Aa

Ngân hàng Nhà nước "hiến kế" giúp DN thiếu tài sản đảm bảo vẫn vay được vốn

Thứ Bảy, 18/04/2020 - 06:30

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Nếu thiếu tài sản đảm bảo, doanh nghiệp để ngân hàng quản lý dòng tiền thì chắc chắn không ngân hàng nào không cho vay.

Tại Hội nghị áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bình ổn sản xuất, kinh doanh và kết nối vốn hậu Covid-19, được tổ chức chiều 17/4, ông Hùng cho biết, ngành ngân hàng không thiếu tiền để cung vốn ra thị trường, quan trọng sức hấp thụ của nền kinh tế. Sau khi dịch được kiểm soát, kinh tế phục hồi quy mô vốn toàn ngành ngân hàng có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng.

Quy mô gói tín dụng hỗ trợ đã lên đến 600.000 tỷ đồng

Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, ngành ngân hàng là đơn vị tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đã có nhiều giải pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và nhận được sự đồng thuận rất cao của các tổ chức tín dụng như: giảm lãi suất, cơ cấu nợ và cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn phí dịch vụ.

Ông Hùng cho biết, hiện nay các TCTD đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới. Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các TCTD, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.

Để làm được điều đó, ngành ngân hàng phải giảm chi phí, lương thưởng, thậm chí không chia cổ tức bằng tiền mặt để hỗ trợ phục hồi DN. Sau khi dịch được kiểm soát, kinh tế phục hồi quy mô vốn toàn ngành ngân hàng có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết hiện nay lực hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm. Cho vay mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nông nghiệp, y tế. Trong khi đó, dư nợ cho vay tại một số ngành như thương mại, du lịch, tiêu dùng, dịch vụ… giảm mạnh.

Ảnh minh họa.

Chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, đặt câu hỏi: DN thực sự cần cái gì: cần tiền, cơ chế hay những cái khác? Theo chuyên gia này hiện nay DN cần dòng tiền và thanh khoản. Bởi hiện nay, DN đang “đối mặt” với công nợ và tư nợ, nhưng không có tiền.

Để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân vượt qua dịch bệnh, Chính phủ ban hành 2 gói hỗ trợ tiền tệ và tài khoá. Hiện, gói chính sách tiền tệ và tín dụng: Cho phép cơ cấu nợ và giảm lãi từ 1 - 2,5%; giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới. “Hiện quy mô gói tín dụng hỗ trợ đã lên đến 600.000 tỷ đồng. Nhưng hiện nay khả năng hấp thụ vốn các DN rất yếu ớt”, ông Lực cho hay.

Theo tính toán của ông Lực, các ngân hàng đã cho vay 300.000 tỷ, giảm lãi 1 - 2,5%, cùng giảm phí, thì hệ thống ngân hàng đã chia sẻ 28 - 30 nghìn tỷ đồng. Đây là tiền trích từ lợi nhuận của ngân hàng, không phải ngân sách.

DN có sẵn sàng cho ngân hàng quản lý dòng tiền?

Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), ông Hùng cho biết, NHNN nhận được nhiều phản hồi của các DN và Hiệp hội các ngành nghề về việc chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của các ngân hàng.

Theo ông, hiện nay các ngân hàng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp ở các khoản vay mới, mà còn rà soát, giảm lãi suất từ 0,5 - 2% đối với các khoản dư nợ hiện hữu. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế miễn giảm lãi, cơ cấu nợ và cho vay mới không thể tiến hành nhanh được. Bởi ngân hàng cũng phải xem xét DN có khả năng trả được nợ hay không. “Nếu DN không có tài sản đảm bảo, không có kế hoạch kinh doanh tốt và minh bạch dòng tiền thì không thể vay vốn, vì ngân hàng cũng phải huy động vốn của người dân. Nên các DN cần chia sẻ với ngành ngân hàng”, ông Hùng cho hay.

Đề xuất giải pháp cho các DN không có tài sản đảm bảo mà vẫn vay được vốn, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho rằng: “Nếu thiếu tài sản đảm bảo, DN để ngân hàng quản lý dòng tiền thì chắc chắn không ngân hàng nào không cho vay”, ông Hùng khẳng định.

Để doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính Phủ xem xét xây dựng một ngân hàng dành riêng cho nhóm DN này, với quy mô vốn khoảng 2% GDP, tương đương 150 nghìn tỷ đồng để cho DNNVV vay qua Quỹ bảo lãnh tín dụng. 

"Một ngân hàng như thế rất quan trọng đối với các DNVVN trong thời điểm này. Bởi, không thể dựa quá nhiều vào ngân hàng thương mại, vì ngân hàng cũng phải kinh doanh, không thể cho vay dưới giá vốn và không thể lỗ được, vì lỗ thì chính họ cũng bị xử lý", ông Hiếu kiến nghị.

Trước ý kiến cho rằng, chỉ có các DN mới tiếp cận được vốn ngân hàng, ông Hùng cho hay, hơn 300.000 tỷ đồng đã được "tung" ra để hỗ trợ DN là gói hỗ trợ của ngân hàng, chứ không phải gói chính sách. Các DN đã được đặc ân không bị chuyển nhóm nợ xấu mà vẫn được vay vốn.

"Kể cả sử dụng tiền ngân sách thì cũng phải thấy "cứu" được thì mới "cứu" chứ không phải cho vay tràn lan. Không phải chỉ DN lớn mới được hưởng, mà DN phải kiểm soát được dòng tiền, kể cả không có tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền", ông Hùng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top