Aa

Nam Sài Gòn “thất thủ”, Tây Bắc sắp lên ngôi?

Thứ Bảy, 03/11/2018 - 14:01

Nam Sài Gòn “thất thủ”, Tây Bắc sắp lên ngôi?; Ồ ạt bán cắt lỗ căn hộ gói vay 30.000 tỷ đồng; “Xẻ thịt” đất công: Vì sao vẫn xử lý kiểu "mèo vờn chuột"?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nam Sài Gòn “thất thủ”, Tây Bắc sắp lên ngôi?

Trước đây TP.HCM ưu tiên phát triển về 2 hướng Đông và Nam. Trước vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, TP cần xem xét điều chỉnh lại và Tây Bắc là hướng có nhiều điều kiện để phát triển đô thị. Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Quy hoạch Đô thị TP.HCM: Thực tiễn và Cơ hội đầu tư”.

Tại buổi hội thảo, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, cho biết, Bản quy hoạch chung của TP được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010, đến nay đã trải qua thời gian thực hiện khoảng 8 năm. TP đang có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung. Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao thực hiện nghiên cứu bước đầu cho việc điều chỉnh quy hoạch.

Có 3 lý do điều chỉnh quy hoạch. Thứ nhất, TP.HCM nằm trong “vùng TP.HCM” gồm 8 tỉnh, thành. Tháng 12/2017, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch “vùng TP.HCM” đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, đặt ra yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chung TP cho phù hợp với định hướng chung của toàn vùng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ồ ạt bán cắt lỗ căn hộ gói vay 30.000 tỷ đồng

Được coi là một “ 1 mũi tên trúng 2 đích”, gói vay 30.000 tỷ đồng xuất hiện nhằm tạo đà kích cầu cho thị trường bất động sản năm 2014, đồng thời hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp tiếp cận cơ hội an cư lạc nghiệp tại Hà Nội.

Theo đó, điều kiện cần để được xét duyệt hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ là chủ đầu tư dự án phải được ngân hàng thẩm định kĩ về năng lực tài chính, xây dựng trước khi quyết định ký kết hợp đồng tín dụng liên kết. Và điều kiện đủ là diện tích căn hộ phải nhỏ hơn 70m2, đơn giá phải dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị ghi trên hợp đồng đã bao gồm VAT không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Đến thời điểm năm 2016, gói vay 30.000 tỷ đồng bước vào giai đoạn “giải ngân ồ ạt” sau gần 2 năm triển khai chậm chạp, thay vì điều kiện là nhà ở xã hội mới được vay gói 30.000 tỷ đồng thì ngay cả những chung cư thương mại cũng cho phép người dân mua nhà được tận hưởng ưu đãi này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô: Nhiều cơ sở kinh doanh vẫn hoạt động sau cưỡng chế

Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để xây dựng bãi đỗ xe được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 31/5/2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Thương mại và Dịch vụ, phần diện tích sau Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô rộng hơn 14.000m2. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, công trình bãi gửi xe và công trình phụ trợ đâu không thấy, thay vào đó là sự phát triển của hàng loạt các nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại,… trên các mảnh đất đã được chia lô. Tình trạng này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng, gây thất thoát nguồn lực Nhà nước.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 17/5/2018, UBND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân cưỡng chế hàng loạt công trình, cơ sở kinh doanh trong danh sách 42 công trình vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Trước khi cưỡng chế, các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy đã gửi thông báo đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh liên quan trên đoạn đường bị cưỡng chế sớm di chuyển trả lại mặt bằng. Các trường hợp không chấp hành, quận tổ chức cưỡng chế xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vào thời điểm đó, nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh cũng đã tự giác bàn giao lại mặt bằng. Các công trình còn lại cũng đã bị cưỡng chế tháo dỡ và quây tôn để tránh tình trạng tái hoạt động trở lại của các cơ sở này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đà Nẵng: Giả văn bản, chữ ký của Chủ tịch UBND thành phố để đẩy giá đất "sốt ảo"

Ngày 1/11, Tổ Công tác Thông tin báo chí thành phố phát đi thông cáo cho biết Phòng Quản lý đô thị - Văn phòng UBND thành phố chính thức khẳng định văn bản được đăng tải trên các trang mạng xã hội “v/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân” là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật. Các đối tượng đã giả chữ ký của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhằm ý đồ tạo cơn sốt đất ảo trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.

Văn bản giả chữ ký của Chủ tịch UBND TP lan truyền trên nhiều tài khoản mạng xã hội zalo, tài khoản có tên “Trung Cty Nong Thon HN” đăng tải ảnh 2 văn bản và 1 chồng sổ đỏ với nội dung “Cầu chưa làm, đất đã sốt”.

Công văn giả này có ghi số là 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31/10/2018, cho là Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ ký với tiêu đề “v/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”, và nơi gửi của văn bản giả này là đến các cơ quan bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND quận Cẩm Lệ, và UBND quận Ngũ Hành Sơn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Xẻ thịt” đất công: Vì sao vẫn xử lý kiểu "mèo vờn chuột"?

Chưa bao giờ vấn đề sử dụng và quản lý đất công lại trở nên nhức nhối như bây giờ. Phải chăng đất công vẫn chưa được coi là “mỏ vàng” để phục vụ cho những mục đích công cộng hay chính vì nó quá “béo bở” nên nghiễm nhiên trở thành đối tượng để các nhóm lợi ích xâu xé? Dẫn đến một thực tế là hình hài của những khu đất này đang ngày càng bị “đục khoét” đến biến dạng trong khi người dân vẫn phải mòn mỏi chờ đợi những dự án chưa có dấu hiệu thành hình.

Các công trình kiên cố mọc lên trên đất tạm quy hoạch xây dựng công viên thể thao cây xanh Hà Đông vẫn ngang nhiên tồn tại.

Các công trình kiên cố mọc lên trên đất tạm quy hoạch xây dựng công viên thể thao cây xanh Hà Đông vẫn ngang nhiên tồn tại.

Điều kì lạ, mỗi năm thanh tra xây dựng đều điểm mặt, chỉ tên hàng loạt những sai phạm và đề nghị xử lý những dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, bị “xẻ thịt” để kinh doanh, sử dụng sai mục đích nhưng số lượng dự án thật sự bị thu hồi chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như dự án công viên Tuổi trẻ thủ đô bị xẻ thịt cho thuê xây dựng nhà hàng, sân tenis… để kinh doanh gần chục năm nay, UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần chỉ rõ sai phạm và yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương tổ chức, xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại công viên này và chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ, kết quả xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mọi xử lý dường như chỉ nằm trên giấy. Các khu đất quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng vẫn đang ngang nghiên bị “xẻ thịt”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top