượng Linga - Yoni làm linh vật thờ chính. Linga tượng trưng cho dương, sinh thực khí nam và âm là Yoni, sinh thực khí nữ.

Là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp, Mỹ Sơn mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chăm Pa. Khởi công từ thế kỷ IV bởi vua Bhadravarman (từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Chăm Pa. 

Đây là vùng đất được dâng cúng cho các vị thần, là chốn linh địa dành cho các thể thức, nghi lễ tôn giáo, nên hậu thế sau này gọi Thánh địa Mỹ Sơn là Thung lũng Thánh thần.
Những ngôi đền, tháp tại Mỹ Sơn được xây bằng gạch nung, với các cột đá và được trang trí phù điêu bằng đá sa thạch, thể hiện các cảnh trong thần thoại Hindu.

Các nghệ nhân người Chăm dường như đã thổi hồn vào tượng đất nung, đá sa thạch khiến các mảng tường gạch bên ngoài các ngôi tháp cổ khiến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, văn hóa khu vực Đông Nam Á. Đến nay, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu được kỹ năng nung gạch và gọi tên được chất kết dính mà người Chăm cổ dùng để xây nên những khối tháp không một mạch vữa mà trường tồn hàng ngàn năm giữa núi rừng khắc nghiệt.

Trải qua những thăng trầm lịch sử và biến động vật chất, ngày nay, những ngôi đền đó chỉ còn là những phế tích song vẫn được coi là những công trình quan trọng, minh chứng cho một triều đại rực rỡ.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva, đấng bảo hộ của các dòng vua Chăm Pa.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và biến động vật chất, Thánh địa Mỹ Sơn ngày nay chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Tuy vậy, những kiến trúc Chăm Pa cổ dường như vẫn còn nguyên vẹn như tượng thần Siva, bia đá, các linh vật cùng hệ thống đền tháp xưa, phần lớn quay về hướng Đông - phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh. Chỉ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông - Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên./.

Trọng Chính
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận