Aa

Người nhường cơm sẻ áo, kẻ “đục nước thả câu“

Thứ Ba, 03/08/2021 - 11:00

Nhiều giọt nước mắt hồi sau mới kể, nhiều người nhường cơm sẻ áo lặng thầm không cần ai hay. Đó mới chính là sự nhân ái của người Việt...

Giãn cách Hà Nội đến lần thứ 2, gần nhà nơi tôi sống có tới ba ổ dịch. Một ngày, dịch ở ngay công an phường Lê Đại Hành; một ngày ở phở 84 Tô Hiến Thành; một ngày, phố Bùi Thị Xuân đang căng dây. Rồi ngay bên hồ Bảy Mẫu cũng vậy, lại căng dây. Tôi đi chợ phố Nguyễn Công Trứ cũng đóng nốt, chốt công an cắm ngay đầu lối vào khu chung cư cũ và mới.

Sống gần 70 năm ở gần đó nên tôi thuộc lối đi tắt vào mua rau ở mấy nhà tập thể tầng 1, họ mang rau từ Hưng Yên hoặc chuối xanh từ Hà Nam, thịt cá từ mạn đền Chèm, Vẽ xuống. Giá rau thịt tăng vùn vụt, từ quả trứng đến mớ rau, củ gừng, giá đắt gấp đôi; thịt cá cũng đắt lên tới 5.000 đồng/100gr thịt.

Những người có lương hưu còn đứng ngơ ngẩn tính tiền chợ, những cụ già đơn lẻ đứng ở góc đường cứ lần lữa chưa mua. Một bà cụ nhờ vả: “Mợ tinh mắt có thấy hàng lạc vừng, mua giúp tôi mỗi thứ 2 lạng”. “Vừng lạc cũng lên giá cụ nhé. Mua cụ nhé”. Dĩ nhiên lạc vừng đắt cũng mua. Một thiếu phụ bảo: "Chị lấy giá gốc đi, để tôi bù lại cho chị sau". Đúng là người đi mua giúp cụ già, liền dúi vào tay bà cụ mấy đồng bạc lẻ, có dắt thêm mươi đồng bạc. Người được bà cụ nhờ vả trả thêm để người bán không thiệt.

Đi chợ mùa dịch
(Ảnh minh họa: Internet)

Khi mua rau dền, người bán rau hét giá 10 ngàn một mớ, nhiều người dừng xe máy mua cho xong. Có một hàng gà vịt cũng nâng giá gà lên 30 ngàn đồng/1kg, gà lông. Vì chạy các chốt, lý do thế. Đã bảo dịch giã, khối kẻ đục nước thả câu, họ nâng giá theo cửa miệng. Và người mua phải chấp nhận vì dịch. Nếu gửi xe, đưa vé đi chợ, gặp cảnh chầu chực, đứng cách xa 2m, xếp hàng rồi mua hàng, cũng lo lắng lắm. Vùng lân cận xung quanh chỗ tôi ở có chợ Hôm Đức Viên. Hình như chợ chỉ dành cho nhà khá giả, trung lưu đi chợ. Giá chợ Hôm cái gì cũng đắt hơn chợ Nguyễn Công Trứ, chợ nguyễn Công Trứ là của người nghèo, nhưng dịch đến cũng ối kẻ thả câu.

Giãn cách xã hội có sướng hơn thời chiến tranh, không phải ngủ hầm; để có chốn dung thân phải thấy mình sướng hơn bao người lưu vong ở ngay chính quê mình kia, về không được, phải chờ cách ly, đi cũng không xong và có người sức đã đuối rồi. Ai đó chạy xe gần ngàn cây số; ai đó chạy xe hơn ngàn cây số, quần áo bụi mờ; lầm lũi trong sương mờ và trong đêm tối. Họ ngủ tấp ven đường, màn trời chiếu đất mà đi. Vậy mà vẫn có kẻ ác tới nỗi bọn chúng còn đi rải đinh trên quốc lộ nơi đoàn xe di tản dịch chạy qua. Chính kẻ ác là người đàng mình với nhau, đã làm việc tày đình như thế.

Trên có giời dưới có đất chứng cho, ở ven quốc lội 1A vẫn có nhiều bà con thâu đêm đứng tiếp tế bữa ăn và tiền bạc, nhiều sự chia sẻ thiện lương còn ấm mãi bên trời. Nhiều giọt nước mắt hồi sau mới kể, nhiều người nhường cơm sẻ áo lặng thầm không cần ai hay. Đó mới chính là sự nhân ái của người Việt. Thực tế, chẳng có ai no đủ mà muốn rời bỏ quê hương đi xa? Vì đói nên đi làm thuê làm mướn kiếm ăn.

Người dân về quê tránh dịch
Người dân về quê tránh dịch

Người dân ngủ tấp ven đường trên hành trình về quê tránh dịch. (Ảnh: Internet)

Bao phận người ở Sài Gòn, Bình Dương chỉ sống bằng cơm giá rẻ và cơm từ thiện, họ ở trọ không có bếp ăn. Đại khái sống tạm qua ngày. Đại khái dân mình quen ăn tạm, uống tạm, sống tạm trên cõi tạm này. Nhiều người gia tài có mỗi bộ quần áo trong bao tải dứa. Trộm nghĩ đang mùa hè, tao tác chạy dịch còn đỡ chứ mùa đông tránh giá rét mưa phùn sao đây với dân cư Bắc bộ từ Thanh Hóa trở vào. Sức khỏe của những đứa trẻ, một thế hệ sẽ ra sao khi trên đường xa ngái về quê cũng đợi cách ly. Nếu mẹ, nếu chị có khóc được xin hãy cứ nức nở cho nước mắt chảy ra, sẽ nhẹ đi nỗi cay cực ở cõi người.

Phía sau những con đường chạy dịch, sẽ là những biến thể của dịch khác, mà chưa dễ mấy ai hay. Những căn phòng hẹp, không đủ quạt, đầy hơi người nói gì nghèo đào đâu ra điều hòa máy lạnh. Và bệnh ngoài da, bệnh ngứa, viêm da tái phát. Những bà mẹ những đứa trẻ, hôm tôi đi khám ở viện da liễu, có cả y tá điều dưỡng cũng đang chữa trị, vì da phồng rộp lên, lở loét và ngứa. Không đau nhưng ngứa mới là bệnh dã man, trẻ con khóc ngặt, người mẹ cũng gãi và cực quá thì khóc theo con. Khám xong đơn thuốc, bà mẹ ở tận Hà Nam xin bớt lại số thuốc để còn đủ tiền đi xe buýt về quê.

Lại có người mẹ trẻ vừa sinh mổ có 2 tuần vào bệnh viện điều trị viêm da, mẩn ngứa sau sinh. Nhà chồng nghèo chỉ cho ăn cơm khô, thiếu thốn đủ thứ cũng sinh ra bệnh tay chân và viêm loét vết mổ. Muôn ngàn chứng bệnh từ biến thế Cô vy, có người cứ rửa tay khắp nơi, nước rửa tay, hay xà phòng, hay nước rửa tay khô, chả hiểu sao ăn lan ra 10 ngón rụng hết móng tay. Những biến thể của Cô vy cũng làm cho sức khỏe của con người đi chữa chạy và nhiều khi lại lây lan bệnh khác, không tính hết được.

Bởi vậy, trong mỗi gia đình lúc này, cần nhất là có những quyển sách y học, sách hướng dẫn dùng thuốc dân gian, cách tự bấm huyệt khi khó thở và cách dùng gừng, lá tía tô, lá tre chữa cảm cúm phong hàn. Có những lá cây quanh mình mà đôi khi con trẻ không đọc, lướt qua. Cứ thuốc tây mà uống. Ông bà ta xưa làm gì có bệnh viện với các bác sỹ giáo sư. Họ đã biết điều chỉnh sức khỏe cơ thể bằng những lá cây thuốc quanh mình mà vẫn sống thọ, da dẻ săn chắc đến lúc về già. Hôm tôi lên Ba Trại ở Ba Vì, nhìn các cụ già tuổi 80 vẫn cười vui, khỏe mạnh, không hề nhãng tai, mắt tinh không cần kính, lại nhủ lòng thử học lại cách sống của ông bà ta xem. Hãy sống chậm lại, bớt toan tính mưu cầu vật chất, giản tiện đi, như ngày xưa thì giá trị tinh thần được thanh thản, an nhiên. Mà thanh thản thì sống khỏe, ai cũng biết thế và ai cũng hăm hở sống không phải thế.

Vườn quê Việt, có nơi bỏ hoang còn lại người già trẻ nhỏ, vườn quê có nơi đã là dự án tan hoang, có người đi qua đất vườn nhà mình trong hàng rào, rào tôn và dây thép. Những nỗi đau của người nông dân và người nghèo thị dân vẫn như cái barie vô hình, giăng mắc trên cái dây hàng rào kia. Giãn cách cứ ở nhà, việc học hành trẻ con nhà nghèo không có vi tính mà học online. Mới thấy vượt qua con vi rút chạy lơ lửng trong không gian; còn cần cả cha mẹ cũng phải bình tĩnh để dạy con trong thời gian phẳng mà lòng người sinh thành thì luôn ngược dốc lo áo cơm lo gia đình an yên, không dính F0, F1, đã là niềm hạnh phúc của thời khắc này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top