Aa

Người nước ngoài vẫn khó chạm tay vào giấc mơ nhà Việt

Thứ Năm, 27/09/2018 - 06:01

“Chỉ tiêu 30% thuộc sở hữu của người nước ngoài tại các dự án hết rất nhanh khiến nhiều khách hàng còn lại dù muốn cũng chưa thể tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở tại Việt Nam” là lời nhận định của ông Lê Nhỏ - Phó Tổng giám đốc Sunshine Group về chính sách sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.

Bên lề sự kiện Hội nghị Bất động sản Quốc tế 2018, ông Lê Nhỏ - Phó Tổng giám đốc Sunshine Group đã đưa ra kiến nghị về các chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam hiện nay cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo ông Lê Nhỏ, hiện nay người nước ngoài đang học tập, làm việc ở Việt Nam có nhu cầu lớn về sở hữu nhà ở. Đơn cử như tại dự án Sunshine City có địa chỉ ở khu đô thị Ciputra Nam Thăng Long, Sunshine Group có lượng khách hàng lớn đến từ Hàn Quốc và tính thanh khoản của dự án rất cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chính sách của Việt Nam mới chỉ cho phép các dự án có thể có 30% thuộc sở hữu của người nước ngoài. Với lượng khách hàng lớn như vậy, chỉ tiêu 30% đó hết rất nhanh và phần khách hàng còn lại dù muốn cũng chưa thể tiếp cận được với các sản phẩm này.

Ông Lê Nhỏ - Phó Tổng giám đốc Sunshine Group

Ông Lê Nhỏ - Phó Tổng giám đốc Sunshine Group

Ông Lê Nhỏ đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đã có những sản phẩm chất lượng ngang tầm quốc tế, đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả về vấn đề công nghệ, như việc vận dụng các yếu tố công nghệ thông tin vào vận hành quản lý các dự án để cung cấp đến khách hàng trong và ngoài nước nguồn thông tin đáng tin cậy.

“Các chủ đầu tư như chúng tôi rất coi trọng về vấn đề hợp tác quốc tế. Với những sản phẩm của mình, chúng tôi đẩy yếu tố nâng tầm chất lượng sản phẩm ngang tầm sản phẩm bất động sản quốc tế, vì vậy, đó là cơ hội thực sự để các đối tác tìm đến mình, mở đầu cho hợp tác trong tương lai” – ông Nhỏ cho hay.

Vị đại diện tập đoàn Sunshine Group cho rằng, yếu tố để thành công về thu hút đầu tư nước ngoài thực sự liên quan đến cơ chế chính sách. “Nếu cơ chế thông thoáng, lượng người nước ngoài đến với các sản phẩm bất động sản Việt Nam sẽ lớn hơn. Đó cũng là đòn bẩy giúp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cùng chúng tôi ở những dự án bất động sản chất lượng. Chúng tôi mong mỏi và khách hàng cũng đang chờ chính sách của chúng ta để họ có thể mua được các sản phẩm đó” – vị đại diện tập đoàn Sunshine Group cho hay.

Về mặt thủ tục sau mua nhà, ông Lê Nhỏ cho biết, khi khách hàng nước ngoài đã mua sản phẩm thì doanh nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thủ tục hợp pháp, việc đó nằm trong quy trình xử lý về pháp lý khi khách hàng mua nhà của các doanh nghiệp. Những thủ tục đó gần như giải quyết rất nhanh chóng, khiến khách hàng yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm bất động sản tại Việt Nam.

Trong phần chia sẻ cơ hội đầu tư tại các quốc gia ở cuối hội nghị IREC 2018, ông Lê Nhỏ đưa ra 2 trong 3 điểm kiến nghị để tăng cường đầu tư nước ngoài, đó là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các dự án bất động sản từ đó kết nối với chính phủ điện tử, giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu các cơ hội đầu tư; kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại một dự án không nhất thiết phải dưới 30%, mà điều chỉnh tỷ lệ người nước ngoài được mua trong một dự án theo từng khu vực cụ thể.

Nên mở rộng số lượng sở hữu nhà ở cho người nước ngoài?

Dưới góc nhìn về pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch cho rằng, sở dĩ, việc quy định pháp luật Việt Nam hạn chế việc sở hữu căn hộ đối với người nước ngoài chủ yếu đều hướng đến mục đích quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhà ở đối với người nước ngoài, khuyến khích người nước ngoài sở hữu nhà ở để sinh sống, làm việc ổn định chứ chưa nhằm mục đích thu hút người nước ngoài sở hữu loại tài sản này nhằm mục đích đầu tư.

Ví dụ trong trường hợp quy định pháp luật không hạn chế số lượng nhà ở mà người nước ngoài được phép sở hữu, trong một dự án 2.500 căn nhà mà có tới 1.500 căn là của người nước ngoài thì khu vực đó sẽ trở thành một khu dân cư, một thành phố nước ngoài thu nhỏ, vì nhiều lý do về văn hóa, thói quen sinh hoạt, tư tưởng, lối sống của họ mà những điều này sẽ khiến điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an ninh trật tự và có thể mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Ngoài ra, pháp luật quy định như trên cũng đồng thời nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho công dân Việt Nam so với người nước ngoài, hạn chế quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài đồng nghĩa với việc người Việt Nam có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở hơn khi có nhu cầu.

Luật sư Tuấn Anh cũng đồng quan điểm đó khi cho rằng quy định hiện tại về cơ bản phù hợp với định hướng phát triển chung, tuy nhiên lại không phù hợp với thực tiễn một số địa phương. Một số địa phương tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Kiên Giang… Quy định pháp luật nên có những cân nhắc điều chỉnh như giao quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét quyết định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà thuận lợi hơn.

“Việc mở rộng số lượng sở hữu nhà ở cho người nước ngoài theo tôi nghĩ là cần thiết trong bối cảnh nên kinh tế, xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhu cầu sinh sống, làm việc của tổ chức, cá nhân người nước ngoài ngày càng tăng như hiện nay và đồng thời sẽ phù hợp với việc phát triển đất nước theo định hướng kinh tế thị trường” – luật sư nhận định.

Khoản 2, điều 161 luật Nhà ở 2014 quy định: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài); Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định, cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top