Aa

Người dưới xuôi đi chợ núi

Thứ Tư, 09/12/2020 - 08:00

Hãy học người ở núi cách sống chậm lại và học họ cách bình thản trong đời sống giản đơn. Vẫn nhiều nhà còn nghèo, họ không có ti vi, nồi cơm điện, ngoài hai cái xoong đun trên bếp củi nhưng họ vẫn cười an nhiên dung dị.

Tôi đi chợ phiên Tủa Chùa mất hơn mười tiếng đồng hồ lắc lư trên xe khách từ bến xe Yên Nghĩa qua Mộc Châu, Sơn La, rồi leo lưng đèo Pha Đin. Không có chị vác anh thồ, không có tiếng cười qua đèo Lũng Lô anh hò chị hát, mà là trên chuyến xe đêm nghe đủ thứ tiếng người Kinh, tiếng người Dao, tiếng Mông, tiếng người Xạ Phang líu lo như chim hót. 

Tôi thức trắng đêm, nhìn đỉnh đèo âm u, người nghiêng ngả như sóng, rồi chao đảo như cây gặp gió bão, thật ra đây chưa phải là chuyến đi chợ xa nhất của người Kinh lên núi. Cuối cùng sau đêm trắng, không phải như người ở núi đi hết mấy con dao quăng mà là quăng quật người trên xe khách rồi cuối cùng cũng tới chợ phiên Tủa Chùa. 

Chợ phiên Tủa Chùa họp sáng sớm chủ nhật, người Kinh đến sớm về sớm, chợ của người Dao, người Mông xuống núi muộn sẽ họp chợ muộn. Họ bầy bán đủ thứ từ con gà, con ngan cắp nách đến mớ đậu đỏ, gừng gié, tai chua, có nơi còn bán cả lông con lợn rừng chẳng biết để làm gì? Lông lợn làm như bàn chải cọ nhà, hỏi thì họ nói chỉ bán thôi, rồi cười. 

Chưa phải tết, mới gần tết dương lịch, chợ đầy tràn thời trang đỏ chói lói, lóng lánh hoa mà người Mông, người Dao đen, người Dao đỏ rất thích, một gam màu rực rỡ. Thay vào đôi dép nhựa, dép rọ, là bây giờ đi mặc quần áo dân tộc, đi giầy thể thao hãng bitis hoặc giầy ba ta trôi nổi khắp thị trường.

Thích nhất là thời trang khăn, áo, mũ được bày bán ngay gần chân núi. Họ nói tiếng Mông lao xao và họ nói cả tiếng Kinh nữa, khác hẳn chợ vùng cao Bắc Hà Lào Cai, người dân tộc ở đây không nói tiếng Anh chỉ giao tiếp tiếng mẹ đẻ và tiếng Kinh để trao đổi hàng hóa.

Chuyến đi chợ này, tôi gặp em Vàng Dỉn Tề (người dân tộc Xạ Phang, một trong số dân tộc ít người nhất của vùng này, nghe nói người Xạ Phang là một nhánh của dân tộc H-Mông) em đưa tôi đi chợ xem thời trang chân núi. Một cô gái người Mông có tên Vàng Ngân Hoa, cười rất tươi, em khoe: "Em vừa đi làm hai cái răng vàng về, nom có đẹp hay không?”. 

Thời trang răng vàng của người Mông. (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

“Răng làm bằng vàng mười thật mà, mài răng đi rồi bọc vào, mất hai chỉ vàng cho hai cái răng và phải trả cho bác sỹ nha khoa hơn mười triệu đồng”. Cũng nghe dân tình nói ở đây, gia đình người Mông có kinh tế thật khá giả, người có của ăn của để, mới đi mài răng bọc răng vàng, khi cười nhìn cho nó xinh. Họ nghĩ thế, dù văn hóa người Kinh lấy làm lạ mắt, dù nụ cười răng bọc vàng không thấy đẹp cho lắm, nhưng mà rất thú vị, rất đáng tôn trọng sở thích của đồng bào mình. Họ cười để phô răng, đi chợ để chưng diện quần áo. Màu càng rực rỡ, càng lóng lánh càng đẹp.

Gian hàng bày bán váy áo ở chợ Tủa Chùa. (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

Chợ Tủa Chùa bày bán nhiều chỉ màu và loại len màu rực rỡ (hầu hết là len Trung Quốc) hay một sợi nhỏ chỉ màu rực rỡ và khăn để thêu thùa. Người bán hàng quần áo vừa bán hàng vừa thêu thùa, bán hàng thu tiền xong lại cúi mặt vào thêu. Đó là nét văn hóa rất đẹp bên chợ núi ở xã Tả Sình Thàng, trung tâm thị trấn Tủa Chùa.

Vào nơi mua sắm váy áo, khăn cưới cho những cô dâu trong mùa cưới sẽ thấy khăn choàng đỏ rất đẹp, đai váy cũng được chú trọng như khăn và mũ. Tất cả cứ rực đỏ cả góc trời. Những chiếc mũ có giá 120.000 đồng đến 200.000 đồng được tết với các quả bông và các phụ liệu giả bạc nom rất đẹp.

Vừa bán hàng vừa thêu thùa. (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

Chợ còn mang một sắc thái riêng biệt, là người Mông vẫn gùi giỏ tre đi chợ, lác đác có người gùi giỏ nhựa. Họ bán nông sản măng tre và mộc nhĩ, nấm hương không thấy họ nói thách. Ví dụ 1 cân măng nứa 150.000 đồng nói bán, không nói thách và có ai mặc cả thì người bán nói: “Không bán đâu!”. Bánh dầy và bánh nếp cẩm 5000 đồng đến 10.000 đồng , quà chợ đủ để no căng bụng với 10 ngàn đồng. Phở thịt bò, bún thịt lợn nướng ai ăn nhiều gọi nhiều, ai ăn ít gọi ít. Và phở Tủa Chùa có một món hành khô vừa ngon vừa thơm khắp quán ăn.

Chợ dân tộc vùng cao rất coi trọng lưỡi cuốc và cái liềm, con dao quăng sắc nhọn để vào rừng hái hoa hồi và thảo quả. Và chợ có cả dãy bán hoa hồi, bán các loại hạt giống cho các loại rau, và đỗ các loại. Ở Tủa Chùa, các loại đậu đỏ, đậu đen to hạt và vừng lại nhỏ hạt li ti, đều rất thơm ngon, nó có hương vị bùi và ngọt rất khác vị dưới xuôi, nó đậm hơn và khiến người dưới xuôi thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.

Cổng chợ Tủa Chùa và nơi bày bán rau đậu ở chợ.  (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

Có thể nói chợ Tủa Chùa không giống chợ dưới xuôi, chợ dành cho người ở núi và họ có nét văn hóa đặc biệt của chợ miền núi. Dù cho thị trấn Tủa Chùa có hiện đại hơn, có cửa hàng làm móng chân, móng tay, phun xăm lông mày hay trang điểm cô dâu, thì văn hóa riêng của người dân tộc Mông, Dao, hay Dạo rất khó trộn lẫn, họ đều biết gìn giữ thời trang ăn mặc riêng và nét văn hóa ẩm thực cũng riêng biệt của dân tộc họ.

Khi trời càng lạnh thì nơi bán rượu ngô và chảo thắng cố cũng đông đúc khác thường. Rượu họ bầy bán can 5 lít và 10 lít, họ nói rượu ngô, rượu nếp cẩm, rượu làm bằng thóc cả vỏ càng để lâu càng ngon. Những người đàn ông đến với rượu và những người đàn bà đến với váy áo. Cái nghiêng của góc núi chợ núi chính là cái nghiêng về phía vẻ đẹp và nét ẩm thực đặc sắc của chợ Tủa Chùa. 

Chính vì vậy, sự thu hút cũng rất đặc biệt. Nhiều người ở thành phố Điện Biên cách Tủa Chùa khoảng 150 cây số, họ vẫn lặn lội đi du lịch chợ. Du lịch chợ, có người từ Hà Nội, Bắc Ninh đi Tủa Chùa, để mua sắm hàng khô rau sạch và có người nghiên cứu văn hóa đời sống vùng cao.

Mũ truyền thống của người Mông. (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

Buổi sáng có chợ phiên và buổi tối có chợ đêm. Họ bày bán rất nhiều dược liệu cây thuốc và vị thuốc. Hình như với người dân tộc Dao và người Mông họ đều có hiểu biết khá kỹ về cây thuốc và vị thuốc nên họ rất ít khi phải đến bệnh viện và dùng thuốc tây. Họ trở thành những bác sỹ đông y của riêng mình từ rừng xanh núi thắm. Và những người dưới xuôi mãi còn ngơ ngác trước dược liệu và các vị thuốc quý nơi đây.

Có thể nói, đường đi lên chợ phiên Tủa Chùa rất mệt, nhưng mọi sự mệt mỏi sẽ biến mất khi bạn chạm mắt đến chợ phiên, một chợ vùng núi cao có bán những loại sản phẩm không đâu có, như thuốc bằng cỏ cây đến các vật dụng thô sơ không có nét biểu hiện của hiện đại hóa và công nghiệp hóa. 

Thời trang chợ bên núi Tủa Chùa. (Ảnh Hoàng Việt Hằng)

Đó chính là đời sống thật chậm của người ở núi và khi đi chợ, nhìn chợ nó làm cho ta phải nghĩ đến tốc độ sống của người thành phố. Hãy học người ở núi cách sống chậm lại và học họ cách bình thản trong đời sống giản đơn. Vẫn nhiều nhà còn nghèo, họ không có ti vi, nồi cơm điện, ngoài hai cái xoong đun trên bếp củi nhưng họ vẫn cười an nhiên dung dị. Điều đó khiến người ở phố hẳn phải giật mình ngoảnh lại, nhìn lại mình và thử so sánh một lần thôi, mình đã khác vời người sống trên núi cao, khi ta đi chợ núi và nghĩ về người ở núi.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top