Aa

Ngồi trên trời làm chính sách

Thứ Năm, 07/03/2019 - 09:30

“Mất bằng lái xe phải thi lại” phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ngay lập tức gây sốt, ngay lập tức trở thành “chủ đề chế”, ngay lập tức gặp phản ứng. Thậm chí nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền còn nói đến cả chuyện “căn cứ thực tiễn” và “đạo lý” của đề xuất này.

“Bất kỳ quy phạm pháp luật nào cũng phải dựa trên cơ sở, căn cứ thực tiễn và nó phải có đạo lý của nó, chứ không phải anh là cơ quan quản lý nhà nước anh muốn ban hành cái gì cũng được”- lời ông Nguyễn Đình Quyền.

Trên báo Thanh Niên, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng bình luận đề xuất này vừa “nhầm đối tượng”, vừa “đổ phần khó cho dân”, vừa làm phát sinh chi phí xã hội và chi phí của người dân rất lớn.

“Nếu chi phí của việc làm bằng thứ 2, thứ 3 để gian lận có thể là 100 triệu thì chi phí của việc toàn bộ những người mất bằng phải thi lại có thể là 10 tỷ, tức là gấp 100 lần, mà chưa chắc xử lý được vấn đề, vì khi đã muốn gian lận, người ta vẫn có thể chấp nhận thi lại để lấy bằng”- ông Dũng nêu ví dụ.

Về mặt luật pháp: GPLX mang ý nghĩa là một thủ tục mang tính điều kiện xác nhận một cá nhân có đủ trình độ, điều kiện điều khiển phương tiện. 

Việc “mất”, vì bất cứ lý do nào cũng không thay đổi được cái lõi là người ta có đủ trình độ và nhà nước không thể bắt người ta phải “thi lại” tức là thực hiện lại thủ tục mà người ta đã phải thực hiện. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Đề xuất “phải thi lại” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một biện pháp quản lý hà khắc tác động đến tất cả, xuất phát từ cá biệt “một số người lợi dụng việc này để xin thêm bằng thứ hai, thứ ba”, hoặc có khi chỉ từ một khả năng “có thể” xảy ra, rõ ràng là đang buộc người dân phải qua một lần thủ tục. Một đề xuất đứng từ quyền lợi của người quản lý để đẩy khó cho dân.

Sinh thời, nguyên ĐBQH Ngô Văn Minh từng “than trời” với những văn bản trái luật, thiếu thực tế mà ông gọi là “ngồi trên trời mà làm chính sách”.

Ngực lép thì không được lái xe; xử phạt xe không chính chủ, quan tài không được có ô kính... Vô số, vô số những ví dụ chỉ có thể nói là “ngồi trên trời”.

Theo Luật ban hành Quy phạm pháp luật, một văn bản phải ban hành theo đúng trình tự, thủ tục phải qua giai đoạn lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình xem xét, ký ban hành.

Có lẽ, phản ứng của dư luận, của người dân, tức thái độ của đối tượng chịu chính sách trước đề xuất không hề lỡ miệng là điều mà Bộ GTVT nói riêng và các bộ ngành nói chung không thể bỏ qua nếu như không muốn mang tiếng “ngồi trên trời”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top