Nghệ sĩ điện ảnh và “kho vàng” đất đai

Qua bàn tay “phù phép” cùng với với những con mắt mờ ám, cho rằng tất cả đất này đều là đất thuê, người ta đã không tính “quyền thuê đất” này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Có nghĩa là toàn bộ quyền thuê đất ở những mảnh đất đắc địa nêu trên đều được định giá là… 0 đồng.

02:01 24/09/2018

Chỉ trong mấy ngày đã có đến 2 quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai cùng với 2 hãng phim nổi tiếng cả nước một thời, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng.

Đọc những dòng thông tin liên quan đến vụ việc này, tâm cảm của tôi hiện lên những ánh vàng lấp lánh từ những mảnh đất hàng nghìn mét vuông ở những vị trí đắc địa tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, rồi liền với đó lại hiện lên gương mặt những nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng một thời đầy thân thương và quý trọng.

Hai hình ảnh này hiện lên tồn tại cùng một lúc trong cùng một vụ việc liên quan đến pháp luật, bạn đọc có thấy gờn gợn điều gì không?

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam trên phố Thuỵ Khuê (Hà Nội).

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam trên phố Thuỵ Khuê (Hà Nội).

Tôi may mắn thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với nhiều nghệ sĩ điện ảnh khá nổi tiếng, như Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Lê Vân, Trọng Trinh... và thấy rằng, với họ, nghệ thuật là đứng đầu, tiền bạc là đứng sau, đôi khi sau rất xa, sau cả tình bạn bè. Trong hai thứ “danh” và “lợi” mà con người thường hướng tới thì họ trọng cái danh hơn rất nhiều.

Vậy điều gì đã bắt buộc hình ảnh của họ phải gắn liền với mảnh đất lấp lánh ánh vàng đầy tai tiếng kia?

Thật may mắn, qua hồ sơ của những vụ việc này, các nghệ sĩ chân chính như họ chỉ là bên bị hại trong vòng vây một trận đồ quỷ quái của “Đồng tiền ma ám”.

Trong vụ án liên quan đến “Vũ nhôm”, có một mảnh đất “vàng” 2.337m2 của Hãng phim Giải Phóng, tại địa chỉ 15 Thi Sách (khu đất 2 mặt tiền góc đường Thi Sách - Cao Bá Quát, quận 1 TP.HCM), đã được chuyển giao.

Khi ấy, cũng như số phận của nhiều đơn vị văn hóa - nghệ thuật khác thuộc khu vực Nhà nước quản lý, Hãng phim Giải Phóng chìm trong nợ nần và luôn luôn khủng hoảng tài chính, cùng với đó là sự yếu kém về quản lý, kiện cáo nội bộ. Mảnh đất 15 Thi Sách được mệnh danh là “đất vàng” nhưng lại là của thành phố, Hãng chỉ là người đi thuê.

Đến năm 2015, tự nhiên Hãng được “lãnh đạo thành phố” đồng ý cho nhượng lại “quyền thuê đất”, thu về 29,19 tỷ đồng, cứ như nhặt được cục vàng trên dưới 30kg từ trên trời rơi xuống, ai mà chẳng mừng rơi nước mắt.

Trụ sở Công ty cổ phần phim Giải Phóng.

Trụ sở Công ty cổ phần phim Giải Phóng.

Và cũng không mấy ai nghĩ đến mảnh đất này lại liên quan đến một vụ án nổi tiếng mà những người liên quan sẽ phải hầu tòa, kể cả vị “lãnh đạo thành phố” nọ, nhưng tôi tin rằng, những nghệ sĩ chân chính của Hãng phim Giải Phóng vẫn luôn luôn giữ được hình ảnh của mình trong hàng triệu con tim người hâm mộ.

Rồi đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng liên quan đến “đất vàng”, nhưng cuộc chuyển dịch ly kỳ hơn, rối rắm hơn, và theo tôi, tham lam hơn, tàn nhẫn hơn rất nhiều, bởi một tài sản cực lớn mà đã bị “sang tay” với giá cực rẻ.

Nếu ai đã từng đến trụ sở của Hãng tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) thì sẽ thấy vị trí địa lý của nó đắc địa đến mức nào. Cả một diện tích sử dụng gần 5.500m2 nằm bên hồ Tây, một không gian đẹp bậc nhất Hà Nội. Ngoài ra, hãng còn có 905m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe. Tiếp nữa, Hãng còn quản lý khu đất rộng 6.382m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, TP.HCM) làm trường quay phim…

Có ai nghĩ được rằng, qua bàn tay “phù phép” cùng với với những con mắt mờ ám, cho rằng tất cả đất này đều là đất thuê, người ta đã không tính “quyền thuê đất” này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Có nghĩa là toàn bộ quyền thuê đất ở những mảnh đất đắc địa nêu trên đều được định giá là… 0 đồng.

Thế mà các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng của chúng ta cũng chấp nhận với một hy vọng là được tiếp tục làm nghệ thuật, dù biết rằng ông chủ mới của mình chỉ chuyên về… vận tải đường thủy (!).

Điều tham lam và tàn nhẫn tiếp theo là việc định giá toàn bộ thương hiệu và giá trị hàng trăm bộ phim thuộc vào sử sách của phim truyện Việt Nam trong suốt 60 năm hình thành và phát triển cũng với giá… 0 đồng.

Với bấy nhiêu tài sản, cả hữu hình và vô hình, Công ty Vận tải thủy (VIVASO) chỉ tốn có 32,5 tỷ đồng đã nắm gọn được toàn bộ trong tay một Hãng phim truyện lừng danh nước nhà một thời.

Thật ra, nếu VIVASO là một doanh nghiệp có tiềm năng cả về tài chính lẫn việc kinh doanh, chăm chút vào việc phát triển nền “nghệ thuật thứ 7” này của nước nhà thì mọi việc chắc cũng êm xuôi rồi. Nhưng hóa ra, những con mắt tham lam và tàn nhẫn kia dường như lại chỉ nhăm nhăm vào những mảnh đất vàng mà quên mất rằng, với những người nghệ sĩ chân chính, cả cuộc đời của họ là gắn với nghệ thuật.

Đến giờ thì mọi việc đã rõ ràng. Sau một thời gian dài đấu tranh bền bỉ, các nghệ sĩ của chúng ta đã đòi được công bằng. Kết luận thanh tra đã rõ ràng, tất cả phải làm lại từ đầu.

Hy vọng rẳng, những mảnh đất lấp lánh ánh vàng kia sẽ không bao giờ che lấp nổi khát khao hiến dâng cả cuộc đời cho nghệ thuật của các nghệ sĩ điện ảnh nước nhà.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Bạn đang đọc bài viết Nghệ sĩ điện ảnh và “kho vàng” đất đai tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận