Aa

Nguồn cội

Thứ Năm, 14/06/2018 - 06:00

Xasa rất bồn chồn. Cậu hỏi tôi nhiều lần nên gửi quà gì cho bố. Cậu lao tâm khổ trí về điều đó. Rồi cậu cũng mua quà. Cho đến lúc đó, tôi hiểu rằng cậu rất thương người bố "xa lạ" của mình. Bằng cách nào một mối liên kết tinh thần sâu đậm ấy hình thành – suy xét bình thường khó mà hiểu được...

Có một thời gian tôi làm phiên dịch tiếng Nga tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô (cũ). Nhóm phiên dịch có nhiều người, cả người Việt, cả người Nga. Trong đó có người nửa Nga nửa Việt – đó là Xasa. Cậu ấy cao to, trắng bóc, tóc xoăn rất giống Exenhin, khuôn mặt lại tròn, mềm mại, rất Việt. Cậu là kết quả mối tình giữa một sinh viên Việt Nam (lứa đầu sang Liên xô) và một cô gái xứ Bạch dương.

Xasa phát âm tiếng Việt còn chuẩn hơn cả tôi. Nhưng vốn tiếng Việt thì chỗ nhiều chỗ thiếu. Chuyện trò bình thường thì rất tốt, như người Việt với nhau. Nhưng dịch bài giảng có các khái niệm chính trị xã hội thì rất khó nhọc. Nhiều lần cậu làm cả lớp không nín được cười. Hôm đi tham quan bảo tàng tranh tròn Borodino, cậu dịch "Đồng chí Cutudop","Đồng chí Napoleon"…

Xasa quý tôi vì những lúc "nguy cấp" khi dịch, tôi thường "ứng cứu". Và cả vài chuyện khác. Có lần, buổi tối, cậu đến chỗ tôi ở, ngượng nghịu loay hoay rất lâu, rồi cuối cùng cũng nói: Đêm nay cậu sẽ không về nhà, liệu tôi có thể nói chuyện với vợ cậu một câu, rằng cậu ở lại uống rượu chỗ tôi được không. Tôi nói rằng tôi không thể nói với vợ cậu điều đó. Vì tôi biết cậu ta sẽ không ở chỗ tôi.  Cậu im lặng rồi gật đầu. Sau đó cậu đề nghị: Tôi không nói gì cả. Nhưng nếu sau này có lúc vợ cậu hỏi là tối hôm đó cậu có ngồi với tôi, tôi có thể khẳng định không? Tôi đồng ý.

Rừng Bạch Dương thanh bình.

Rừng Bạch Dương thanh bình.

Xasa không giấu là cậu không hiểu gì về người bố. Cậu chỉ biết ông là giáo sư, dạy ở trường đại học của Hà Nội. Cậu sang Việt Nam vài lần, có gặp bố, nhưng Xasa nói rằng cứ như hai người của hai thế giới khác nhau. Mà khác nhau lắm. Xasa có những vấn đề riêng của cậu. Người bố cũng thế. Nhưng mỗi lần đề cập đến bố, tôi nhận thấy Xasa day dứt và buồn.

Xasa cũng không dấu rằng với vợ (người Nga gốc) cậu cũng có nhiều vấn đề. Không phải là không yêu nhau, nhưng có lẽ vợ không hiểu cái phần Việt Nam trong con người cậu. Còn cậu cũng không hoà nhập hoàn toàn như một người Nga.

Khi giữa chúng tôi với nhau, cậu hay có thái độ cách biệt với những chuyện liên quan đến người Việt và Việt Nam. Cũng dễ hiểu. Khi đó người Việt rất khổ vì nghèo, thiếu. Còn Xasa là người của nước Liên Xô to lớn và giàu có – từ thước đo của người Việt. Nhưng nhiều lần cậu đã nổi khùng và quyết liệt với người nước ngoài (kể cả người Nga hay người nước khác) khi có những đánh giá về người Việt Nam mà cậu cho là hạ thấp. Cậu là người Nga giữa người Việt. Và là người Việt giữa người Nga.

Khi chúng tôi sắp mãn hạn công tác, chuẩn bị về nước (chúng tôi làm việc với nhau hai năm), Xasa rất bồn chồn. Cậu hỏi tôi nhiều lần nên gửi quà gì cho bố. Cậu lao tâm khổ trí về điều đó. Rồi cậu cũng mua quà. Cho đến lúc đó, tôi hiểu rằng cậu rất thương người bố "xa lạ" của mình. Bằng cách nào một mối liên kết tinh thần sâu đậm ấy hình thành – suy xét bình thường khó mà hiểu được.

Tôi đã rất sốc khi biết ít lâu sau khi chúng tôi chia tay nhau, Xasa chết đuối tại nơi nghỉ mát khi bơi cứu đứa con mải chơi đã ra quá xa bờ. Đứa con mang một phần dòng máu Việt.

Có một cái gì đó rất âm thầm trong máu mỗi người, không thể nói rõ nó là gì. Nó rất mỏng manh, mà rất bền vững. Có lẽ người ta gọi đó là nguồn cội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top