Aa

Người “thổi hồn” cho trái bưởi Tết

Thứ Hai, 28/01/2019 - 00:52

Từ những trái cây quen thuộc với người nông dân như bưởi, cam,..., qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, ông Giáp đã thổi hồn cho từng loại trái cây với nhiều kiểu dáng khác nhau. Ngoài ra, ông còn ghép 5-10 quả trên cùng một cây, rất độc đáo.

Những cây bưởi Tết độc đáo…

Chúng tôi tới thăm vườn cây của ông Lê Đức Giáp tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội trong những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ông Giáp là người đầu tiên nghiên cứu ra kỹ thuật ghép các trái bưởi, cam, chanh vào một thân cây, tạo thành những cây bưởi Tết có một không hai và từng được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2012.

Không được đào tạo qua trường lớp bài bản nào nhưng ông Giáp đã khiến nhiều người kinh ngạc khi là người đầu tiên ghép thành công 5 loại quả như bưởi Diễn, cam Vinh, quất… trên một thân cây bưởi bằng kỹ thuật cấy ghép riêng biệt mà ông đã đúc kết sau nhiều năm trồng cam bưởi. Không dừng lại ở đó, với sự miệt mài, mày mò học hỏi, từ cách ghép 5 loại quả, ông Giáp còn ghép thành công 10 loại quả, trong đó có những loại khó thích nghi hơn như quả cam đường, quả phật thủ, bưởi da xanh… trên một thân cây. Ông Giáp cho biết, hiện tại giá cây cảnh độc đáo này dao động từ 2 đến 10 triệu đồng tùy theo hình dáng, số loại quả ghép trên một thân cây, thế cây và tuổi đời của cây.

Với 20 năm kinh nghiệm trồng cam, bưởi, ông không khó để nhận ra sự thay đổi trên từng cành cây, tán lá trong vườn nhà. Ông Giáp cho biết, cây chọn ghép phải có thân to và bộ rễ chùm khỏe, thường là cây bưởi, cây cam sau đó đưa thêm các loại quả khác như phật thủ, quất… sao cho các loại quả chín đúng dịp Tết. Muốn quả ghép phát triển bình thường, ông đã khéo léo ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác, tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilon ở vết ghép để quả có chất dinh dưỡng.

Người “thổi hồn” cho trái bưởi Tết

Ông Giáp cần mẫn với vườn cây, quả mỗi ngày

Ông Giáp chia sẻ: “Như bao nghề khác, nghề làm vườn cũng cần phải có đam mê, tâm huyết để mỗi sản phẩm đều được thổi hồn mình vào đó. Muốn thổi hồn vào cây, để cây trở nên đẹp hơn, nghệ thuật hơn phải tốn rất nhiều công sức. Bởi thế mà mỗi người làm công việc này phải rất kiên trì, tỉ mỉ”.

Khó khăn nhất trong việc ghép quả là mỗi loài đều có một thời điểm chín riêng, vì vậy, để các loại quả cùng chín một lúc, ông phải canh thời gian ghép, để các loại quả có độ chín đồng đều. Không những thế, khi những trái trên cây chín đẹp thì trên các cành cây vẫn có hoa và lộc non. Điều này không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ là hiểu được “tính cách” của cây sẽ làm được cây ra hoa như ý muốn. Ông cho biết, cây cũng giống như người, khi đáp ứng cho nó đủ nhu cầu, nó sẽ không làm theo ý mình. Muốn nó ra hoa, lá đúng dịp, cách Tết khoảng một tháng, chỉ cần làm nó “ức chế’ bằng cách đội đất, cắt bỏ một phần rễ chính, tự khắc cây sẽ ra hoa.

Ông Giáp tâm sự, mỗi dịp Tết, gia đình ông bán ra thị trường từ 150 - 200 cây ngũ quả, lục quả, thập quả...Số lượng cây không thể nhiều hơn, vì mỗi cây đều cần sự chăm sóc tỉ mỉ, cắt ghép kỳ công từ khoảng tháng 5 Âm lịch cho tới tháng 11 và từng loại quả có mùa ra trái khác nhau. Theo ông Giáp, loại cây 10 loại quả này có dụng ý vừa trang trí ngày Tết, vừa mang ý nghĩa phát tài, phát lộc "thập toàn thập mỹ" trong năm mới.

Trao đổi với phóng viên, ông Giáp khẳng định, với kỹ thuật chăm sóc của mình cùng với sự hướng dẫn tỉ mỉ cho khách hàng trước khi cây được mang ra khỏi vườn, cây sẽ sống khỏe mạnh và trái đậu cho tới hết tháng Giêng, thậm chí đến tháng Hai. Nhiều khách hàng thân thiết sau khi mua cây về chơi Tết họ lại tiếp tục gửi ông Giáp chăm sóc và ghép thêm quả để năm sau chơi tiếp. Với những cây như thế, ông chỉ lấy tiền công chăm sóc và công ghép quả.

Người “thổi hồn” cho trái bưởi Tết

Kỹ thuật ghép rất quan trọng, người ghép phải khéo léo khi ghép cuống quả vào cành hay nhánh của cây thật chính xác

Từng chậu cây bưởi, cây ngũ quả của ông Giáp luôn ẩn chứa tình yêu, niềm đam mê và sự sáng tạo. Chính điều này đã giúp những sản phẩm của ông luôn mang sự khác biệt rất riêng, tạo nên sự mới lạ, độc đáo trong mắt khách hàng, trở thành một thứ đặc sản mang “phong vị” của ngày Tết.

…Vì nền nông nghiệp sạch Việt

Ông Giáp vui vẻ kể, ban đầu đi đâu người ta cũng bán tín bán nghi cho rằng ông ghép được cây ngũ quả chỉ là ăn may, chứ tỉ lệ những trái ghép đẹp, chất lượng chắc chắn không thể cao được. Vì thế, ông Giáp càng quyết tâm trau dồi và tìm hiểu kỹ thuật trồng cây ngũ quả để chứng minh khả năng của mình. Sau nhiều năm cần mẫn với những gốc cây bưởi, cây cam, ông không những rút ra nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, cấy ghép bưởi cảnh, mà còn là người tiên phong trong việc phát triển mô hình cam Canh, bưởi Diễn sạch, sản lượng cao, chất lượng tốt.

Nhiều người biết chuyện ông Giáp trồng ghép thành công những cây nhiều loại quả, thậm chí còn mở rộng mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh... ra 2 khu vườn rộng hơn ở Lạc Thủy, Hòa Bình nên đã tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm.

Không chỉ đam mê với nghề trồng cây ăn quả, ông Giáp còn là người rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng truyền giảng những kỹ thuật trồng cây mới nhất và hiệu quả nhất cho những ai có nhu cầu thực sự. Bất cứ ai, không phân biệt xa gần nếu có nhu cầu học về kỹ thuật trồng cây ăn quả đều được ông tận tình giúp đỡ. Bởi với ông, càng giúp được nhiều người, thì càng nhiều người biết trồng cây đúng kỹ thuật, mà không bị lạm dụng và phụ thuộc vào hóa chất. Như vậy mới nâng cao được chất lượng nông phẩm Việt, giá thành phải chăng. Từ đó, nông nghiệp Việt mới có thể phục vụ cho người tiêu dùng Việt tốt hơn.

Hàng năm, cứ khoảng tháng 10 Âm lịch, khi các vườn cam, bưởi sắp vào độ chín, ông Giáp lại đi khắp nơi, từ Hòa Bình lên Tuyên Quang rồi vào Thanh Hóa, Nghệ An và các vùng lân cận để tư vấn miễn phí giúp bà con về kỹ thuật trồng cây ăn quả, cách giữ trái đẹp, vị ngon mà không cần sử dụng bất cứ loại thuốc kích thích hay bảo quản nào.

Ông chia sẻ: “Mình ăn với cây, ngủ với cây, cây khỏe hay yếu mình nhìn cành, nhìn lá cây là có thể hiểu. Vì thế, để cây ra hoa đúng vụ, lá đẹp, quả đẹp, chín đúng mùa, vị ngon, người nông dân có thể làm được hết. Quan trọng là người nông dân phải thực sự hiểu được thói quen sống của từng loại cây, yêu cái nghề mình đang làm như thế nào mà thôi”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top