Aa

Ngân hàng báo lỗ vì trích lập dự phòng

Chủ Nhật, 01/03/2020 - 06:00

Trong khi các ngân hàng ồ ạt báo lãi vượt kế hoạch thì Kienlongbank, Eximbank và Saigonbank lại báo lỗ.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (mã KLB) báo lỗ 120 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm.

Nguyên nhân chủ yếu khiến KLB lỗ do thu nhập lãi thuần giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2018, còn gần 116 tỷ đồng. Trong khi, chi phí hoạt động cao hơn tổng thu nhập, hơn 292 tỷ đồng. 

Tính chung năm 2019, KLB ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.008 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng mạnh so với năm 2018, đạt hơn 75 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác của KLB có lãi giảm từ một nửa đến 3/4 so với năm 2018.

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% so với năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp đôi năm 2018 với 75 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi sau thuế năm 2019 giảm khoảng 70% còn 68 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của KLB đạt hơn 51.093 tỷ đồng. KLB ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt gần 32.921 tỷ đồng.

So với hồi đầu năm, tổng nợ xấu cuối quý IV/2019 của KLB tăng lên gần 342 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% lên mức 1,02%.

Kienlongbank lỗ 120 tỷ đồng trong quý cuối năm 2019

Không lỗ nhiều như Kienlongbank, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Eximbank cũng ghi nhận khoản lỗ gần 8 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến ngân hàng này lỗ do tăng chi phí dự phòng lên 591 tỷ đồng, tương đương tăng gần một nửa so với cùng kỳ.

Dù vậy, tính chung cả năm 2019, chi phí dự phòng là 690 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với năm trước. Lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng Eximbank là 167.538 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 113.255 tỷ đồng, huy động tiền gửi khách hàng đạt 139.278 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng tại ngày 31/12/2019 là 1.933 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,84% xuống còn 1,7%.

Năm 2019, nhiều ngân hàng tăng lợi nhuận so với năm 2018 nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng. Tuy vậy, theo thống kê từ báo cáo tài chính hơn 20 ngân hàng trong nước, chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2019 nhìn chung vẫn tăng khoảng 15% so với năm 2018.

Những ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất gồm BIDV, VietinBank, MBBank. Trong đó, BIDV vẫn là ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất với 20.009 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2018. Chi phí dự phòng rủi ro VietinBank là 13.002 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top