Aa

Nguồn vốn rẻ “tiếp sức” doanh nghiệp

Thứ Hai, 11/04/2022 - 15:14

Hiện các nhà băng đang tích cực tung ra nhiều sản phẩm tín dụng hấp dẫn, dành riêng cho nhóm khách hàng là DNNVV có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất sau dịch.

Buôn tài không bằng dài vốn

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I năm 2022 có nhiều khởi sắc. Cụ thể số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đăng ký tăng 21%.

Tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng theo các chuyên gia, quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Thiếu hụt dòng tiền, thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng… là những hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa được chữa lành, nay các doanh nghiệp lại đang phải đối mặt với cơn “bão giá” khi xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào không ngừng leo thang trong mấy tháng gần đây.

Điều này không chỉ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, nhất là DNNVV vốn có “sức khoẻ” tài chính không tốt rất cần các chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất sau dịch.

nguon von re tiep suc doanh nghiep

DNNVV rất cần nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch

Một trong những chính sách được các DNNVV mong chờ nhất hiện nay là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Với khoản “vốn mồi” này, mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ đồng được tung ra, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhận định, chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp là vô cùng đáng quý, góp phần quan trọng trong việc hồi phục của các doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Nếu được tiếp cận với nguồn vốn rẻ này, doanh nghiệp không chỉ phục hồi sản xuất mà còn tiến tới đầu tư công nghệ, đảm bảo yêu cầu về nhà xưởng, máy móc… để có thể đáp ứng được yêu cầu về chuỗi sản xuất, cung ứng mới của Việt Nam và toàn cầu.

Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vốn được coi là “xương sống” của nền công nghiệp quốc gia, nguồn vốn ưu đãi càng có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia lớn như Toyota, Honda…

Ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi giá các nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận sẽ là “liều thuốc quý” để DNNVV khôi phục sản xuất kinh doanh. Minh chứng là việc triển khai giảm lãi suất trong hai năm 2020, 2021 đã thực hiện rất tốt, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp trong khó khăn của đại dịch.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, NHNN cho biết, khi dịch Covid-19 diễn ra, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, NHNN đã chủ động ba lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để chủ động giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Trong 2 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp, và hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, NHNN cũng đã kịp thời chỉnh sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN bằng Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian và mở rộng đối tượng được hỗ trợ.

Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia ghi nhận, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng với những biện pháp điều hành của NHNN cùng với việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Minh chứng là tín dụng vẫn tăng trưởng tốt trong thời gian qua, đa phần vốn đi vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, tín dụng đang tạo điều kiện và hỗ trợ cho khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ giao, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11 trong đó nêu rõ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt NHNN đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của NHTM đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, NHNN đã hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn cho vay.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, bản thân các NHTM cũng đang rất mong chờ những hướng dẫn cụ thể để có thể triển khai đưa nguồn vốn ưu đãi đến với các doanh nghiệp. Ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và hộ sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu vay mới đối với các doanh nghiệp, các dự án khả thi, nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thực tế, thời điểm này, các nhà băng đang tích cực tung ra nhiều sản phẩm tín dụng hấp dẫn, dành riêng cho nhóm khách hàng là DNNVV có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất sau dịch. Đơn cử như từ ngày 15/03/2022, Vietcombank đã triển khai chương trình cho vay quy mô 49.000 tỷ đồng “Vốn lớn có nhanh – Lãi suất cạnh tranh” với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 6,3%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trung dài hạn. OCB cũng vừa cho ra mắt Gói hỗ trợ tín dụng 1000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ với mức lãi suất ưu đãi vay ngắn hạn chỉ từ 7,8%/năm, triển khai đến hết 31/12/2022...

Có thể nhận thấy, nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng không thiếu, nhưng điều quan trọng là cách tiếp cận và sử dụng vốn của doanh nghiệp để bảo đảm an toàn cho chính mình và các nhà băng.

Ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, đi vay để cho vay, nên ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng là bảo toàn vốn. Do vậy nếu doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn, ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay, còn ngân hàng không cho vay dưới chuẩn. Vì lẽ đó, chính các DNNVV cũng cần nâng cao “sức khoẻ” tài chính của mình, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh tốt, phương án trả nợ hợp lý trước khi tìm đến ngân hàng.

“Nguồn vốn ngân hàng cho vay giúp doanh nghiệp phát triển là lẽ đương nhiên nhưng trong nhiều trường hợp, ngân hàng không cho vay mới chính là cứu doanh nghiệp thoát chết”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo số liệu cập nhật của NHNN, đến nay, lũy kế giá trị nợ các TCTD đã cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ từ 23/01/2020 là trên 680 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 45.000 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top