Aa

Nghĩ trên tầng 14

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 09:00

Phải chi, hãy rà soát quy hoạch phát triển toàn thành phố. Nơi nào nhà chọc trời? Nơi nào đô thị vệ tinh? Nơi nào khoảng không gian cho rừng cây, đồi bãi, hồ nước?

Những ngày rét nàng Bân, khúc giao mùa của thiên nhiên xứ Bắc, thường làm ta xao xuyến, chông chênh, như nhớ thương, như xa vắng, như hờn dỗi một ai đó.

Tâm trạng này, giữa mùa dịch Covid-19, càng buồn tê tái khi ta đứng trên ban công tầng 14 nhìn ra mênh mông một trời xám bạc, nhìn xuống đại lộ từ hướng Tây Nam chọc thẳng vào trung tâm thành phố. Ô hay, đường phố suốt tháng nay, ngày nào cũng vắng hoe như ngày Mùng 1 Tết. Không xe bus, không taxi, không xe tải. Không ai muốn ra đường. 

Con virus vô hình, nhỏ đến mức qua kính hiển vi độ phân giải cao cũng khó thấy, mà có sức hủy hoại hơn mọi loại vũ khí loài người đã tạo ra, bóp nghẹt cả hành tinh.

Covid-19 dồn chúng ta vào cô đơn, bắt chúng ta sống thật chậm, thậm chí trì đọng, ngột ngạt, trầm cảm.

Từ thượng cổ đến giờ, đây là lần đầu tiên cả loài người cùng bị làm tù binh của một con virus vô hình. Nó sẽ bị tiêu diệt. Tất nhiên. Nhưng sự xuất hiện của nó có mặt tích cực, cảnh báo con người: Đừng có cuống lên mà sống gấp đến như thế, đừng có ngông cuồng mà chém giết nhau, cướp phá nhau trên đất liền, trên biển như thế, đừng có tham lam hủy hoại môi trường, phát triển nóng bằng mọi giá như thế… Hãy biết sống chậm lại, hãy hướng cái nhìn vào bên trong ta, vào cõi sâu của tư duy và minh triết.

Hà Nội vắng vẻ trong những ngày cách ly xã hội do Covid-19

Ban công tầng 14, tựa như nơi giao hòa với trời với đất trong những ngày tù túng mùa Covid-19. Đứng và nhìn và suy ngẫm. Con virus đang dạy ta bài toán giao thông. Nhà hoạch định chính sách lo không biết bao giờ Hà Nội mới cấm được xe máy? Thì kia, cả tháng nay, hàng triệu xe máy đã không lăn bánh trên đường. Nếu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông không bị lừa bởi nhà thầu nước lạ, nếu phát triển nhanh hệ thống xe bus, xe công cộng, nếu các chế tài giao thông thực hiện nghiêm minh… Hà Nội sẽ không còn trùng trùng xe máy, mũ cối như quân Nguyên, đến mức không thể loại bỏ.

Từ tầng 14 nhìn dọc đường Tố Hữu, quãng làng lụa Vạn Phúc, từ sau Tết ta, không thấy cảnh những bãi bia hơi nghìn nghịt người, mặt ai cũng đỏ lênh láng, bàn nào cũng dô dô như lên cơn co giật. Hóa ra không bia rượu cũng không chết ai mà tai nạn giao thông lại giảm hẳn, bữa cơm gia đình đầm ấm hẳn, khối anh chừa được rượu bia, khối cô nàng bữa cơm tủm tỉm nhìn chồng liếc yêu.

Từ tầng 14, như một kẻ bị cầm tù tự nguyện, nhìn ra mênh mông một nửa thành phố, xa tít tận đỉnh Ba Vì, tận phía sông Hồng, nhận ra thị trường địa ốc Hà Nội hai mươi năm qua phát triển quá nóng. Các tòa cao ốc, các cụm cao ốc, các dãy cao ốc… đã như thiên la địa võng giăng kín tầm mắt. Cứ đà này, mười năm nữa, mấy cánh đồng còn sót lại, đang trồng đào, trồng rau muống, hoặc bỏ hoang của La Khê, Mỗ Lao, Trung Văn, Vạn Phúc… trước mặt kia, sẽ ken kín nhà cao tầng. Mạnh nhà địa ốc nào khéo xoay xỏa, vận động hành lang tốt sẽ xí được phần đất ngon, béo bở. Lâu rồi Hà Nội bỏ chức danh kiến trúc sư trưởng thành phố, không ai chịu trách nhiệm cao nhất về kiến trúc, quy hoạch. Đô thị tự phát muôn năm.

Phải chi, hãy rà soát quy hoạch phát triển toàn thành phố, hãy chăm chút tới từng tòa nhà, từng mét vuông đất như cả Hà Nội là một đại resort. Nơi nào nhà chọc trời ? Nơi nào đô thị vệ tinh? Nơi nào khoảng không gian cho rừng cây, đồi bãi, hồ nước? Có ai nghĩ Hà Nội cần có một khu rừng giữa lòng thành phố như cánh rừng Boulogne 845 ha giữa thủ đô Paris, Centre Park 340 ha của New York, Công viên Vịnh hơn 100 ha của Singapore nhỏ bé như đảo Phú Quốc? Những cánh đồng còn lại của Mỗ Lao, Trung Văn, Dương Nội có nên giữ lại để làm những cánh rừng và bãi cỏ, hồ nước? 

Chao ơi, nếu Hồ Tây không phải là đoạn sông cổ của sông Hồng còn sót lại với mặt nước rộng tới hơn 500 ha, mà là một cánh đồng hoa đào, như Nhật Tân, Nghi Tàm… thì cũng biến thành khu cao ốc rồi (!) Có ai nghĩ, những nghĩa địa mênh mông của mấy xã Trung Văn, Dương Nội bên đường Tố Hữu kia, không cần di dời mà chỉ cần định vị những mồ mả, rồi đổ ngập đất, tạo thành những gò đồi trồng cỏ mịn, rồi đặt trả những bảng đá granit tên người đã khuất, như kiểu những ngôi sao trên đại lộ danh nhân Hollywod, tạo thành những công-viên-nghĩa-trang ngay trong lòng đô thị, cho cư dân và du khách hưởng thụ…

Chúng ta nên sống chậm lại. Trầm tĩnh lại. Mỗi ngày hãy đứng trên tầng 14 hay các tầng cao, để nhìn xa, nghĩ tới…

Tầng 14 tòa Anland, 4/2020, mùa Covid-19.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top