Aa

Nếp nhà và giá trị Tết Việt

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Bảy, 17/02/2018 - 06:00

Gần đây, mỗi năm Tết đến, xuân về, nhiều người lại bàn luận câu chuyện nên bỏ hay giữ Tết truyền thống, thế nhưng khi những tranh cãi ấy vẫn chưa có hồi kết, khi những cơn mưa xuân nồng nàn trở về thì con người ta vẫn mong chờ, hy vọng và gửi tới nhau lời chúc tốt đẹp để chào đón một năm với những vận hội mới. Đó là bởi Tết truyền thống của người Việt chứa đựng những bí mật giản dị nhưng kỳ diệu.

Cà phê cuối tuần trong ngày mùng 2 Tết âm lịch là cuộc trò chuyện, chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà văn Tạ Duy Anh về chủ đề "Nếp nhà và giá trị Tết Việt".

Thiết kế: Thế Công

Thiết kế: Thế Công

PV: Vài năm gần đây, người ta tranh luận nhiều về câu chuyện bỏ Tết cổ truyền, gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch hay than phiền rằng, Tết Nguyên đán đã phai nhạt đi nhiều, kéo theo hệ luỵ phiền phức. Nhưng dường như họ chưa nhìn nhận vào những giá trị cốt lõi của Tết Việt?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Nhiều người nhớ Tết là nhớ bánh chưng, thịt đông, giò thủ, riêng tôi thì không khí những ngày trước tết là “đặc sản” của văn hóa Việt. Tôi không biết những dân tộc cùng chung Tết với chúng ta, họ chuẩn bị như thế nào, chứ người Việt đón Tết còn là đón tương lai, đón những cơ may mới, đón không khí đầy sức sống. Vì thế, không khí những ngày trước Tết, bắt đầu từ Tết ông Táo cho đến Giao thừa, là khoảng thời gian tuyệt đẹp về mặt sinh thái và tinh thần. Nó rất đặc biệt về mặt cảm xúc. Già, trẻ đều có chung tâm trạng phấn khích, háo hức và đó là điều cực hiếm. Không có khoảng thời gian nào trong năm làm được điều đó. Có cảm giác tổ tiên cũng quây về bên con cháu, che chở, phù trợ. Có cảm giác trời đất cũng rộng rãi hơn, hiền hậu hơn ngày thường. Năm nào hành trình ấy cũng lặp lại. Nhưng “hương vị” của những ngày đặc biệt đó thì luôn mới, không năm nào giống năm nào.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Người ta cứ nói bỏ Tết, nhưng theo tôi, không thể bỏ được vì ở đó chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững. Cho đến giờ, Tết sâu đậm nhất trong tôi vẫn là hình ảnh của hơn 60 năm về trước, sáng mùng 1, bố mặc áo the khăn xếp, dẫn theo một đàn con là chị em chúng tôi, cũng áo dài chỉnh tề, đi trên con đường đê Yên Phụ về thăm nhà các bác. Anh chị em được tụ tập, cùng nhau háo hức chơi các trò chơi dân gian. Tuổi thơ khi ấy cứ ngập tràn trong thiên nhiên, bình yên vô cùng.

Nay, gần đến Tết lại đúng vào dịp giỗ bố tôi nên trở thành dịp các anh chị em gặp gỡ, quây quần đông đủ để thắp nén nhang cho bố mẹ, ngồi tâm sự, ôn lại ký ức thời thơ ấu, chia sẻ với nhau những vui, buồn. Trong thời khắc thiêng liêng của cuộc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, quá khứ và hiện tại như gặp nhau, nó gieo vào cho chúng ta sự kết nối và tình yêu thương. Đó là giá trị vô hình mà Tết cổ truyền mang lại.

Điều thứ hai tôi muốn nói đến là không khí rộn ràng của những ngày xuân. Hằng năm, cứ bước vào những ngày tháng Chạp, tôi lại đạp xe thong dong qua những con phố để ngắm nhìn một Hà Nội rất đẹp. Tôi lòng vòng đi qua phố Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân, rồi qua chợ Quảng An, Tứ Liên, đi dọc sông Hồng để ngắm nhìn đào, quất và muôn loài hoa xuân đua nở, không khí và vạn vật như căng tràn nhựa sống. Nó đem đến cho lòng người một niềm vui, sự hứng khởi. Và nếu không có Tết cổ truyền, tôi nghĩ không thể có được cảm giác này.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi thích Tết. Một sự thích thú bền bỉ, kiên tâm và thường trực. Dẫu ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, sự thích thú lại có chút biến thiên theo môi trường sống và tuổi tác, thì tôi vẫn luôn mong đến Tết, trong tâm thế của sự náo nức, an yên bên những người thân yêu. Với tôi, ý nghĩa của Tết Nguyên Đán nằm ở sự sum họp, quây quần của đông đủ con cháu bên ông bà và cha mẹ. Một cái Tết sung túc, vì thế, không nằm ở những mâm cỗ thịnh soạn, mà chính là sự tròn đầy của tình cảm gia đình.

Vào ngày 30 hay sáng mùng 1 Tết, cả gia đình thường quây quần, cùng thành kính thắp nén hương ở ban thờ tổ tiên, sự quy tụ này có thể trong thời gian rất ngắn nhưng lại làm cho các thành viên trong gia đình cảm thấy yên lòng trong cả một năm tiếp theo. Đó chính là điểm tựa về mặt tinh thần, cũng là sự kết nối, ràng buộc những người trong gia đình lại với nhau.

PV: Một trong những ý nghĩa lớn nhất của Tết cổ truyền là sự đoàn viên, nhưng dường như trong cuộc sống hiện đại, chính điều này cũng đang bị thay đổi. Nhiều người lựa chọn đi du lịch thay vì trở về quê hương?

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Năm 2016, tôi và một bạn rủ nhau lên Sa Pa vào ngày mùng 2 Tết, đúng vào dịp có cáp treo nên đã thưởng thức và trải nghiệm rất nhiều điều thú vị. Xu hướng đi du lịch vào dịp Tết không còn lạ lẫm. Tôi nghĩ rằng, điều này cũng không đáng phiền lòng. Bởi cả một năm, người ta đã làm việc vất vả, nay hoàn toàn có thể tranh thủ dịp này để cùg gia đình đi du lịch, nghỉ ngơi. Nếu như chúng ta bớt đi những phần lễ nghi thì cảm xúc ngày Tết sẽ trọn vẹn hơn. Cũng như tôi, hơn 60 năm đón Tết ở Hà Nội, tôi cũng muốn được một lần được đón Tết ở vùng đất mới, tìm hiểu phong tục, tập quán ở nơi đó như thế nào, đây là trải nghiệm thú vị.

Tôi nghĩ rằng giống như tình yêu, mỗi thời đại, mọi thứ sẽ mang một sắc thái khác nhau. Có thể nhiều bạn trẻ vẫn biết đến và thích bài thơ “Hương thầm”mà tôi từng sáng tác, nhưng tình yêu của ngày hôm nay không còn sự rụt rè như trước nữa, người trẻ họ dám nói lên tình cảm và thể hiện tình cảm của mình. Phong tục, tập quán cũng vậy, cần phù hợp với nếp sống hiện đại. Chỉ có những điều cốt lõi là cần phải gìn giữ, ví dụ như việc thắp hương, thăm mộ ông bà, tổ tiên hay hỏi thăm, biếu quà cho bố mẹ mỗi dịp Tết đến. Điều này giúp chúng ta không xoá nhoà đi những ký ức và giá trị tốt đẹp.

PV: Như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa nhận định, ở mỗi thời đại, tình yêu hay phong tục, tập quán lại được thể hiện dưới một màu sắc riêng. Nhưng làm thế nào để gìn giữ được truyền thống trong chính sự đổi thay, thưa nhà sử học Dương Trung Quốc?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta nói đến câu chuyện truyền thống, nhưng truyền thống không phải là như cũ, là lặp lạ cái cũ mà là một cách thể hiện để người ta hồi cố lại cái xưa. Truyền thống chính là phát triển theo nguyên lý phù hợp với hoàn cảnh mới nhưng vẫn giữ được các giá trị cốt lõi.

Sự đoàn tụ trong gia đình có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, điều quan trọng nhất chính là giá trị tinh thần, là khi những trái tim vẫn cùng hướng về nhau, nơi đó có ông bà, có cha mẹ, có tổ tiên, có nếp nhà.

Sự đoàn tụ không khiên cưỡng là phải là về đúng ngôi nhà cũ, để thực hiện đúng các lễ nghi như từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng căng thẳng, giao thông đi lại dịp Tết trở thành nỗi ám ảnh, con người có thể sử dụng sự phát triển của công nghệ để cùng trò chuyện, hướng về nhau. Nhưng dĩ nhiên, điều này cần có sự chia sẻ, kết nối của các thế hệ trong cùng một gia đình.

Cha mẹ có thể thông cảm, chia sẻ với con cái để chúng nghỉ ngơi, du lịch, tái tạo lại năng lượng sau một năm nhiều áp lực mệt mỏi. Điều đó có nghĩa, họ không cảm thấy đứa con ấy phải về phục dưới chân mình mới là có hiếu, mà chỉ cần con cái nhớ đến mình, hướng tâm về phía mình. Tôi nghĩ rằng sự sẻ chia sẽ giúp những giá trị cốt lõi được bền vững, dù cách thức thể hiện có thay đổi. Bởi nếu chúng ta cứ giữ khư khư một điều đã cũ, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới thì sẽ chỉ càng làm cho giá trị ấy bị khiên cưỡng và dễ bị phá bỏ hơn mà thôi.

PV: Vâng, như nhà sử học Dương Trung Quốc vừa chia sẻ, dù thời gian có làm thay đổi nhiều điều ở nhịp sống hiện đại, nhưng có lẽ nếp nhà chính là điều cần phải gìn giữ mãi. Theo nhà văn Tạ Duy Anh và nhà sử học Dương Trung Quốc chúng ta nên nhìn nhận thế nào về nếp nhà trong bối cảnh những giá trị cũ và lối sống mới bị xung đột?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Nếp nhà có lúc đã bị hiểu sai, do sự máy móc trong việc đòi hỏi tính bình đẳng giữa các thành viên. Điều đó đã để lại hậu quả là cả nếp nhà xưa và nếp nhà nay đều không còn trong một số gia đình.

Theo tôi nếp nhà là thứ được thiết lập chủ yếu bằng sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi. Gương mẫu trong hy sinh, gương mẫu trong sinh hoạt, gương mẫu trong việc sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt với xung quanh. Về tổng thể, nếp nhà là thứ hình thành từ các yếu tố căn bản: Kỉ luật, sự chăm chỉ, nhường nhịn và lòng bao dung. Vì thế, biểu hiện quan trọng nhất của một gia đình có nếp là phải có một trật tự thứ bậc rõ ràng, cả về tuổi tác, quyền lực cũng như nghĩa vụ, trên nền tảng đề cao đạo đức, trách nhiệm và lòng tự trọng.

Chúng ta cần làm nhiều thứ, nhưng thứ quan trọng nhất là phải đặt yêu thương lên là giá trị cao nhất trong một gia đình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi cũng có cùng quan điểm với nhà văn Tạ Duy Anh, nếp nhà có thể hiểu theo nhiều nghĩa, đó không chỉ đơn thuần là không gian, là một ngôi nhà cụ thế mà hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó chính là tính cách, là truyền thống, là hệ tư tưởng của một gia đình. Nếp nhà giúp cho mỗi người đều hiểu nơi mình xuất phát và nơi mình trở về. Đó cũng chính là tinh thần của phương Đông. Trong thế giới hội nhập, không gian càng rộng lớn, con người càng cần có một điểm tựa để quy tụ về mặt tinh thần, đó chính là nếp nhà!

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia đối thoại!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top