Aa

Nhà đầu tư găm hàng, người dân đi săn đất

Thứ Năm, 15/03/2018 - 14:00

Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; Cảnh báo "nóng" cho nhà đầu tư condotel; Nhà đầu tư găm hàng, người dân đi săn đất; Vì sao đất giáp ranh Sài Gòn như thỏi nam châm hút vốn nhỏ;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

Đó là quy định mới của Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được ban hành ngày 08/03/2018.

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản. Đồng thời, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Theo đó, việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp nhà nước lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài.

Xem chi tiết tại đây

Nhà đầu tư găm hàng, người dân đi săn đất

Lo ngại nguồn cung khan hiếm, nhiều nhà đầu tư và người mua thực bắt đầu công cuộc săn hàng ngay từ thời điểm này trong khi các doanh nghiệp nắm quỹ đất mới và nhiều chủ đất lại hoãn kế hoạch bung hàng nên sản phẩm trên thị trường càng khan hiếm.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều chủ đất đã hoàn thiện tách thửa cũng quyết định găm sản phẩm. Một CĐT dự án tại Nhà Bè cho biết, anh đã hoàn tất thủ tục xin tách thửa và chuẩn bị bán hàng nhưng bây giờ đang xem xét lại kế hoạch. Rất có thể anh vẫn bán ra trong quý II này nhưng với số lượng nhỏ để xem phản ứng thị trường, nếu giá tăng tốt thì mới bung hàng bán tiếp.

Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn khu Đông và khu Tây, khá nhiều dự án nhỏ đang phân lô bán nền vẫn treo bảng chào bán. Tuy nhiên khi được hỏi thì hầu hết môi giới nói chỉ nhận đặt chỗ, chưa ra hợp đồng và cũng chưa có giá bán chính thức.

Xem chi tiết tại đây

Việc TP.HCM siết tách thửa, phân lô bán nền càng khiến giới săn đất ráo riết gom sản phẩm

Việc TP.HCM siết tách thửa, phân lô bán nền càng khiến giới săn đất ráo riết gom sản phẩm

Đặt nhà ga ngầm cạnh hồ Gươm, làm sao để không ảnh hưởng đến di tích quốc gia đặc biệt?

Chuyên gia quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, vị trí nhà ga ngầm C9 đặt cạnh hồ Gươm là hợp lý, là rất cần thiết. Kế hoạch này cũng nằm trong định hướng phát triển hệ thống giao thông của Hà Nội và có lấy ý kiến của nhiều cơ quan tư vấn cũng như chuyên gia nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nghiêm, kế hoạch là vậy song để làm như thế nào thì Hà Nội vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. Cụ thể, đặt ra những vấn đề như làm ga ngầm phải có kỹ thuật như thế nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, hệ thống cây xanh bên trên nhà ga. Đây không phải là lần tranh cãi đầu tiên mà trước đó chuyện đặt ga ngầm ở Vườn hoa Lý Thái Tổ hay bên cạnh vườn hoa Tao Đàn cũng có nhiều tranh cãi về kỹ thuật, về bảo tồn cây xanh ở phía trên. Theo đó, phương án làm ga ngầm cần có nghiên cứu vững chắc hơn nữa.

Ông Nghiêm cũng đưa ra giải pháp khi xây dựng nhà ga C9, cần quan tâm đến việc tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường công cộng để người dân đi bộ vào khu vực nhà ga thì mới bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ khu vực hồ Gươm.

Xem chi tiết tại đây

Vì sao đất giáp ranh Sài Gòn như thỏi nam châm hút vốn nhỏ

Từ năm 2017 đến nay, mặt bằng giá đất tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã bị đẩy lên đáng kể nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều (rẻ hơn trung bình 3-5 lần) so với TP HCM. Khoảng cách giá đất giữa siêu đô thị và tỉnh lẻ càng nới rộng hơn khi cơn sốt đất tại Sài Gòn lan rộng trong năm 2017.

Với ưu thế giá đất ở tỉnh giáp ranh rẻ hơn Sài Gòn, những dòng vốn từ vài trăm triệu đồng đến trên dưới một tỷ đồng rộng cửa đổ về thị trường ngách này do khó tìm được nhiều sự lựa chọn thích hợp. Trong khi đó, đầu tư đất hoặc bất động sản liền thổ tại TP HCM đòi hỏi dòng vốn phải lớn hơn, tối thiểu dăm ba tỷ đồng trở lên mới nhập cuộc được.

So với các kênh đầu tư tài chính khác như: gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ, chứng khoán, đất nền vượt trội về tính ổn định, chống trượt giá cao và là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền nhàn rỗi trong trung và dài hạn. Dòng vốn nhỏ tuy chỉ mua được nhà đất tỉnh lẻ (không có giá trị cao bằng Sài Gòn) nhưng vẫn đảm bảo được tính năng này và đồng thời cũng có hiệu suất đầu tư cạnh tranh so với các kênh tài chính khác. Do đó, lực hút của đất nền giáp ranh đối với dòng tiền nhỏ vẫn cực lớn.

Xem chi tiết tại đây

Bất động sản vùng ven vẫn có mặt bằng giá khá thấp so với nội đô TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Bất động sản vùng ven vẫn có mặt bằng giá khá thấp so với nội đô TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Cảnh báo "nóng" cho nhà đầu tư condotel

Đánh giá về quá trình phát triển các dự án condotel các năm qua, Chủ tịch HoREA cho biết, lãnh đạo nhiều địa phương đã mời gọi và tạo điều kiện về quỹ đất, về thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư để đầu tư phát triển các dự án condotel phục vụ du lịch, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên câu chuyện cam kết lợi nhuận dự án condotel vẫn còn khiến nhiều người trăn trở.

Đối với những dự án condotel mà chủ đầu tư không cam kết lợi nhuận thì nhà đầu tư thứ cấp phải chịu thêm chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý khai thác kinh doanh. Bên cạnh đó, nhà đầu tư thứ cấp còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi giao cho chủ đầu tư kinh doanh căn hộ condotel của mình.

Chưa kể, nhiều chủ đầu tư cam kết trả lợi nhuận cho khách hàng mua căn hộ nghỉ dưỡng song lại không đề cập đến các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp; cũng như chưa có giải pháp rõ ràng để hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận (sau 8 - 12 năm) để nhà đầu tư yên tâm.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top